Gần đây, Shenyang bắt đầu thử nghiệm mẫu số 3 của máy bay chiến đấu tàng hình FC-31. So với phiên bản 01 và 02 ban đầu, phiên bản mới nhất của FC-31 đã bỏ ống dẫn khí phía trên mũi, thân máy bay phình to hơn, điều này cho khả năng FC-31 sử dụng động cơ trong nước, chứ không phải là loại động cơ RD-93 do Nga sản xuất.
Không giống như máy bay chiến đấu hạng nặng J-20 thế hệ thứ năm của Chengdu, J-31 sử dụng ghế đơn, 2 động cơ, thiết kế bố trí khí động học theo hình dáng của máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ; bề mặt thân máy bay được phủ sơn tàng hình, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của máy bay tàng hình thế hệ thứ năm.
Là "đứa con ngoài giá thú", máy bay FC-31 tương đối bị hạn chế bởi các nguồn lực đầu tư; tuy nhiên theo đánh giá của giới quân sự Trung Quốc, xét về kích thước, vật liệu chế tạo, hệ thống điện tử hàng không và động cơ… tính năng FC-31 không thua kém nhiều F-35 do Mỹ sản xuất?.
Mặt hạn chế của máy bay chiến đấu FC-31 đó là khoang vũ khí nhỏ, do vậy khả năng mang theo vũ khí bị hạn chế; cùng với đó là lượng nhiên liệu mang được ít hơn và chỉ được trang bị động cơ thế hệ 3 của Nga.
Do những điểm yếu trên, vì vậy cả hiệu suất bay và bán kính chiến đấu của FC-31 đều bị hạn chế rất nhiều. Trên thực tế, mục đích ban đầu khi chế tạo FC-31 là loại máy bay thế hệ 5 giá rẻ, nhằm xuất khẩu sang các nước đang phát triển.
Gần đây cơ hội đã đến với FC-31, khi Hải quân Trung Quốc đang tìm một loại máy bay mới để dùng trên tàu sân bay; như vậy có khả năng FC-31 có cơ hội thoát khỏi cảnh “con hoang”, khi họ hy vọng nhận được đơn đặt hàng từ hải quân Trung Quốc.
Có lẽ nhà sản xuất Shenyang sẽ như “chết đuối vớ được cọc”, khi được các nhà lãnh đạo Quân đội Trung Quốc quan tâm đến dự án, và họ không còn phải vất vả khi lo kinh phí phát triển dự án. Ảnh: Tiêm kích hạm J-16 hoạt động trên tàu sân bay Liêu Ninh.
Nếu có kinh phí đầu tư, việc khắc phục các mặt còn tồn tại như việc đầu tư phát triển một loại động cơ hoàn toàn mới, cũng như khắc phục các nhược điểm thiết kế sẽ được giải quyết. Công suất radar mảng pha cũng có thể được tăng lên một cách thích hợp, do đó hiệu quả chiến đấu của FC-31 có thể được cải thiện về mặt chất lượng.
Mặc dù kích thước của FC-31 tương tự F-35 do Mỹ sản xuất, nhưng các nhà thiết kế Trung Quốc lựa chọn việc sử dụng 2 động cơ, thay vì 1 động cơ như của F-35, do vậy thân máy bay FC-31 có tính năng khí động học và hiệu suất bay siêu âm tốt hơn F-35.
Ngoài các ưu điểm về hình dáng khí động học, FC-31 còn có khả năng sống sót cao và khả năng tàng hình trước các phương tiện trinh sát radar và hồng ngoại của đối phương. FC-31 sử dụng radar mảng pha chủ động và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, cho khả năng chiến đấu không kém F-35.
Có rất nhiều thứ, mà theo các nhà phân tích quân sự Trung Quốc là “hơn F-35”, nhưng điều đáng xấu hổ là mẫu máy bay chiến đấu “tiên tiến” này đã không nhận được bất kỳ đơn đặt hàng nào ở nước ngoài nào, kể từ chuyến bay đầu tiên vào ngày 31/10/ 2012.
Việc nhà sản xuất kỳ vọng FC-31 sẽ là loại máy bay bán chạy và cạnh tranh “sòng phẳng” với F-35 của Mỹ là điều phi thực tế. Hiện nay F-35 được đánh giá là loại máy bay bán chạy số 1 thế giới; các đơn đặt hàng đủ để dây chuyền sản xuất F-35 của Lockheed Martin hoạt động đến năm 2030, và tương lai gần, chỉ có các quốc gia đồng minh thân cận mới có thể mua F-35. Ảnh: Máy bay chiến đấu Lockheed Martin F-35.
Còn với phương châm “nhanh – nhiều - tốt – rẻ” của các nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc, chắc khó thành công trong lĩnh vực vũ khí công nghệ cao; do vậy FC-31 vẫn là “đứa con ngoài giá thú” trên thị trường vũ khí quốc tế, khi chưa có quốc gia nào ký hợp đồng, để có cơ hội sở hữu loại chiến đấu cơ “tối tân” này của Trung Quốc.
Video Trung Quốc giới thiệu máy bay chiến đấu tàng hình J-31 mới - Nguồn: Vietnamplus
Tiến Minh