Tạm biệt huyền thoại Roger Federer
Pete Sampras tuyên bố giải nghệ sau khi anh vô địch US Open 2002 ở tuổi 31 và trong lúc quần vợt thế giới đang luyến tiếc chia tay tượng đài Pete Sampras thì Roger Federer xuất hiện. Anh nhanh chóng chinh phục người xem không chỉ sức mạnh, sự dẻo dai và quyết đoán trong từng cú đánh mà còn ở lối chơi bóng khéo léo, phong cách lịch lãm của một quý ông trên sân đấu. Roger Federer đã đưa thêm khái niệm mới vào quần vợt thế giới và kiên định lan tỏa điều mà quần vợt đỉnh cao thường thiếu, đó là phong cách thi đấu lịch thiệp thay thế cho cơ bắp.
Federer cao 1m85, nặng 85kg, cơ bắp không cuồn cuộn, bụng không sáu múi. Cây vợt của Federer có diện tích mặt vợt chỉ 85 inch vuông, cán vợt nhỏ nhắn vừa vặn với cổ tay khéo léo. Những chỉ số đó đã nói lên lối đánh tinh tế, nhẹ nhàng, lịch lãm, không thiên về cơ bắp của Roger Federer.
Dù thi đấu ở London, Paris, New York, Melbourn hay bất kỳ sân quần vợt nào trên thế giới, Federer đã đóng một dấu ấn khó phai bằng cú đánh trái một tay điệu nghệ, tuyệt đẹp đã thành tuyệt chiêu của riêng anh.
Rafael Nadal và Novak Djokovic lại xuất hiện để tạo ra những cặp đấu thiên địch, gay cấn nhất trong lịch sử quần vợt thế giới. Đó chính là động lực để Federer luôn phải rèn luyện, phấn đấu và nâng cấp bản thân mình. Trong hành trình nâng cấp đó, dù cơ thể bị bầm dập, dù áp lực tâm lý bị hành hạ qua những thất bại tay đôi với Nadal và Nole nhưng Federer kiên quyết không từ bỏ cái đẹp trong lối chơi của mình để đổi lấy chiến thắng bằng mọi giá. Điều đó đã tạo nên phong cách cũng như đẳng cấp của tay vợt điển trai người Thụy Sĩ, khiến mọi người luôn yêu mến và kính trọng anh.
Thật uy lực trong từng cú giao bóng, thật chính xác trong từng cú bỏ nhỏ và cực nhanh trong từng cú dứt điểm lạnh lùng y hệt tàu tốc hành đã tạo nên thương hiệu độc nhất vô nhị của Federer. Bùm... thêm một cú đánh nữa, bùm... ghi điểm. Đó là các cú “đánh mất bóng”. Đánh một phát, ăn ngay, không cù cưa, lằng nhằng. Những cú vặn sống lưng, đánh chéo sân hay nắn bóng dọc dây của "tàu tốc hành" nằm ngoài dự đoán của các đối thủ. Nó đưa bóng đi vào khoảng sân mà đối thủ chỉ biết đứng nhìn bất lực và vỗ tay tán thưởng.
Quần vợt là môn thể thao đầy áp lực của những quy luật: không được mắc lỗi giao bóng kép, không được tự đánh bóng hỏng, phải chiến đấu một mình, phải vượt qua chấn thương để thi đấu vì không có người dự bị, phải phấn đấu leo lên từng vị trí trên bảng xếp hạng, phải giữ phong độ để duy trì vị trí trong top 10 rồi top 5, rồi số 1 thế giới.
Tôi đã từng hân hoan sung sướng khi thưởng thức cái đẹp trong lối chơi của Federer với những trận thắng, với những kỷ lục của anh. Tôi đã từng thất vọng với những trận thua sát nút của anh trước Nadal, Nole... Và tôi cũng rất buồn khi Nadal rồi Nole đã bắt kịp rồi vượt qua kỷ lục 20 Grand Slam của Federer.
Tôi đã quá may mắn khi được xem Federer mở đầu và kết thúc sự nghiệp lừng lẫy. Những năm tháng tuyệt đẹp đó đã giúp tôi nhận ra rằng tất cả kỷ lục của Federer sớm muộn gì cũng sẽ bị xô ngã, nhưng cái đẹp, sự lịch thiệp trong phong cách thi đấu của Federer sẽ mãi mãi lưu giữ trong tim những người yêu mến anh.
Dù biết rằng ngày Roger Federer treo vợt giải nghệ sẽ đến nhưng tôi vẫn còn muốn xem Federer thi đấu nữa, vẫn muốn xem những cú đánh tinh tế và nụ cười hiền lành, thân thiện của anh. Thật xúc động khi thấy anh rơi lệ nói lời cảm ơn cha mẹ, vợ con và những người yêu mến anh trong giờ phút giã từ quần vợt chuyên nghiệp.
Tôi muốn nói lời cảm ơn Roger Federer đã cho tôi được thưởng thức cái đẹp thuần khiết trong thế giới quần vợt đỉnh cao hơn 20 năm qua khi tôi được xem anh thi đấu.
"Tàu tốc hành" đã đi đến ga cuối và dừng lại. Anh để lại sau lưng 103 danh hiệu ATP, 310 tuần ở vị trí số một thế giới và 20 Grand Slam.
Tạm biệt Roger Federer.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/18/137216/tam-biet-huyen-thoai-roger-federer