Tại sao các thành phố trực thuộc tỉnh kết thúc hoạt động?
Tại buổi họp báo của Bộ Nội vụ, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương đã giải thích lý do tại sao các thành phố trực thuộc tỉnh kết thúc hoạt động sau sắp xếp.
Không có vương vấn đối với cấp huyện
Tại buổi họp báo Bộ Nội vụ vào sáng 28/4, Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn thông tin đề xuất ban đầu của Bộ Nội vụ vẫn có mô hình thành phố, thị xã và xác định đây là một loại hình trong đơn vị hành chính cấp cơ sở.

Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Trung Tuấn phát biểu.
"Theo đề xuất ban đầu của chúng tôi, tổ chức chính quyền địa phương hai cấp gồm cấp tỉnh và cấp cơ sở. Trong đó, cấp cơ sở bao gồm xã, phường, đặc khu, thành phố, thị xã", ông Phan Trung Tuấn thông tin.
Tuy nhiên, theo ông Phan Trung Tuấn, khi trình lên, cấp có thẩm quyền đã lưu ý cân nhắc rất kỹ việc này. Cụ thể, Bộ Chính trị đã 3 lần xem xét, cho ý kiến về đề án này và yêu cầu cân nhắc rất kỹ vì sao không giữ lại tên thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
"Chúng ta đã thống nhất chủ trương bỏ hoàn toàn cấp huyện, cấp cơ sở chỉ còn cấp xã. Mặt khác, có yếu tố tâm lý sợ tác động, ảnh hưởng đến nhiều người dân. Họ sẽ băn khoăn vì sao chủ trương bỏ cấp huyện mà vẫn giữ lại thành phố, thị xã đang là cấp huyện", ông Phan Trung Tuấn giải thích.
Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương thông tin thêm, sau khi cân nhắc rất kỹ, Bộ Chính trị, Trung ương thống nhất tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, bỏ hoàn toàn cấp huyện, không có "vương vấn" gì đối với đơn vị hành chính cấp huyện nữa.
Thống nhất chế độ công vụ từ trung ương đến cơ sở
Cũng tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Xuân Tự, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức cho biết dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi có 7 chương, 52 điều, giảm 35 điều so với luật hiện hành.
Trong đó, ông Nguyễn Xuân Tự nhấn mạnh việc đề xuất, sửa đổi, bổ sung quy định liên thông công chức, viên chức cấp xã, cấp tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ trung ương đến cấp xã là một trong những thay đổi đáng kể nhất.

Ông Nguyễn Xuân Tự, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ).
Theo ông Nguyễn Xuân Tự, việc hoàn thiện quy định này nhằm thực hiện chủ trương xây dựng nền công vụ liên thông từ trung ương đến cấp xã. Khắc phục tình trạng phân tán cục bộ trong quản lý công chức của hệ thống chính trị. Qua đó bảo đảm tính liên thông, đồng bộ, tổ chức bộ máy nhà nước thực hiện theo hướng tinh gọn.
Bên cạnh đó, vấn đề sửa đổi, bổ sung cơ chế quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức theo hướng minh bạch, hiệu quả. Trong đó có 2 nội dung chính liên quan đến vấn đề này. Cụ thể là vấn đề chuyển đổi phương thức quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.
Theo đó, làm rõ các quy định về đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, căn cứ vào yêu cầu vị trí việc làm, năng lực, kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Bỏ quy định thi nâng ngạch, thay vào đó là cơ chế bổ nhiệm vào ngạch, từ những vị trí việc làm được giao, đảm bảo theo năng lực.
Đồng thời là việc đổi mới công tác tuyển dụng công chức theo hướng tuyển chọn người đáp ứng được ngay vị trí việc làm. Sau khi trúng tuyển, công chức được bổ nhiệm, xét lương vào ngạch công chức, viên chức theo vị trí việc làm, không thực hiện chế độ tập sự.
Theo ông Nguyễn Xuân Tự, Luật mới sẽ nâng cao hiệu quả đánh giá, sử dụng, sàng lọc công chức, viên chức, trong đó quy định việc đánh giá công chức thì phải căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, sản phẩm cụ thể theo vị trí việc làm đang đảm nhận.