Taliban đối thoại với Mỹ và EU: Nhiều kỳ vọng cho một chương mới
Trong hai ngày cuối tuần qua, Mỹ và Taliban – lực lượng kiểm soát Afghanistan hiện nay, đã gặp nhau lần đầu tiên tại Doha, Qatar, kể từ khi Mỹ hoàn tất việc rút quân khỏi quốc gia Nam Á này.
Cuộc gặp đã được hai bên đánh giá tích cực, thẳng thắn và chuyên nghiệp. Ngoài cuộc gặp với phía Mỹ, Taliban cũng đang đối thoại với cả Liên minh châu Âu và các quốc gia khác trong một bước đi nhằm tìm kiếm sự công nhận và sự hỗ trợ.
Cả Mỹ và Taliban đều cử các quan chức ngoại giao và an ninh tình báo cấp cao tới Qatar để đối thoại lần này. Phía Taliban đã rất coi trọng cuộc gặp khi cử tới 2 bộ trưởng do họ chỉ định tham gia đối thoại, là quyền Ngoại trưởng Amir Khan Muttaki và quyền Bộ trưởng thông tin và văn hóa Khairullah Khairkhwa; cùng người đứng đầu cơ quan tình báo Afghanistan.
Sau 2 ngày đàm phán đằng sau cánh cửa khép kín với truyền thông, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua (10/10) cho biết, cuộc gặp đã diễn ra một cách thẳng thắn và chuyên nghiệp.
Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, hai bên đã tập trung thảo luận các mối quan ngại an ninh và khủng bố, hành lang an toàn cho công dân Mỹ, công dân nước ngoài và người dân Afghanistan muốn rời đi; cũng như vấn đề nhân quyền, đặc biệt là sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái vào mọi mặt của xã hội Afghanistan. Mỹ cũng đề cập tới việc cung cấp các hỗ trợ nhân đạo “linh hoạt, mạnh mẽ và trực tiếp” cho người dân Afghanistan trong thời gian tới; đồng thời tái khẳng định quan điểm sẽ đánh giá Taliban dựa trên hành động, chứ không chỉ bằng lời nói.
Về phía Taliban, lực lượng này cũng đánh giá cuộc gặp là “hiệu quả”. Quyền Ngoại trưởng Afghanistan Amir Khan Muttaqi cho biết, đại diện của Taliban đã yêu cầu phía Mỹ dỡ bỏ phong tỏa đối với các khoản dự trữ của ngân hàng trung ương Afghanistan ở nước ngoài, ước tính khoảng 10 tỷ USD. Ông cũng xác nhận, Washington sẽ cung cấp vaccine Covid-19 cho người Afghanistan và hai bên đã thảo luận về việc “mở ra một trang mới” giữa hai nước.
Đổi lại, đại diện của Taliban tái khẳng định cam kết sẽ không để lãnh thổ Afghanistan bị những phần tử cực đoan dùng làm nơi phát động tấn công các nước khác. Tuy nhiên, Taliban loại trừ khả năng hợp tác với Washington để cùng tấn công tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Afghanistan.
Trong khi đó, quyền Bộ trưởng Thông tin của Afghanistan cho biết, thông qua cuộc gặp lần đầu với phía Mỹ, chính phủ mới được thành lập tại Afghanistan hy vọng cuộc gặp này sẽ là một bước tiến hướng tới việc Washington công nhận chính quyền Taliban.
Sau cuộc gặp với Mỹ, phái đoàn Taliban cũng đã có cuộc gặp với đại diện của Liên minh châu Âu (EU) tại Qatar. Chương trình nghị sự của cuộc gặp không được phía Taliban tiết lộ, song nó diễn ra trong bối cảnh châu Âu vẫn muốn tiếp tục sơ tán công dân nước ngoài và người dân Afghanistan muốn dời đi.
Ủy viên phụ trách nội vụ của Liên minh châu Âu, bà Ylva Johansson, tình hình ở Afghanistan hiện nay thực sự nguy cấp: “Tình hình ở Afghanistan thực sự rất thảm khốc, nền kinh tế có nguy cơ rất lớn sụp đổ, xảy ra nạn đói và thảm họa nhân đạo. Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa thấy nhiều người Afghanistan rời khỏi đất nước.”
Trước đó vài ngày, Đặc phái viên của Thủ tướng Anh về Afghanistan cũng đã tới quốc gia Nam Á này để gặp giới chức Taliban thảo luận về cách thức Anh có thể giúp Afghanistan giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo, ngăn đất nước không trở thành nơi ươm mầm chủ nghĩa khủng bố.
Dù Mỹ và các nước phương Tây tuyên bố chưa vội công nhận tính hợp pháp của chính quyền Taliban, song các cuộc đàm phán hiện nay diễn ra theo chiều hướng khá tích cực, mở ra những kỳ vọng về một chương mới quan hệ giữa Taliban và các nước. Và theo như nhận định mới đây của Thủ tướng Pakistan Imran Khan, sớm hay muộn, Mỹ và các nước cũng phải công nhận Taliban là lực lượng lãnh đạo đất nước Afghanistan hiện nay./.