Taliban dự BRF, muốn tham gia sâu hơn vào Sáng kiến Vành đai và con đường
Quyền Bộ trưởng Thương mại và công nghiệp Afghanistan Haji Nooruddin Azizi ngày 19/10 cho biết Taliban muốn chính thức gia nhập Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) của Trung Quốc và có nhiều hơn đầu tư từ Bắc Kinh.
Quyền Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Afghanistan (Taliban) Haji Nooruddin Azizi ngày 19/10 cho biết chính quyền Taliban muốn chính thức gia nhập sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng từ năm 2013.
Trả lời phỏng vấn sau khi tham dự Diễn đàn BRI tại Bắc Kinh, Quyền Bộ trưởng Thương mại Afghanistan Haji Nooruddin Azizi nêu rõ: “Chúng tôi đã đề nghị Trung Quốc cho phép Afghanistan trở thành một phần của Sáng kiến BRI và Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) và đang thảo luận về các vấn đề kỹ thuật ngày hôm nay".
Theo Quyền Bộ trưởng Azizi, chính quyền Taliban sẽ cử một nhóm kỹ thuật tới Trung Quốc để tìm hiểu rõ hơn các vấn đề cản trở việc tham gia BRI của Afghanistan. Tuy nhiên, ông Azizi không giải thích chi tiết điều gì đã cản trở Afghanistan tham gia BRI.
Ông Azizi nói thêm: "Trung Quốc đang đầu tư khắp thế giới, cũng nên đầu tư vào Afghanistan... chúng tôi có mọi thứ họ cần, chẳng hạn như lithium, đồng và sắt... Afghanistan hiện nay sẵn sàng đón nhận đầu tư".
Khi được hỏi về các thách thức an ninh, ông Azizi khẳng định an ninh là một trong những ưu tiên của chính quyền Taliban, và cho hay sau 20 năm chiến tranh nhiều vùng của Afghanistan hiện đã được an toàn.
Ông Haji Nooruddin Azizi dẫn đầu một phái đoàn Taliban đến thăm Bắc Kinh và tham dự Diễn đàn Vành đai và Con đường theo lời mời của Chính phủ Trung Quốc.
Hiện Taliban đang muốn thu hút các nhà đầu tư đến Afghanistan, đặc biệt là Trung Quốc về khai thác mỏ đồng và xây dựng một con đường ở phía bắc Afghanistan để vận chuyển trực tiếp tới Trung Quốc.
Kể từ năm 2022, một số công ty Trung Quốc đã nối lại các dự án ở Afghanistan, bao gồm cả việc khoan dầu và khai thác mỏ đồng khổng lồ ở miền đông Afghanistan.
Zhu Yongbiao, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Afghanistan tại Đại học Lan Châu, cho biết, cả Taliban và chính quyền trước đây đều ủng hộ dự án BRI, trong đó Taliban đặt kỳ vọng lớn vào việc thu hút đầu tư từ Trung Quốc để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng của mình, nhằm xây dựng lại kết nối với cộng đồng quốc tế và thoát khỏi tình trạng kinh tế ảm đạm.
Taliban lật đổ chính quyền Kabul thân Mỹ, trở lại nắm quyền tại Afghanistan từ tháng 8/2021 và đã thành lập chính phủ lâm thời. Tuy nhiên, cho đến nay chính quyền do Taliban thành lập vẫn chưa được cộng đồng quốc tế công nhận. Hiện, Trung Quốc và một số nước đang quan tâm đến làm ăn với Afghanistan. Tuy nhiên, vấn đề an ninh, khủng bố và đặc biệt là việc Taliban chưa được quốc tế công nhận đã cản trở nước này tham gia vào các hoạt động kinh tế, ngoại giao như một quốc gia thực sự.