Tại sao trẻ nhỏ dễ bị thiếu máu thiếu sắt
Con tôi vừa có kết quả xét nghiệm chẩn đoán thiếu máu, thiếu sắt dù vẫn ăn uống khá tốt. Xin hỏi bác sĩ vì sao có tình trạng này?
Con tôi vừa có kết quả xét nghiệm chẩn đoán thiếu máu, thiếu sắt dù vẫn ăn uống khá tốt. Xin hỏi bác sĩ vì sao có tình trạng này?
Viện Dinh dưỡng Quốc gia
Thiếu máu là tình trạng bệnh lý xảy ra khi hàm lượng Hemoglobin trong máu xuống thấp hơn giới hạn bình thường. Thiếu máu do thiếu sắt là loại thiếu máu dinh dưỡng hay gặp nhất và chiếm tỷ lệ cao ở trẻ nhỏ.
Sau khi sinh, sữa mẹ là nguồn cung cấp sắt duy nhất. Sắt trong sữa mẹ tuy ít nhưng tỷ lệ hấp thu cao. Nếu không được bú mẹ đầy đủ, trẻ sẽ bị thiếu sắt dẫn đến thiếu máu.
Trong năm đầu tiên của cuộc đời, trẻ tăng trưởng rất nhanh, do đó lượng sắt cần nhiều hơn. Sắt cần cho quá trình tăng trưởng các mô và khối lượng hồng cầu. Nhu cầu sắt cho một kg thể trọng trẻ em cao hơn so với người trưởng thành, trong khi đó, lượng thức ăn cho bé lại ít hơn.
Thức ăn bổ sung cho trẻ thường là bột gạo, chúng nghèo sắt và chất này trong gạo rất khó hấp thu. Bữa ăn của trẻ cũng ít thức ăn giàu dinh dưỡng như thịt, trứng, cá, rau xanh, quả chín. Cha mẹ cho trẻ ăn bổ sung (ăn dặm) quá sớm và thức ăn nghèo dinh dưỡng sẽ dẫn đến thiếu máu.
Để phòng chống thiếu máu thiếu sắt cho trẻ em, trước hết, chúng ta cần phòng chống thiếu máu cho người mẹ. Trong thời gian mang thai, ngoài chế độ ăn, người mẹ cần uống thêm viên sắt để cung cấp chất này qua rau thai và sau đẻ qua nguồn sữa.
Ở trẻ nhỏ, bé cần được bú mẹ và ăn bổ sung hợp lý. Trẻ lớn hơn, chế độ ăn cần đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng, chú ý sử dụng thực phẩm giàu sắt.
Hàng ngày, bạn nên cho trẻ ăn các loại thức ăn giàu sắt nguồn động vật như: Gan gà, lợn, bò, trứng, sữa, tôm, cua, cá… Các thực phẩm này chứa loại sắt có tỷ lệ hấp thụ cao, đồng thời cũng là nguồn cung cấp chất đạm rất quan trọng cho trẻ.
Ngoài ra, các loại thực phẩm nguồn thực vật như đậu tương, đậu xanh, đậu đen, lạc vừng cũng là nguồn cung cấp sắt quan trọng. Muốn hấp thụ sắt được tốt, bạn cần ăn thức ăn có chứa nhiều vitamin C như rau và quả chín (chuối, đu đủ, cam, bưởi…).
Bên cạnh chế độ ăn, việc tẩy giun định kỳ cho trẻ, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường có vai trò quan trọng trong phòng chống thiếu máu ở trẻ em.