Dòng chảy thương mại Bắc Mỹ trước đòn thuế quan của ông Trump
Các biện pháp thuế quan qua lại giữa Mỹ với Mexico, Canada có thể gây ra ra cú sốc lớn cho nền kinh tế Bắc Mỹ, đổi hướng các dòng chảy thương mại và làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Các mức thuế mới của Mỹ, bao gồm 25% đối với tất cả hàng hóa và 10% đối với sản phẩm năng lượng, sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho các quốc gia láng giềng là Canada và Mexico.
Những mức thuế này có thể đẩy các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ vào tình trạng suy thoái, vì cả hai quốc gia này đều xuất khẩu 80% sản phẩm sang Mỹ. Đồng đô la Canada và peso Mexico có thể sẽ suy yếu so với đồng USD, theo The Wall Street Journal.
Để đáp trả, Mexico và Canada dự kiến chuẩn bị các biện pháp thuế quan trả đũa đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Ngày 3/2 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ tạm dừng chính sách áp thuế đối với Mexico và Canada trong 1 tháng. Quyết định được đưa ra sau 2 cuộc điện đàm giữa ông Trump với Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum và Thủ tướng Canada Justin Trudeau.
Trong đó, Mexico đồng ý tăng cường kiểm soát biên giới phía Bắc của nước này với 10.000 thành viên Vệ binh Quốc gia để ngăn chặn dòng chảy ma túy bất hợp pháp, đặc biệt là fentanyl. Thỏa thuận này cũng bao gồm cam kết của Mỹ về việc hành động để ngăn chặn việc buôn bán vũ khí hạng nặng vào Mexico.
Trong khi đó, việc tạm dừng áp thuế quan với Canada là để xem "liệu có thể xây dựng được thỏa thuận kinh tế cuối cùng hay không".
Tuy nhiên, những rủi ro từ cuộc chiến thương mại này khiến các chuyên gia lo ngại về sự thay đổi của dòng chảy thương mại tự do, đồng thời có thể làm tổn hại người tiêu dùng và đảo lộn hàng thập kỷ hội nhập kinh tế giữa 3 quốc gia Bắc Mỹ.
Mỹ - Mexico: Rủi ro với ngành ôtô và nông nghiệp
Ngày 1/2, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum đã ra lệnh áp dụng các biện pháp thuế quan trả đũa đối với quyết định của Mỹ về việc áp thuế 25% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mexico, khởi đầu cho một cuộc chiến thương mại giữa hai quốc gia láng giềng.
Theo đó, Mexico sẽ triển khai các biện pháp thuế quan với mức từ 5% đến 20% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm thịt heo, pho mát, nông sản tươi sống, thép và nhôm chế tạo. Tuy nhiên, ngành công nghiệp ôtô sẽ tạm thời được miễn thuế quan, theo một số nguồn tin thân cận với Reuters.
Các biện pháp này sẽ làm giảm lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mexico khi các doanh nghiệp Mỹ tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế nhằm giảm chi phí. Thương mại song phương có thể bị thu hẹp, ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ thuộc vào chuỗi cung ứng xuyên biên giới.
Mexico hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, với kim ngạch đạt hơn 800 tỷ USD trong năm 2024. Hơn 80% sản phẩm xuất khẩu của Mexico đều hướng tới thị trường Mỹ, và Mexico đã xuất khẩu hơn 466 tỷ USD hàng hóa sang Mỹ, trong khi Mỹ bán cho Mexico hơn 309 tỷ USD, theo El Pais.
Trong suốt nhiều thập kỷ qua, hai quốc gia này đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong thương mại xuyên biên giới, đặc biệt trong ngành công nghiệp ôtô, cùng với lượng lớn dầu thô, khí tự nhiên và nhiên liệu động cơ di chuyển theo cả hai chiều.
Thương mại nông sản giữa hai nước cũng rất phát triển, khi Mexico xuất khẩu các sản phẩm tươi sống như bơ và cà chua sang Mỹ, trong khi Mỹ cung cấp lượng ngô và các loại ngũ cốc khổng lồ cho thị trường Mexico.
