Tạm giữ 2 phương tiện khai thác thủy sản trái phép trên vùng biển Kiên Giang

Đồn Biên phòng Thổ Châu, BĐBP tỉnh Kiên Giang cho biết, đơn vị vừa tạm giữ tang vật, phương tiện khai thác thủy sản trái phép và đưa 2 thuyền trưởng 2 phương tiện về điều tra làm rõ vụ việc.

Tổ công tác Đồn Biên phòng Thổ Châu kiểm tra phương tiện khai thác thủy sản trái phép. Ảnh: Tiến Vinh

Tổ công tác Đồn Biên phòng Thổ Châu kiểm tra phương tiện khai thác thủy sản trái phép. Ảnh: Tiến Vinh

Vào khoảng 19 giờ 30 phút ngày 10/12, tổ công tác Đồn Biên phòng Thổ Châu thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên vùng biển xã Thổ Châu (thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) khi đến tọa độ (09014.286’N - 103020.022’E) cách đảo Thổ Chu khoảng 4 hải lý về hướng Tây Nam đã phát hiện và tiến hành kiểm tra 2 phương tiện khai thác thủy sản trái phép.

Phương tiện có biển số KG-61846-TS do ông Nguyễn Văn Kiện (sinh năm 1983, thường trú tại Vân Khánh Tây, An Minh, Kiên Giang) làm thuyền trưởng và phương tiện KG-91062-TS do ông Nguyễn Văn Cầy (sinh năm 1994, thường trú tại Vân Khánh, An Minh, Kiên Giang) làm thuyền trưởng, đang sử dụng cào banh lông để khai thác thủy sản.

Tại thời điểm kiểm tra, phương tiện KG-61846-TS có 2 cào banh lông dạng móc bằng kim loại, kích thước (0,7x4,2)m, 2 cào banh lông dạng lồng bằng kim loại kích thước (0,5x2,8)m; 67kg thủy sản nghi là banh lông đã ướp muối, 52kg thủy sản nghi là đột (hải sâm).

Phương tiện KG-91062-TS có 2 cào banh lông dạng móc bằng kim loại, kích thước (0,8x4,65)m; 92kg thủy sản nghi là banh lông đã ướp muối, 79kg thủy sản nghi là đột (hải sâm) đã ướp muối.

Thuyền trưởng cả hai phương tiện đều không xuất trình được các loại giấy tờ có liên quan đến hoạt động khai thác thủy sản theo quy định.

Đơn vị đã tiến hành đưa phương tiện và thuyền viên cập cảng cá Thổ Châu để tiếp tục điều tra làm rõ.

Hiện nay, nghề cào đáy bằng khung sắt kết hợp với tàu có gắn động cơ (cào lươn, cào nhuyễn thể, banh lông) khai thác ở vùng nội địa, vùng ven bờ, vùng lộng đã bị cấm hoạt động.

Banh lông sinh sống vùi sâu dưới đáy biển, do đó để khai thác banh lông ngư dân phải dùng dàn cào là một lồng sắt, miệng cào khoan cắm hàng loạt gai sắt xới tung đáy biển để lùa banh lông vào lồng.

Cào bắt banh lông còn gây hại cho môi trường biển vì làm xáo trộn tầng bùn đáy biển, ảnh hưởng tới môi trường sinh sống của nhiều loài thủy sản khác.

Tiến Vinh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tam-giu-2-phuong-tien-khai-thac-thuy-san-trai-phep-tren-vung-bien-kien-giang-post470103.html