Tấm gương của những nữ liệt sỹ dân quân Lam Hạ còn mãi lan tỏa
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ mà hào hùng của dân tộc, xã Lam Hạ (nay là phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý) là một trong những trọng điểm giao thông trên tuyến đường huyết mạch chi viện sức người, sức của từ hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Những năm tháng ấy, Lam Hạ trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của kẻ địch. Để bảo vệ tuyến giao thông huyết mạch và cuộc sống của người dân Phủ Lý cùng những vùng lân cận, ngày 5/8/1965 Đại đội dân quân phòng không xã Lam Hạ được thành lập gồm 87 người. Sử sách mãi lưu, trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, 10 nữ dân quân Lam Hạ tuổi đời từ 16-24 đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh ngay trên mảnh đất quê hương (trong các trận chiến đấu ngày 1/10/1966, ngày 9/10/1966, ngày 7/7/1967). Sự hy sinh dũng cảm của 10 cô gái Lam Hạ không chỉ đi vào những trang sử vàng truyền thống vẻ vang mà còn trở thành biểu tượng thiêng liêng của quê hương Hà Nam anh hùng.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ mà hào hùng của dân tộc, xã Lam Hạ (nay là phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý) là một trong những trọng điểm giao thông trên tuyến đường huyết mạch chi viện sức người, sức của từ hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Những năm tháng ấy, Lam Hạ trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của kẻ địch. Để bảo vệ tuyến giao thông huyết mạch và cuộc sống của người dân Phủ Lý cùng những vùng lân cận, ngày 5/8/1965 Đại đội dân quân phòng không xã Lam Hạ được thành lập gồm 87 người. Sử sách mãi lưu, trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, 10 nữ dân quân Lam Hạ tuổi đời từ 16-24 đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh ngay trên mảnh đất quê hương (trong các trận chiến đấu ngày 1/10/1966, ngày 9/10/1966, ngày 7/7/1967). Sự hy sinh dũng cảm của 10 cô gái Lam Hạ không chỉ đi vào những trang sử vàng truyền thống vẻ vang mà còn trở thành biểu tượng thiêng liêng của quê hương Hà Nam anh hùng.
Trong những ngày tháng 7, tháng tri ân các Anh hùng liệt sỹ, thương, bệnh binh và người có công với cách mạng (ngày 27/7) chúng tôi may mắn được gặp gỡ thân nhân những nữ dân quân Lam Hạ năm xưa ngay tại Đền thờ 10 nữ liệt sỹ dân quân Lam Hạ, dưới bóng mát của những cây cổ thụ đang mùa kết trái. 56 năm đã trôi qua, thân nhân của các cô là em trai, em gái... những thanh thiếu niên năm xưa giờ tóc cũng đã điểm bạc. Nhớ về những năm tháng chiến tranh ác liệt, trong ký ức của mọi người vẫn còn đó từng hồi còi báo động vang lên, tiếng máy bay gầm rú, tiếng bom đạn nổ rung trời... Nhưng sâu đậm nhất chính là hình ảnh đẹp, rạng ngời của các cô gái Lam Hạ tuổi đôi mươi trẻ trung, xinh đẹp, hiền lành, đảm đang nhưng cực kỳ dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu với quân thù.
Nếu còn sống, chị gái tôi, Liệt sỹ Nguyễn Thị Oánh năm nay cũng đã hơn 80 tuổi (chị gái tôi sinh năm 1942) - ông Nguyễn Đình Tuế, 73 tuổi, tổ dân phố Đường Ấm, Lam Hạ em trai Liệt sỹ nguyễn Thị Oánh xúc động nhớ lại. Năm 1966, lúc ấy tôi 16 tuổi, đang học cấp III; chị gái tôi 24 tuổi. Ngày ấy chị Oánh đang tham gia dạy lớp vỡ lòng ở địa phương. Trong gia đình, chị Oánh là chị cả, sau còn 5 em, vì vậy, ngay từ nhỏ chị rất chịu thương, chịu khó, đảm đang giúp bố mẹ lo việc đồng áng, lo chăm sóc các em. Tham gia vào lực lượng dân quân xã, nhưng những lúc rảnh, chị vẫn tranh thủ đi làm đồng, làm việc nhà giúp mẹ. Chị gái tôi lấy chồng người cùng làng, anh ấy là bộ đội. Đau xót thay, chị gái tôi hy sinh trong trận chiến ngày 9/10/1966 thì gần một năm sau, tháng 7/1967 anh rể tôi cũng dũng cảm hy sinh. Đến giờ, hình ảnh về người chị dịu dàng, hiền hậu, hết lòng lo cho các em vẫn luôn đậm sâu trong ký ức tôi. Chị mất đi, gia đình đau xót mất đi một người con, người chị thân thương, nhưng gia đình cũng tự hào về sự dũng cảm, kiên trung trong chiến đấu với kẻ thù của chị. Chị mãi là niềm tự hào của gia đình, của dòng tộc, của quê hương.
