Tại sao Đức không thể khởi động lại điện hạt nhân?
Theo nhật báo Liberation, bất chấp những phát biểu tích cực về điện hạt nhân trong những ngày gần đây, việc chấm dứt hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân ở Đức dường như là điều phải diễn ra.
Ngày 3/8, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thông báo ủng hộ việc kéo dài tuổi thọ của ba nhà máy điện hạt nhân cuối cùng lẽ ra sẽ phải chấm dứt hoạt động vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhật báo Liberation, bất chấp những phát biểu tích cực về vấn đề này trong những ngày gần đây, việc chấm dứt hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân ở Đức dường như là điều phải diễn ra.
Đây sẽ là lần trì hoãn cuối cùng đối với nguồn năng lượng từng chia rẽ người Đức suốt từ trước đến nay? Thủ tướng Olaf Scholz không phản đối điều này. Ngày 3/8, ông cho biết mong muốn kéo dài tuổi thọ của ba nhà máy điện hạt nhân cuối cùng còn đang hoạt động và điều này rất “có ý nghĩa” trong bối cảnh đất nước ông đang đứng trước viễn cảnh thiếu khí đốt trầm trọng khi mùa Đông đến.
Về lý thuyết, các nhà máy điện hạt nhân Isar 2 ở Bavaria, Neckarwestheim 2 ở Baden-Württemberg và Emsland ở Lower Saxony sẽ bị ngắt kết nối từ ngày 31/12/2022 theo kế hoạch mà cựu Thủ tướng Angela Merkel đã quyết định vào năm 2011.
Nhưng khí đốt, loại năng lượng sưởi ấm cho một nửa số nhà ở tại Đức, cũng góp phần vào hoạt động sản xuất điện (chiếm hơn 14% hỗn hợp năng lượng) tại nước này. Bởi vậy, các nhà máy điện hạt nhân có thể giúp tiết kiệm lượng khí đốt mà Đức rất cần cho các hộ gia đình và cho các doanh nghiệp trong nước.
Hơn nữa, khủng hoảng khí đốt nếu diễn ra có thể nhanh chóng chuyển thành một cuộc khủng hoảng về điện năng. Người Đức hiện đang đổ xô vào các máy sưởi điện phụ trợ và điều này rất có thể sẽ làm bão hòa mạng lưới trong mùa đông này.
Cho đến lúc này, Đức vẫn là nước xuất khẩu điện, và vì vậy chính phủ nước này đã hứa sẽ hỗ trợ các nước láng giềng đang cần điện, chẳng hạn như Pháp - nước láng giềng có mạng lưới điện hạt nhân đang sụt giảm mạnh với một nửa số nhà máy phải ngừng hoạt động. Thậm chí Franziska Holz, Phó giám đốc năng lượng tại Viện nghiên cứu kinh tế Berlin, còn khẳng định “không loại trừ khả năng mất điện” tại Đức.
Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Robert Habeck đã cho thực hiện một bài kiểm tra (mức căng thẳng về điện) để phân tích khả năng chống chịu của mạng lưới tại Đức hiện nay. Kết quả kiểm tra sẽ được xác định sau ít tuần và Thủ tướng Olaf Scholz đã ấn định thời hạn để đưa ra quyết định cuối cùng.
Bộ trưởng Robert Habeck đã quyết định kích hoạt lại các nhà máy nhiệt điện than (nhà máy đầu tiên mở cửa trở lại từ đầu tháng Tám) bất chấp điều này sẽ đẩy lùi thời hạn thoát khỏi loại năng lượng cực kỳ ô nhiễm này (theo kế hoạch là năm 2030) và làm ảnh hưởng không nhỏ đến các mục tiêu giảm khí thải CO2 của Đức.
