Tại sao làn sóng COVID-19 lần thứ hai ở Ấn Độ lại diễn ra tàn khốc?

Ấn Độ đang có số ca nhiễm SARS-CoV-2 mới hàng ngày cao nhất từng được ghi nhận trên thế giới. Làn sóng thứ hai tàn khốc xảy ra một năm sau khi quốc gia này áp đặt một trong những lệnh hạn chế cứng rắn nhất trên thế giới.

Tại sao COVID-19 lại tồi tệ hơn nhiều so với làn sóng đầu tiên?

Một báo cáo được công bố trên Tạp chí Quốc tế về Bệnh Truyền nhiễm vào tháng 12 năm 2020 kết luận rằng, tốc độ lây truyền đã giảm đáng kể sau làn sóng đầu tiên nhưng cảnh báo rằng kết quả này chỉ là tạm thời. Các tác giả khuyến nghị phải tăng cường xét nghiệm và giãn cách để ngăn ngừa những đợt sóng tiếp theo, tuy nhiên tỷ lệ xét nghiệm của Ấn Độ vẫn thuộc hàng thấp nhất trên thế giới. Việc so sánh rất khó khăn, vì Ấn Độ không công bố số lượng xét nghiệm hàng ngày, nhưng Bộ Y tế cho biết tổng cộng 1,75 triệu mẫu đã được xét nghiệm PCR tính đến ngày 27/4. Trong khi đó tại Anh là 500 000 xét nghiệm PCR mỗi ngày.

Ấn Độ đang thiếu hụt nghiêm trọng các thiết bị y tế.

Ấn Độ đang thiếu hụt nghiêm trọng các thiết bị y tế.

Tiếp đó là cơ sở hạ tầng y tế của Ấn Độ, vốn đã gặp khó khăn trước đại dịch và giờ đang quá tải nghiêm trọng. Họ phát hiện thấy tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các thiết bị y tế như bộ dụng cụ xét nghiệm, PPE, khẩu trang và máy thở, cũng như tình thiếu hụt chuyên gia y tế. Ước tính Ấn Độ sẽ cần khoảng 500 000 giường ICU và 350 000 nhân viên y tế trong vài tuần tới. Hiện tại chỉ có 90 000 giường ICU, nhưng gần như đã được lấp đầy.

Ấn Độ cũng đang phải vật lộn để tiêm phòng cho dân số 1,36 tỷ người, mặc dù là một trong những nước có năng lực sản xuất dược phẩm lớn nhất thế giới.

Sóng COVID-19 thứ hai khác với sóng thứ nhất như thế nào?

Một nghiên cứu trên tạp chí Lancet Global Health vào tháng 2 chỉ ra rằng đợt đầu tiên đã lây nhiễm tới 50% người dân ở các khu vực thành thị. Nhưng làn sóng thứ hai dường như đang lan rộng hơn đến các vùng nông thôn. Theo hồ sơ sức khỏe của bang Punjab cho thấy hơn 80% bệnh nhân có các triệu chứng nghiêm trọng khi nhập viện do sự chậm trễ của việc đi lại.

Những người trong độ tuổi 30-50 dường như cũng bị ảnh hưởng đặc biệt bởi làn sóng mới, ít nhất là ở thủ đô New Delhi. Các báo cáo cho thấy, thời gian này, số ca tử vong ở những người trẻ tuổi nhiều hơn rõ rệt. Nhưng vẫn chưa có thống kê chinh xác số người trẻ tuổi bị nhiễm bệnh, vì nhiều người có thể không có triệu chứng.

Những người trẻ, trong độ tuổi lao động bị ảnh hưởng đặc biệt trong đợt sóng thứ 2.

Những người trẻ, trong độ tuổi lao động bị ảnh hưởng đặc biệt trong đợt sóng thứ 2.

Đã có những báo cáo nổi bật về sự tái nhiễm. Ví dụ, thủ hiến bang miền nam Karnataka, BS Yediyurappa, đã xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 hai lần chỉ trong 9 tháng. Trong một nghiên cứu trên 1300 người có kết quả xét nghiệm dương tính, được công bố vào tháng 3 năm 2021 trên Tạp chí Dịch tễ học và Nhiễm trùng, Trung tâm Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ cho thấy tỷ lệ tái nhiễm là 4,5%, với tỷ lệ lớn không có triệu chứng. Lahariya cho biết: “Các ca tái nhiễm trước đó được coi là hiếm, nhưng trong đợt thứ hai này, chúng tôi nhận ra rằng những con số này cao hơn những gì chúng tôi dự đoán”.

Các biến thể mới có phải là nguyên nhân?

Biến chủng B.1.167 có khả năng lây lan nhanh chóng, được coi là một phần nguyên nhân khiến Ấn Độ rơi vào cuộc khủng hoảng COVID-19 nghiêm trọng nhất kể từ khi đại dịch bùng phát ở đất nước này. Tại nhiều thành phố ở Maharashtra - bang bị ảnh hưởng nặng nề ở Ấn Độ - biến thể B.1.617 được tìm thấy trong hơn 50% mẫu được tiến hành giải trình tự bộ gene.

Biến thể B.1.617 bao gồm một số dòng phụ, được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ vào tháng 12/2020. Các nhà khoa học lo ngại về hai đột biến ở B.1.617 (E484K và L452R), khiến nó được mệnh danh là “đột biến kép”. Chúng cũng xuất hiện trong biến thể Nam Phi, B.1.353 và trong biến thể Brazil, P1.

Hiệp hội gen SARS-CoV-2 Ấn Độ (INSACOG), gồm 10 phòng thí nghiệm quốc gia, được thành lập vào tháng 12 năm 2020 để theo dõi các biến thể di truyền trong coronavirus, đặc biệt là B.1.1.7. Nhưng việc thiếu năng lực xét nghiệm và giải trình tự đang cản trở nỗ lực này. Dữ liệu của chính phủ cho thấy, Ấn Độ đã giải mã được ít hơn 1% các mẫu dương tính, trong khi tỷ lệ này là 4% ở Mỹ và 8% ở Anh. WHO cho rằng, đợt bùng phát Covid-19 hiện nay ở Ấn Độ không hoàn toàn là do sự xuất hiện của biến chủng mới mà còn do nhiều yếu tố khác như sự lơ là phòng dịch.

Cuộc khủng hoảng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc triển khai vaccine của Ấn Độ?

Chính phủ đã ngừng xuất khẩu Covishield, một quyết định đã ảnh hưởng đến việc triển khai vaccine trên toàn thế giới, bao gồm cả sáng kiến COVAX toàn cầu.

Ấn Độ có thể cho phép nhập khẩu nhiều vaccine hơn, đối với một bộ phận lớn người dân thành thị, những người có thể sẵn sàng trả giá cao để được tiêm chủng. Điều này sẽ giảm bớt áp lực lên cơ sở hạ tầng công cộng, vốn đang bị quá tải.

Khi tình trạng nhiễm trùng gia tăng, các bệnh viện ở những điểm nóng đã cạn kiệt vắc-xin. Nhưng thiếu hụt là một chuyện, mà tốc độ tiêm chủng cũng quan trọng không kém. Hiện cơ sở hạ tầng y tế không đủ để đáp ứng ngay cả khi có đủ nguồn cung cấp vaccine. Vì vậy, Ấn độ đang nỗ lực triển khai một chiến dịch tiêm chủng để bao phủ càng nhiều dân số càng tốt trong thời gian ngắn nhất có thể.

Nguyễn Minh Anh

(BMJ)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tai-sao-lan-song-covid-19-lan-thu-hai-o-an-do-lai-dien-ra-tan-khoc-n191660.html