Tại sao khủng hoảng ngân hàng chưa thể kết thúc
Giai đoạn hoảng sợ sau cuộc khủng hoảng ngân hàng tháng trước đã sắp kết thúc, nhưng vấn đề lớn hiện nay là nền kinh tế sẽ phải xử lý thế nào với những đợt rút vốn sau này.
Theo Wall Street Journal, sự sụp đổ của SVB và Signature Bank trong tháng trước đã gần như phá vỡ trạng thái cân bằng của nền kinh tế Mỹ - vốn rất mong manh dưới áp lực của lãi suất cao.
Không chỉ những người gửi tiền tại cả 2 ngân hàng này tỏ ra hoảng loạn và liên tục rút vốn, nhiều khách hàng của các nhà băng khác cũng tự hỏi rằng liệu có nên rút khoản tiền không bảo hiểm ra.
May mắn thay, những nỗ lực cứu trợ của chính phủ đã khiến người dân an tâm hơn phần nào và giúp tạm dừng dòng tiền chảy ra một cách hoảng loạn. Tuy nhiên, khả năng "xói mòn tiền gửi" tại các ngân hàng nhỏ lẻ vẫn có thể tiếp diễn vì nhà đầu tư hiện có xu hướng chuyển sang các quỹ tương hỗ có lợi suất cao hơn.
Giảm tổng tiền cho vay
Có một sự thật hiển nhiên là chi phí huy động vốn càng cao thì lợi nhuận ngân hàng càng giảm. Do đó, các nhà kinh tế tại Goldman Sachs đã thu thập dữ liệu và tìm ra rằng cứ 10% lợi nhuận ngân hàng giảm sẽ kéo tụt 2% tổng tiền cho vay.
Vì vậy, nếu tỷ lệ thay đổi lãi suất của Fed được chuyển sang lãi suất ngân hàng thì từ năm 2007 đến nay, nền kinh tế Mỹ không những chưa tăng mà còn giảm tới 6% tổng hạn mức cho vay. Đương nhiên là điều này không thể xảy ra vì các ngân hàng chắc chắn sẽ tăng lãi suất để duy trì lợi nhuận.
Và khi các nhà đầu tư chú ý đến điều này thì phần lớn sẽ chọn những ngân hàng có lãi suất cao để gửi tiền. Điều này khiến các ngân hàng nhỏ và vừa mất đi nguồn vốn giá rẻ, đồng thời lại đối mặt với áp lực tăng vốn - điều mà khó có thể thực hiện được khi thị trường chứng khoán đang trong thời kỳ đi xuống.
Theo ông Steven Blitz, chuyên gia kinh tế trưởng tại TS Lombard, tỷ lệ cho vay trên tiền gửi của các ngân hàng nhỏ đang ở mức gần 80% - cao hơn nhiều so với con số 60% của các ngân hàng lớn. Và điều này chắc chắn sẽ khiến họ gặp nhiều rủi ro hơn trong thanh khoản khi các cuộc khủng hoảng tương tự SVB diễn ra.
Do đó, đối với các ngân hàng này, giải pháp duy nhất là giảm cho vay.
"Nhiều ngân hàng nhỏ gần đây đã nhận ra loại rủi ro hệ thống này và đang có dự định thu hồi một số khoản cho vay", ông Robert Kaplan, cựu Chủ tịch Fed Dallas, cho biết trong một cuộc phỏng vấn. Theo ông, rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Mỹ mới đây đã được thông báo về khả năng định giá lại khoản vay, do ngân hàng hiện gặp khó khăn.
Thậm chí, kể cả khi khủng hoảng đã lắng xuống, các ngân hàng có thể vẫn tiếp tục thu hẹp hạn mức cho vay vì họ nhận ra rằng có thể phải đối mặt với thua lỗ trong thời gian tới. Nhất là đối với những khoản vay bất động sản thương mại, khả năng rủi ro lại càng lớn hơn bao giờ hết.
Khủng hoảng vẫn tiếp diễn
Theo ông Kaplan, khủng hoảng ngân hàng hiện nay mới đang ở hiệp thứ 2 hoặc 3 chứ không phải hiệp cuối cùng. Do đó, Fed không nên tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi có được cái nhìn rõ ràng hơn về hậu quả của những cuộc khủng hoảng ngân hàng. Với đà tăng này, sẽ rất tai hại nếu Fed lại phải cắt giảm lãi vào cuối năm nay để cứu nền kinh tế.
"Tôi e rằng sắp có điều gì đó xảy ra mà chúng ta hoàn toàn chưa hiểu rõ", ông nói.
Kể cả khi tình hình hiện tại không giống với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, vẫn rất nhiều vấn đề khó khăn hơn có thể xảy ra.
Chưa nói tới việc làm thế nào các ngân hàng nhỏ có thể hoạt động với dòng vốn bất ổn dù đã được kiểm tra theo luật, việc thực hiện những biện pháp hỗ trợ bảo hiểm cho SVB vẫn đang tiêu tốn hàng tỷ USD tiền công thông qua các khoản vay và bảo lãnh.
Điều này đặt ra những câu hỏi khó chịu về việc liệu những cải cách quy định được ca ngợi nhiều có thực sự làm cho hệ thống tài chính ổn định hơn và ít gây ra mối đe dọa hơn đối với ngân quỹ công hay không.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tai-sao-khung-hoang-ngan-hang-chua-the-ket-thuc-post1426570.html