Các tổ chức ủng hộ năng lượng hạt nhân đang có những phê phán gay gắt về “thất bại của quá trình chuyển đổi năng lượng ở Đức” và yêu cầu chính phủ khôi phục lĩnh vực này. Stefan Wolf, Chủ tịch Nghiệp đoàn giới chủ luyện kim Đức và là người ủng hộ việc xem xét lại kế hoạch thoát than, nhấn mạnh: “Hiện có hơn 50 nhà máy (điện hạt nhân) đang được xây dựng trên khắp thế giới. Kỹ thuật đã phát triển. Liên minh châu Âu (EU) đã phân loại năng lượng này là sinh thái”.
Một nhóm 20 nhà khoa học ủng hộ điện hạt nhân đã kêu gọi thay đổi mô hình trong chính sách năng lượng của Đức. Trong “Tuyên bố Stuttgart” công bố ngày 25/7, nhóm này khẳng định “nguyên tử phải là trụ cột thứ ba trong cuộc chiến chống sự nóng lên toàn cầu, cùng với gió và Mặt Trời”. Chuyên gia Ferdinand Dudenhöffer, giám đốc Trung tâm nghiên cứu ôtô Duisburg, khẳng định: “Không thể từ bỏ năng lượng hạt nhân nếu coi trọng khả năng điện động”.
Tuy nhiên, không ai tin vào một sự “phục hưng hạt nhân” ở Đức. Cơ quan Kiểm soát Liên bang Đức đã tuyên bố phản đối điều này vì lý do kinh tế nhưng cũng vì những ý nghĩa thông thường: “Đừng nên đặt lại vấn đề với sự đồng thuận (từ bỏ điện hạt nhân) đã đạt được một cách khó nhọc trong nhiều thập kỷ”.
Cho đến những năm 2000, với 19 nhà máy, điện hạt nhân vẫn sản xuất một phần ba lượng điện ở Đức. Sản lượng điện hạt nhân trong hỗn hợp năng lượng tại hiện nay đã giảm xuống chỉ còn 6%. Franziska Holz, cũng như các nhà sinh thái học, muốn chính phủ tăng cường đầu tư hơn nữa vào năng lượng tái tạo (hiện gần 50% sản lượng điện được sản xuất ở Đức) bằng cách sử dụng than như một năng lượng quá độ.
Để kéo dài “một cách bền vững” tuổi thọ của ba nhà máy điện hạt nhân cuối cùng, cần phải vượt qua các quy trình kiểm tra kỹ thuật, trong khi các chuyên gia Đức đang tỏ ra nghi ngờ về khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn an ninh hiện thời của các lò phản ứng (bao gồm các mối đe dọa khủng bố và khí hậu). Chuyên gia Franziska Holz cho biết: “Việc khởi động lại toàn bộ lĩnh vực sẽ quá phức tạp và cũng cực kỳ tốn kém”.
Ngay cả CEO Frank Mastiaux của EnBW, một nhà cung cấp năng lượng lớn, cũng không ủng hộ việc làm này. Theo tính toán của ông, phải mất 18 tháng mới được nhận các thanh uranium mới. Và một vấn đề quan trọng nữa là phải làm gì với những chất thải mới trong khi Đức vẫn chưa tìm được bãi xử lý cuối cùng cho những chất thải phóng xạ hiện có?
Cuối cùng, một quyết định như vậy sẽ đòi hỏi phải hoàn thành một thủ tục bắt buộc, đó là sự phê chuẩn của Quốc hội đối với các điều khoản luật sửa đổi về điện hạt nhân dân dụng. Một cuộc tranh luận như vậy có nguy cơ khiến liên minh của ông Olaf Scholz tan rã. Thủ tướng Đức cũng bị mắc kẹt giữa các nhà hoạt động sinh thái và các thành viên của đảng Dân chủ Tự do (FDP), vốn sẵn sàng đặt lại câu hỏi về việc từ bỏ điện hạt nhân vì lý do bầu cử./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tai-sao-duc-khong-the-khoi-dong-lai-dien-hat-nhan/254097.html