Cụ thể, với ngành công nghiệp ôtô Mexico, một trong những trụ cột của nền kinh tế với hơn 1 triệu người lao động và đóng góp 5% vào GDP, đang phải đối mặt với nguy cơ lớn khi thuế quan được áp lên xe và phụ tùng ôtô, theo The New York Times.
Năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu ôtô và linh kiện ôtô từ Mexico sang Mỹ đạt 157 tỷ USD, chiếm phần lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Mexico sang Mỹ. Các công ty lớn như Nissan, Stellantis và General Motors đều sản xuất xe tại Mexico. Nếu thuế quan được áp dụng, đặc biệt khi giá xe tại Mỹ đang ở mức cao kỷ lục, chi phí nhập khẩu sẽ tăng lên, tạo áp lực lên khả năng chi trả của người tiêu dùng Mỹ.
Ngành thực phẩm và nông sản của Mexico cũng sẽ chịu tác động mạnh mẽ. Mexico hiện là đối tác thương mại quan trọng nhất của Mỹ trong lĩnh vực thực phẩm và nông sản, vượt qua cả Canada và Trung Quốc, với kim ngạch xuất khẩu thực phẩm tăng 7% trong năm qua, đạt hơn 29 tỷ USD. Mexico cung cấp 63% lượng rau củ và 47% trái cây cho thị trường Mỹ. Các sản phẩm như bơ, vốn được tiêu thụ mạnh tại Mỹ, có thể trở nên đắt đỏ hơn nếu bị áp thuế.
Ở chiều ngược lại, với vai trò là nhà cung cấp hàng đầu, Mexico có thể tận dụng thuế quan để trả đũa các sản phẩm của Mỹ. Năm 2018, Mexico đã có chiến lược áp thuế lên các sản phẩm như táo, bourbon, pho mát, thịt heo và khoai tây từ các bang có quan hệ gần gũi với chính quyền ông Trump.
Tuy nhiên, ngành năng lượng của Mexico đối mặt với những khó khăn lớn khi phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt tự nhiên và nhiên liệu tinh chế từ Mỹ. Điều này có thể hạn chế khả năng Mexico áp thuế đối với năng lượng nhập khẩu từ Mỹ. Bên cạnh đó, Mexico xuất khẩu khoảng 700.000 thùng dầu thô mỗi ngày sang Mỹ, và nếu thuế quan 25% được áp dụng, giá trị xuất khẩu này sẽ giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến dòng thu nhập từ ngành dầu mỏ của Mexico.
Gabriela Siller, Giám đốc phân tích kinh tế của Grupo Financiero BASE, cho biết khoảng 1/3 GDP của Mexico phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ. "Với mức thuế quan 25%, xuất khẩu của Mexico có thể giảm khoảng 12%. Điều này có thể khiến GDP của Mexico giảm 4% trong năm 2025, nếu thuế quan này duy trì trong cả năm", bà Siller nhận định.
Mỹ - Canada: Ngành năng lượng chịu tổn thất
Liên quan tới các chính sách thuế quan của ông Trump, Thủ tướng Canada Justin Trudeau mới đây đã thông báo về việc áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá hơn 105 tỷ USD, theo thông tin từ The Wall Street Journal.
Đợt thuế đầu tiên, dự kiến có hiệu lực từ ngày 4/2, sẽ ảnh hưởng đến khoảng 20 tỷ USD hàng hóa, bao gồm các sản phẩm như rượu, cà phê, quần áo, giày dép, đồ nội thất và thiết bị gia dụng.
Đợt thuế thứ hai, áp dụng với các sản phẩm trị giá 85 tỷ USD, sẽ tác động đến các mặt hàng như ôtô, xe tải, nông sản, thép, nhôm và các sản phẩm hàng không vũ trụ. Giai đoạn này dự kiến bắt đầu sau ba tuần, cho phép các doanh nghiệp chuẩn bị hàng hóa và tìm kiếm các giải pháp thay thế.
Việc áp thuế lên các mặt hàng trong chuỗi cung ứng này sẽ làm tăng chi phí sản xuất, đẩy giá của nhiều sản phẩm giao thương giữa hai quốc gia lên cao, trực tiếp ảnh hưởng đến người tiêu dùng và các ngành công nghiệp.
Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê Canada, tổng giá trị xuất khẩu của Canada sang Mỹ trong năm 2023 đạt khoảng 594 tỷ CAD (tương đương 408 tỷ USD), trong đó hơn 43% đến từ 6 ngành chính: khai thác dầu khí, hóa dầu, sản xuất ôtô, chế biến nhôm, công nghiệp hàng không vũ trụ và nông nghiệp.
Mức thuế mới từ chính quyền ông Trump sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cạnh tranh của các sản phẩm Canada tại thị trường Mỹ, khi giá cả tăng cao. Đây cũng là thách thức lớn cho các ngành công nghiệp của Canada, vì quốc gia này phụ thuộc rất nhiều vào nền kinh tế Mỹ.
Các chuyên gia chia sẻ với tờ The Conversation cho rằng tác động của thuế quan không chỉ thể hiện qua giá trị thương mại mà còn ở tỷ lệ giao thương giữa hai quốc gia. Tỷ lệ giao thương cao cho thấy sản phẩm dễ bị tổn thương trước sự gián đoạn thương mại, vì Canada phụ thuộc nhiều vào Mỹ đối với những sản phẩm đó.
Năm 2023, các mặt hàng xuất khẩu lớn của Canada sang Mỹ gồm ôtô và linh kiện, máy móc hạt nhân và nhựa. Mỹ chiếm 93% lượng ôtô và linh kiện xuất khẩu từ Canada, 82% máy móc hạt nhân và 91% nhựa. Điều này cho thấy sự phụ thuộc lớn của Canada vào thị trường Mỹ, đi kèm nguy cơ mất việc làm trong ngành sản xuất, nơi tạo ra công ăn việc làm cho hơn 1,8 triệu người tại Canada.
Sự phụ thuộc của Canada vào Mỹ còn thể hiện qua nhập khẩu. Năm 2023, Canada nhập khẩu ôtô trị giá 92 tỷ USD, trong đó 58% đến từ Mỹ. Canada cũng rất phụ thuộc vào việc nhập khẩu nông lâm sản từ Mỹ, vì vậy việc áp thuế lên hàng hóa nông sản Mỹ có thể làm tăng giá tại Canada.
Tuy nhiên, Mỹ cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ các biện pháp thuế quan của Canada. CNN cho biết Canada là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho nền kinh tế Mỹ, với giá trị nhập khẩu dầu và khí đốt lên tới 97 tỷ USD. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Mỹ cũng phụ thuộc vào dầu mỏ từ Canada, đặc biệt sau khi đường ống Trans Mountain nâng cấp, giúp vận chuyển khoảng 890.000 thùng dầu mỗi ngày từ Alberta tới British Columbia, Canada.
Ngành vật liệu xây dựng của Mỹ cũng sẽ gặp khó khăn, vì 1/3 lượng gỗ xẻ mềm sử dụng tại Mỹ được nhập khẩu từ Canada. Nếu thuế quan được áp dụng, giá dầu nhập khẩu và gỗ xẻ từ Canada sẽ tăng, kéo theo chi phí xây dựng nhà ở và các dự án xây dựng khác.
Mỹ hiện tiêu thụ hàng triệu tấn thép mỗi năm phục vụ cho các ngành công nghiệp ôtô, dầu khí, xây dựng và cơ sở hạ tầng, và Canada chiếm gần 1/4 lượng thép nhập khẩu của Mỹ.
Theo Phòng Thương mại Canada, nếu thuế quan được áp dụng và Canada phản ứng tương xứng, GDP của Canada có thể giảm 2,6% (tương đương 78 tỷ CAD), tức là mỗi người dân sẽ mất khoảng 1.900 CAD. Dự báo cũng cho thấy GDP của Mỹ có thể giảm 1,6% (tương đương 467 tỷ USD), làm thiệt hại của mỗi người Mỹ khoảng 1.300 USD.
Các chuyên gia cho rằng thuế quan sẽ tác động mạnh mẽ đến Canada hơn so với Mỹ, vì xuất khẩu của Canada sang Mỹ chiếm 18% GDP của Canada, trong khi xuất khẩu của Mỹ sang Canada chỉ chiếm khoảng 1% GDP của Mỹ.