Tại sao miền Bắc nước ta chìm trong giá rét trong khi miền Nam nắng nóng kéo dài?

Trong những ngày gần đây và cả trong những ngày sắp tới, phần lớn miền Bắc nước ta, bao gồm thủ đô Hà Nội, liên tục có không khí lạnh, nhiều nơi rét đậm. Nhưng cùng thời gian, nhiều tỉnh thành ở miền Nam, bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), trời lại rất nắng nóng. Tại sao lại như vậy?

Gần như toàn miền Bắc nước ta đang chịu ảnh hưởng của không khí lạnh, có những nơi rét đậm rét hại. Sáng sớm thứ Ba, 27/2, những tỉnh thành Đông Bắc Bắc Bộ như Lạng Sơn, Cao Bằng… có nhiệt độ thực chỉ 7 - 9oC; nhiệt độ Hà Nội là 12 - 13oC, các tỉnh thành lân cận như Hải Phòng, Hòa Bình… có nhiệt độ tương tự hoặc chênh 1oC.

Theo dự báo, miền Bắc sẽ tiếp tục đón một đợt không khí lạnh tương đối mạnh vào thứ Năm tới, 29/2, khiến Hà Nội cũng có thể rét đậm rét hại.

Nhiệt độ thực ở một số tỉnh thành miền Bắc vào sáng thứ Ba, 27/2. Ảnh: Zoom Earth, OpenStreetMap.

Nhiệt độ thực ở một số tỉnh thành miền Bắc vào sáng thứ Ba, 27/2. Ảnh: Zoom Earth, OpenStreetMap.

Trong vài ngày qua, ở miền Nam nước ta, bao gồm TP.HCM, trời lại rất nắng nóng. Ngày 27/2, tại TP.HCM vào buổi chiều, nhiệt độ thực lên đến 37 - 38oC, còn từ lúc 7h sáng đã có thể lên đến 29 - 31oC, tức là nóng từ rất sớm.

Vậy tại sao có sự trái ngược về thời tiết 2 miền như trên và như vậy có phải là bình thường không?

Thực tế, sự khác biệt này là điều hoàn toàn bình thường vì miền Bắc và miền Nam nước ta có kiểu khí hậu khác nhau. Khí hậu mỗi miền chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, trong đó có vị trí địa lý. Miền Bắc nằm ở vĩ độ cao hơn nên chịu ảnh hưởng của những đợt không khí lạnh từ phía Bắc (có gió mùa Đông Bắc). Không khí lạnh này càng đi xuống phía Nam càng suy yếu. Ngoài ra, miền Nam gần xích đạo hơn nên nhiều nắng, nóng hơn.

Nhiệt độ thực ở một số tỉnh thành miền Nam vào chiều thứ Ba: Nhiều nơi rất nóng. Ảnh: Zoom Earth, OpenStreetMap.

Nhiệt độ thực ở một số tỉnh thành miền Nam vào chiều thứ Ba: Nhiều nơi rất nóng. Ảnh: Zoom Earth, OpenStreetMap.

Hơn nữa, gần đây, do ảnh hưởng của El Nino, Nam Bán cầu đang nóng hơn hẳn trung bình hằng năm, theo trang khoa học Scientific American. Vì miền Nam nước ta ở gần xích đạo nên ít nhiều cũng bị ảnh hưởng bởi kiểu thời tiết đó. Trong những ngày vừa qua và sắp tới, nhiệt độ cũng rất cao ở những thành phố thuộc các nước khác nhưng ở vĩ độ gần với TP.HCM. Ví dụ, chiều 27/2, nhiệt độ ở Bangkok (Thái Lan) là 39 - 40oC, Phnom Penh (Cambodia) là 38oC…

Nhiều nơi ở Nam Bán cầu còn nóng hơn. Tuần trước, 3 đài khí tượng ở miền Trung Tây nước Úc đã ghi nhận mức nhiệt độ 49oC. Thành phố Geraldton ghi nhận mức nhiệt độ 49,3oC, là kỷ lục ở đây kể từ khi bắt đầu ghi lại dữ liệu vào năm 1877. Còn mức nhiệt độ cao nhất được ghi nhận ở Úc vào tuần trước là tại thị trấn Carnarvon (49,9oC), theo Sky News. Đây là những mức nhiệt độ gần tới ngưỡng không thể chịu đựng được của con người.

Những mức nhiệt độ gần ngưỡng "không thể chịu đựng được" ở phía Tây nước Úc vào tuần trước. Ảnh: Sky News.

Những mức nhiệt độ gần ngưỡng "không thể chịu đựng được" ở phía Tây nước Úc vào tuần trước. Ảnh: Sky News.

Chính vì vậy mà miền Nam nước ta cũng đang có những ngày rất nóng và đúng là nóng hơn bình thường vì nhiệt độ trung bình tháng 2 hằng năm ở TP.HCM chỉ là 24 - 34oC, theo trang Weather and Climate (Thời tiết và Khí hậu). Nhưng xét trên thực tế là đang có ảnh hưởng của El Nino và sự biến đổi khí hậu toàn cầu thì có lẽ những mức nhiệt độ hiện tại ở miền Nam nước ta là có thể hiểu được. Và vì vậy, sự chênh lệch nhiệt độ giữa miền Bắc và miền Nam vào thời điểm này càng trở nên rõ ràng.

Thục Hân

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/tai-sao-mien-bac-nuoc-ta-chim-trong-gia-ret-trong-khi-mien-nam-nang-nong-keo-dai-post1615300.tpo