Tại sao ca nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ giảm dù tỷ lệ tiêm chủng thấp?

COVID-19 tiếp tục chậm lại ở Ấn Độ kể cả trong mùa lễ hội. Các nhà lập mô hình dịch tễ học trước đó đã dự đoán đợt bùng phát thứ ba đạt đỉnh trong tháng 10 và 11.

Số ca mắc mới hàng ngày tại Ấn Độ đã giảm từ mức cao nhất hơn 400.000 ca mỗi ngày vào tháng 5 năm 2021 xuống dưới 10.000 ca mỗi ngày. Việc quốc gia đông dân thứ hai thế giới tiếp tục giảm số ca nhiễm đang là điều mà các nhà dịch tễ học quan tâm và tìm câu trả lời.

Một phụ nữ Ấn Độ được tiêm phòng vắc xin Covid-19. Ảnh: GI

Bài liên quan

Ấn Độ buộc tội nhiều giám đốc Amazon vì để cần sa “được rao bán như rau”

Nga, Ấn Độ ký hợp đồng sản xuất súng AK lớn nhất lịch sử

Lũ lụt ở Ấn Độ khiến 17 người thiệt mạng, hàng chục người mất tích

Tại sao Thủ tướng Modi bãi bỏ luật nông nghiệp mới của Ấn Độ?

Tín hiệu từ các xét nghiệm kháng thể

Ở Ấn Độ, xét nghiệm kháng thể đã được tiến hành thường xuyên kể từ khi đại dịch bắt đầu. Đây là nơi xét nghiệm máu của rất nhiều người để kiểm tra sự hiện diện của kháng thể COVID, những thứ mà cơ thể con người tạo ra sau khi bị nhiễm COVID hoặc tiêm vắc-xin COVID.

Cuộc khảo sát quốc gia lần thứ tư vào tháng Bảy cho biết 67,6% người dân trên khắp Ấn Độ có kháng thể COVID, cung cấp cho họ một mức độ miễn dịch chống lại virus.

Tại thời điểm đó, 24,8% người dân được chủng ngừa bằng một liều vắc xin và 13% được tiêm chủng đầy đủ. Điều này có nghĩa là một tỷ lệ lớn những người có kháng thể đã thực sự bị nhiễm COVID.

Thành phố Delhi báo cáo 97% người dương tính với kháng thể vào tháng 10, bao gồm 80% trẻ em. Khoảng 95,3% những người được chủng ngừa với vắc xin Covishield đã phát triển kháng thể, 93% những người được tiêm vắc xin Covaxin của Ấn Độ cũng vậy.

Bang Haryana vào tháng 10 đã tìm thấy kháng thể ở 76,3% người lớn, hơn 70% ở trẻ em và sự khác biệt không đáng kể giữa dân số thành thị và nông thôn.

Bang Kerala có tỷ lệ huyết thanh thấp nhất là 44,4% vào tháng 7, nhưng vào tháng 10, tỷ lệ này đã tăng lên 82,6% trong dân số nói chung và 85,3% ở cư dân các khu ổ chuột thành thị.

Xét nghiệm kháng thể cho thấy một tỷ lệ lớn người Ấn Độ đã mắc virus Corona - Ảnh: AAP / Ajit Solanki

Điều này có ý nghĩa gì đối với “làn sóng thứ ba” ở Ấn Độ?

Một làn sóng thứ ba ở Ấn Độ là một kịch bản khó xảy ra với lượng kháng thể cao như hiện nay và mức độ tiêm chủng tiếp tục tăng.

Giờ đây, người ta đã công nhận những người bị nhiễm COVID tự nhiên và hồi phục trước khi tiêm chủng sẽ phát triển khả năng miễn dịch tốt hơn những người chỉ có kháng thể từ tiêm chủng. Đây được gọi là “miễn dịch lai”, khi những người bị nhiễm SARS-CoV-2 trước đó có phản ứng miễn dịch mạnh mẽ bất thường với vắc-xin COVID.

Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh ở Mỹ lưu ý rằng cả những cá nhân đã được tiêm chủng đầy đủ và những nhóm đã bị nhiễm bệnh trước đó đều ít có nguy cơ lây nhiễm trong 6 tháng tiếp theo.

Mặc dù khoảng 30% dân số vẫn còn nhạy cảm, nhưng không có bất kỳ đợt tăng đột biến nào sau mùa lễ hội khẳng định mức độ bảo vệ trong dân tiếp tục cao.

Các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp có nguy cơ bùng phát dịch nhỏ, nhưng không đủ lớn để có bất kỳ mối lo ngại lớn nào về dịch tễ học.

Với mức độ nhạy cảm huyết thanh cao ở người lớn, nhiều trường hợp nhiễm mới có thể xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là khi các cơ sở giáo dục mở cửa trở lại. Nhưng mức độ tiêm chủng cao trong giáo viên (lên tới 90%) và bằng chứng mới nhất cho thấy việc mở lại trường học không liên quan đến sự gia tăng đáng kể trong việc lây truyền bệnh trong cộng đồng, có thể làm yên lòng người dân.

Nhà khoa học chính của WHO cho biết vào cuối tháng 8 rằng Ấn Độ dường như đang "bước vào một số giai đoạn đặc hữu".

Liệu một biến thể mới, chẳng hạn như biến thể phụ Delta Plus được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 4/2021 có thể đe dọa sự ổn định tương đối hiện tại? Mặc dù người ta nói rằng biến thể này có thể lây truyền nhiều hơn khoảng 10-15% so với biến thể Delta, nhưng bằng chứng từ châu Âu cho thấy nó vẫn chưa thể lấn át Delta.

Từ thực tế của Ấn Độ, các nhà dịch tễ đang ngày càng tin tưởng vào đại dịch COVID-19 có thể sẽ được khống chế vào năm 2022 và virus Corona sẽ không còn nguy hiểm khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên cũng như lượng người nhiễm bệnh khỏi tăng cao.

Hoàng Nam

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tai-sao-ca-nhiem-covid-19-o-an-do-giam-du-ty-le-tiem-chung-thap-post168091.html