Tại sao nỗi sợ hãi đang lan khắp các thị trường tài chính

Tâm lý thị trường đã thay đổi nhanh chóng. Mới chỉ hai tuần trước, thị trường chứng khoán toàn cầu đã có một đợt tăng giá dường như không thể ngăn cản sau nhiều tháng đạt mức cao kỷ lục mới. Nhưng hiện tại, các thị trường đang rơi tự do.

Chỉ số Nasdaq 100 của Mỹ đã giảm hơn 10% kể từ mức đỉnh vào giữa tháng 7. Chỉ số Topix của Nhật Bản đã ghi nhận mức giảm 6% chỉ riêng trong ngày 2/8 - phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 2016 sau mức giảm 3% vào ngày 1/8, là chuỗi giảm hai ngày tồi tệ nhất kể từ năm 2011. Giá cổ phiếu ở những nơi khác không bị ảnh hưởng quá nhiều, nhưng sự hoảng loạn đang lan rộng ra khắp các thị trường.

Chỉ số VIX đo lường nỗi sợ hãi của Phố Wall đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực của Mỹ trong năm ngoái. Chỉ số bán dẫn Philadelphia - theo dõi các công ty trong chuỗi cung ứng sản xuất chip trên toàn cầu - đã giảm hơn 20% chỉ trong vài tuần.

Những tài sản đang hoạt động tốt chính là những nơi trú ẩn mà các nhà đầu tư đổ xô đến khi sợ hãi: vàng, đồng yên Nhật và trái phiếu kho bạc Mỹ. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là ngay cả giá vàng cũng giảm mạnh vào ngày 2/8. Vàng thường là một tài sản phòng ngừa chính xác cho tình trạng hỗn loạn đang diễn ra hiện nay. Việc giá vàng giảm cho thấy các nhà đầu tư có thể đã bán vàng không phải vì họ muốn mà vì họ phải nhanh chóng huy động tiền mặt để đáp ứng các những yêu cầu margin call ở nơi khác. Nếu vậy, có nguy cơ các đợt bán tháo khác và một vòng lặp diệt vong tự củng cố có thể xảy ra sau đó.

Các chỉ số chứng khoán lớn đồng loạt bị bán mạnh

Các chỉ số chứng khoán lớn đồng loạt bị bán mạnh

Ba diễn biến đã kết hợp lại khiến các thị trường chứng khoán rơi vào tình thế khó khăn. Đầu tiên là việc nhận ra rằng trí tuệ nhân tạo (AI), và đặc biệt là ngành sản xuất chip cung cấp năng lượng cho AI, đã thấm nhuần những kỳ vọng cao không thực tế. Biến động lớn nhất về giá cổ phiếu của Mỹ diễn ra trong khoảng thời gian 10 ngày mà 5 tập đoàn công nghệ Alphabet, Amazon, Apple, Meta và Microsoft công bố kết quả kinh doanh quý II khiến các cổ đông thất vọng. Ngay cả Alphabet và Microsoft, những công ty có doanh thu vượt kỳ vọng của các nhà phân tích, cũng chứng kiến giá cổ phiếu giảm vào ngày sau khi công bố báo cáo. Cổ phiếu của Amazon, công ty có doanh thu thấp hơn kỳ vọng, đã sụt giảm mạnh. Sự sụp đổ trên diện rộng cho thấy sự phấn khích trước đây của các nhà đầu tư về mọi thứ liên quan đến AI đang dần biến mất.

Chỉ số VIX đo lường nỗi sợ hãi của Phố Wall đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực của Mỹ trong năm ngoái

Chỉ số VIX đo lường nỗi sợ hãi của Phố Wall đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực của Mỹ trong năm ngoái

Điều đó có tác động lan tỏa ngay lập tức đối với các nhà sản xuất chip, nếu đầu tư vào AI bị cắt giảm, thì những kỳ vọng về nhu cầu vô hạn đối với các sản phẩm về chip sẽ trở nên phi thực tế. Trên thực tế, những tuần gần đây đã khiến các nhà sản xuất chip lo sợ nhiều hơn không chỉ riêng về thay đổi tâm lý. Vào ngày 17/7, cựu Tổng thống Donald Trump đã khiến cổ phiếu bán dẫn lao dốc khi đề xuất Đài Loan (Trung Quốc) cần tự trả tiền cho hỗ trợ an ninh và vũ khí từ Mỹ. Chính quyền Tổng thống Biden cũng đang lên kế hoạch hạn chế mới đối với việc xuất khẩu thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc. Với mối đe dọa kép là nhu cầu giảm sút và tình hình địa chính trị xấu đi, không có gì ngạc nhiên khi cổ phiếu chip đang lao dốc.

