Tại sao giá vé ca nhạc tại Mỹ có giá trên trời?

Bộ Tư pháp Mỹ đã đệ đơn kiện công ty tổ chức sự kiện Live Nation Entertainment cùng đơn vị phát hành vé trực tuyến Ticketmaster do công ty này sở hữu, đã thổi phồng giá vé nhạc hội một cách bất hợp pháp, gây thiệt hại lớn cho các nghệ sĩ và người hâm mộ.

Nghệ sĩ Travis Scott tại show diễn Rolling Loud. Ảnh: henryhwu

Nghệ sĩ Travis Scott tại show diễn Rolling Loud. Ảnh: henryhwu

Theo một khảo sát của Pollstar, giá vé trung bình cho một trong những tour diễn hàng đầu tại Mỹ ở mức 122,84 USD vào 2023, tăng 34% so với mức 91,86 USD vào năm 2019. Nhưng do lượng vé bán ra có hạn, đa phần người hâm mộ thường phải trả chi phí cao hơn rất nhiều trên thị trường chợ đen.

Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland tuyên bố khi công bố vụ kiện: "Ticketmaster áp đặt một danh sách phí dường như không giới hạn cho người hâm mộ, bao gồm tiền vé, phí dịch vụ, phí nâng cấp, phí xuất vé hay phí xử lý thanh toán..."

Bản cáo trạng lưu ý rằng phí tham dự một buổi hòa nhạc trực tiếp ở Mỹ vượt xa phí ở các khu vực tương đương trên thế giới. Một báo cáo năm 2018 từ Văn phòng Giải trình Chính phủ ước tính những khoản phí này làm tăng giá vé khoảng 27%.

Việc yêu cầu phát hành độc quyền của một số nhà phân phối vé online cũng ảnh hưởng đến quyền lợi của người hâm mộ. Vé cho các buổi hòa nhạc đình đám, chẳng hạn như Tour Eras của Taylor Swift hoặc Tour toàn thế giới Renaissance của Beyonce, trước đây thường được bán trước cho các thành viên trong câu lạc bộ người hâm mộ của nghệ sĩ hoặc được dành riêng cho các đại lý, địa điểm, nhà tổ chức chương trình.

Tuy nhiên đơn vị phát hành dẫn đầu là Ticketmaster áp đặt các điều khoản độc quyền, ngăn cản các nghệ sĩ bán vé trực tiếp cho những người hâm mộ thông qua các kênh phát hành.

Tình trạng “thổi giá” cũng được coi là một vấn nạn. Những đơn vị chuyên thu mua vé sẽ gom vé của các buổi hòa nhạc hot và đẩy giá thị trường lên cao. Một báo cáo của 404 Media cho thấy những người chuyên săn vé với mục đích bán lại sẽ thiết lập nhiều tài khoản được liên kết với các địa chỉ email và thẻ tín dụng khác nhau, thậm chí sử dụng cả các trình duyệt chuyên dụng để mua vé đầu cơ, vượt qua các biện pháp bảo vệ mà Ticketmaster đặt ra để ngăn chặn những kẻ mua vé với mục đích kiếm tiền.

Vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Live Nation trực tiếp quản lý hơn 400 nghệ sĩ âm nhạc và kiểm soát khoảng 60% công tác quảng bá buổi biểu diễn tại các địa điểm lớn. Họ sở hữu hoặc kiểm soát hơn 265 địa điểm tổ chức nhạc hội ở Bắc Mỹ, và thông qua Ticketmaster, kiểm soát ít nhất 80% vé cho các buổi hòa nhạc tại các địa điểm lớn.

Bộ Tư pháp cho biết: "Tại Mỹ, nơi Ticketmaster có thị phần cao hơn so với đơn vị khác, họ sẵn sàng tính giá cao hơn và áp đặt những mức phí ẩn không công bố."

Ngoài ra ông Greg Parmley, Giám đốc Điều hành công ty giải trí LIVE cho biết giá vé âm nhạc có xu hướng tăng cao những năm gần đây còn phụ thuộc nhiều vào các chi phí liên quan đến khâu tổ chức, bao gồm địa điểm, chi phí vận chuyển hay nhân sự, vốn đã tăng liên tục trong những năm gần đây.

Hoàng Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tai-sao-gia-ve-ca-nhac-tai-my-co-gia-tren-troi.html