Thân nhân các nữ liệt sỹ dân quân Lam Hạ kể lại chuyện xưa về các chị. Ảnh: Vĩnh Linh
Tiếp lời ông Tuế, bà Nguyễn Thị Hành, 73 tuổi, tổ dân phố Đường Ấm, em gái Liệt sỹ Nguyễn Thị Thuận ngậm ngùi chia sẻ: Chị gái tôi, Liệt sỹ Nguyễn Thị Thuận (sinh năm 1948) hy sinh khi chưa tròn 18 tuổi. Trong trận chiến ác liệt ngày 9/10/1966 chị gái tôi bị thương vào đầu và vào chân. Chị tôi được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện tỉnh (ngày ấy sơ tán về thôn Triệu Xá, xã Liêm Tuyền). Được tin, mẹ tôi và người thân trong gia đình đi đò qua sông tới ngay bệnh viện để thăm và động viên chị. Lúc mẹ tôi và mọi người vào thăm, chị còn rất tỉnh táo. Tôi được nghe kể lại, dù rất đau đớn bởi những vết thương do bom Mỹ gây ra, chị tôi vẫn giữ được tinh thần lạc quan, chị nói với mẹ rằng: Mẹ cứ yên tâm, con mất một chân không đi làm ruộng được, sau này con sẽ xin đi bán hàng. Không may, vết thương quá nặng, chị không qua khỏi. Chị tôi mất bên cạnh những người thân trong gia đình. Tôi vẫn nhớ, những năm tháng thanh xuân, chị tôi da trắng; tóc dài, thẳng, đen mượt mà. Chị thường cặp chiếc cặp ba lá, trẻ trung, xinh đẹp, yêu đời lại đảm đang và vô cùng hiếu thảo. Tuổi đời còn rất trẻ, nhưng khi vào trận chiến, đối diện với kẻ thù, chị chiến đấu kiên trung và đầy quả cảm.
Nhớ về người chị gái, Liệt sỹ Đặng Thị Chung (sinh năm 1947) hy sinh trong trận đánh ngày 7/7/1967, ở độ tuổi đẹp nhất – tuổi 20, ông Đặng Văn Nga, 65 tuổi, tổ dân phố Hòa Lạc, em trai Liệt sỹ Đặng Thị Chung xúc động nói: Những năm chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Nồi cơm hằng ngày của gia đình tôi (cũng như nhiều nhà trong thôn, trong xã) độn khoai là chủ yếu. Trong bữa cơm, chị giành ăn khoai, nhường lại phần cơm ít ỏi cho các em. Tôi được nghe kể lại, chị gái tôi dũng cảm hy sinh ngay tại trận địa ngày 7/7/1967. Chị tôi đã ra đi hơn 50 năm, nhưng hình ảnh người chị với mái tóc dài, da trắng, hay mặc quần đen, áo gụ; luôn hết lòng vì gia đình, thương yêu các em còn mãi trong tim tôi. Chị tôi hy sinh được một thời gian, gia đình lại đau xót nhận được tin anh trai tôi cũng hy sinh tại chiến trường Quảng Trị. Nỗi đau chồng nỗi đau, nhưng gia đình tôi luôn tự hào bởi sự hy sinh của anh chị tôi đã góp phần nhỏ bé vào công cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc của dân tộc. Gia đình tôi có hai bằng Tổ quốc ghi công. Mẹ tôi được công nhận Mẹ Việt Nam Anh hùng. Ngoài các ngày giỗ chính, ngày 27/7 hằng năm gia đình tôi thường tới Đền thờ 10 nữ liệt sỹ dân quân Lam Hạ và nghĩa trang liệt sