Tài xế xe khách, xe tải sẽ bớt chạy ẩu?
Việc trừ điểm giấy phép lái xe nếu được áp dụng sẽ có nhiều tác dụng đối với lái xe, doanh nghiệp vận tải, từ đó ngăn ngừa được các vụ TNGT có thể xảy ra.
Doanh nghiệp còn buông lỏng quản lý
Vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng làm 5 người chết, 4 người bị thương trên quốc lộ 20 xảy ra cách đây đã hơn nửa năm nhưng vẫn chưa hết thời sự.
Trước khi gây tai nạn, lái xe Hoàng Văn Tính của nhà xe Thành Bưởi đã bị tạm giữ bằng lái 3 tháng do vi phạm tốc độ. Bằng lái bị tạm giữ cũng đồng nghĩa với việc tài xế không được phép lái xe trên đường.
Theo đề xuất, mỗi giấy phép lái xe có 12 điểm, khi vi phạm tài xế sẽ bị trừ điểm tương ứng. Nếu bị trừ hết, tài xế phải kiểm tra kiến thức, đạt yêu cầu mới được phục hồi đủ 12 điểm. Ảnh minh họa: Tạ Hải
Theo Thông tư 12/2020 của Bộ GTVT, trước khi thực hiện nhiệm vụ vận chuyển, đơn vị kinh doanh vận tải phải kiểm tra giấy phép người lái xe và điều kiện an toàn của phương tiện.
Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp và tài xế dường như không quan tâm. Hệ quả là nhiều vụ tai nạn đã xảy ra, như một tất yếu.
Thực tế hàng ngày trên đường, không khó bắt gặp tài xế xe khách, xe tải chạy quá tốc độ, phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách đánh võng, hoặc đón trả khách không đúng quy định.
Nhìn nhận vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho biết, nhiều tài xế vi phạm bị lập biên bản ở địa phương này, sang địa phương khác lại tiếp tục vi phạm.
Lực lượng chức năng hiện cũng không tra cứu được thông tin vi phạm của lái xe, nên họ chỉ bị xử phạt lỗi tại thời điểm vi phạm. Đó chính là lỗ hổng sau khi tài xế được cấp bằng lái.
"Khi tuyển dụng cũng như quản lý tài xế, doanh nghiệp khó khăn trong kiểm chứng về đạo đức nghề nghiệp, việc tuân thủ quy định về giao thông của tài xế.
Điều này dẫn đến tình trạng tài xế tái diễn vi phạm nhiều lần, là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn", ông Quyền nói.
Trừ điểm sẽ tác động ý thức tài xế
Để hạn chế tình trạng trên, tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông, Bộ Công an đề xuất, mỗi tài xế có 12 điểm giấy phép lái xe trong một năm.
Trong thời gian này, nếu tài xế vi phạm giao thông bị trừ hết điểm sẽ phải kiểm tra kiến thức về trật tự, ATGT đường bộ sau 6 tháng để được phục hồi đủ 12 điểm.
Cơ sở dữ liệu về điểm giấy phép lái xe cần được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu chung, để không chỉ doanh nghiệp mà các sở GTVT đều có thể tra cứu.
Việc này sẽ tránh được tình trạng tài xế vi phạm đối phó bằng cách lấy lý do mất bằng, sau đó xin cấp lại để xóa lỗi vi phạm và việc bị trừ điểm trước đó.
TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh
văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia
Với giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm, tài xế tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông và sẽ được phục hồi đủ 12 điểm nếu trong 12 tháng gần nhất không bị trừ thêm điểm nào.
Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, quy định này sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của tài xế.
Ông Nguyễn Văn Quyền nhìn nhận, quy định trừ điểm giấy phép lái xe sẽ giúp tài xế nâng cao ý thức khi tham gia giao thông.
Họ sẽ phải thường xuyên theo dõi thông tin trên cơ sở dữ liệu, luôn chú ý và chấp hành nghiêm pháp luật về giao thông để không bị trừ hoặc trừ hết điểm.
Đủ sức răn đe
Anh Phạm Trường (Nam Định) - một tài xế chuyên lái xe hợp đồng cho biết, năm 2023 anh từng bị xử phạt lỗi đón, trả hành khách không đúng quy định và bị tước giấy phép lái xe 2 tháng.
"Bị tước bằng, tôi nản lắm. Hai tháng không thể lái xe, không có lương, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống gia đình. Trừ điểm bằng lái, tôi nghĩ sẽ có tác dụng răn đe rất lớn", anh Trường nói.
Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt) cho biết, việc trừ điểm giấy phép lái xe là hình thức phạt bổ sung mang tính răn đe cao và khả thi.
"Nếu như tước giấy phép lái xe, sau thời gian bị tạm giữ, tài xế được nhận lại, giấy phép vẫn có giá trị như ban đầu.
Nhưng với quy định mới, trường hợp bị trừ hết điểm, tài xế bắt buộc phải thi lại, đạt mới được cấp giấy phép mới. Điều này sẽ giúp tài xế nâng cao ý thức hơn rất nhiều", ông Bằng nói.
Theo ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng, việc trừ điểm giấy phép lái xe đã được nhiều nước áp dụng, không phải quá mới.
Ông Hải kiến nghị, với các lỗi vi phạm nghiêm trọng gây nguy cơ tai nạn giao thông cao (như vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ), cần phạt nghiêm bằng cách trừ hết điểm.
Đồng thời, quy định sau thời gian 6-12 tháng, lái xe mới được thi lại bằng và cấm điều khiển xe kinh doanh vận tải.
"Muốn quản lý người lái xe tốt, hạ tầng kỹ thuật quản lý phương tiện và giấy phép lái xe phải được đồng bộ hóa.
Quy định trừ điểm cần gắn liền với xây dựng, đồng bộ cơ sở dữ liệu người lái xe. Đó là cơ sở để doanh nghiệp vận tải truy cập tìm hiểu lịch sử vi phạm của tài xế, phục vụ hoạt động tuyển dụng", ông Hải góp ý.
Đồng tình, ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng, để khả thi, cần phải tạo lập được cơ sở dữ liệu để cả cơ quan chức năng, doanh nghiệp lẫn tài xế đều có thể truy cập, biết được tài xế nào vi phạm, vi phạm bao nhiêu lần.
Điều đó vừa giúp ích cho công tác quản lý, vừa giúp tài xế kịp thời điều chỉnh hành vi, nâng cao ý thức.