Khi các Big Tech vấp ngã, nền kinh tế Mỹ cũng vậy. Cho đến gần đây, "tin xấu là tin tốt" là câu thần chú của thị trường. Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy tăng trưởng chậm lại hoặc thị trường lao động yếu hơn đều tốt cho giá tài sản, vì điều này có nghĩa lạm phát có khả năng sẽ ở mức thấp và cho phép Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất nhanh chóng hơn. Nhưng vào thời điểm báo cáo việc làm của Mỹ được công bố vào ngày 2/8, tâm lý thị trường đã thay đổi: tin xấu giờ là tin xấu.

Báo cáo việc làm của Mỹ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên mức cao nhất trong ba năm là 4,3% vào tháng 7, trong khi nền kinh tế chỉ tạo thêm 114.000 việc làm, trái ngược với dự báo đồng thuận trước đó là 175.000 việc làm. Nói cách khác, rủi ro suy thoái mà nhiều người nghĩ rằng đã tránh được vừa tăng lên. Theo đó, các nhà giao dịch bắt đầu đặt cược rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 9 để ngăn chặn sự suy thoái. Lợi suất trái phiếu Kho bạc của Mỹ giảm mạnh, với lợi suất kỳ hạn hai năm giảm xuống 3,9%, thấp hơn 1% so với mức vào cuối tháng 4. Vài tuần trước, kỳ vọng cắt giảm lãi suất như vậy có thể đã thúc đẩy giá cổ phiếu. Nhưng hiện tại, các nhà đầu tư dường như lo sợ về mặt trái của việc tăng trưởng chậm lại và những tác động của nó đối với lợi nhuận của công ty, hơn là họ mong muốn tiền rẻ hơn.

Yếu tố thứ ba làm thị trường chao đảo là sức mạnh của đồng yên Nhật. Trong những tuần gần đây, đồng tiền này đã mạnh lên so với rổ tiền tệ được tính theo tỷ giá thương mại với tốc độ gần như nhanh nhất trong hai thập kỷ. Một phần là do quyết định bất ngờ của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) về việc tăng lãi suất thêm 10 điểm cơ bản vào cuộc họp ngày 31/7. Đồng yên tăng giá làm giảm giá cổ phiếu Nhật Bản, vì nhiều công ty lớn nhất của nước này, chẳng hạn như Hitachi, Sony và Toyota đều kiếm được doanh thu ở nước ngoài bằng ngoại tệ.

Một số sự sụt giảm của cổ phiếu Nhật Bản có thể được giải thích bằng hiệu ứng này. Tuy nhiên, có lẽ quan trọng hơn là việc đóng các giao dịch phổ biến liên quan đến đồng yên yếu và chính sách tiền tệ cực kỳ ôn hòa. Sự kết hợp của cả hai đã giúp có thể vay tiền yên giá rẻ, chuyển đổi số tiền thu được sang đồng đô la Mỹ và đầu tư vào trái phiếu Kho bạc Mỹ, mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với chi phí đi vay - hay còn gọi là "giao dịch chênh lệch lãi suất" (carry trade). Nhưng với việc lãi suất của Nhật Bản tăng và lãi suất của Mỹ giảm, giao dịch này không còn hấp dẫn nữa. Tệ hơn nữa, việc đồng yên tăng giá nhanh chóng làm tăng chi phí trả nợ bằng đô la, đẩy giao dịch này vào vị thế lỗ. Những động thái dữ dội trong vài tuần qua sẽ buộc nhiều nhà đầu tư phải đóng vị thế và có thể là bán tháo các tài sản khác, làm tăng thêm sự bất ổn cho cả cổ phiếu trong nước và toàn cầu.

Như thường lệ vào cuối một tuần hỗn loạn, câu hỏi đầu tiên hiện nay là liệu giá của một loại tài sản có dao động đủ mạnh để gây nguy hiểm cho một tổ chức nào đó và có thể chịu ảnh hưởng nặng nề từ nó hay không. Trên phương diện đó, sự sụt giảm của giá vàng và giá cổ phiếu ngân hàng là điều đáng ngại. Câu hỏi khác là liệu tuần tới sẽ tốt hơn hay tệ hơn. Giả sử không có nhà đầu tư lớn nào quyết định đã đến lúc bán tháo, và điều đó sẽ ảnh hưởng theo tâm lý chung của thị trường. Nhưng dựa trên tình hình gần đây, thị trường đang theo chiều hướng không tốt.

Duy Bắc / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tai-sao-noi-so-hai-dang-lan-khap-cac-thi-truong-tai-chinh-post350784.html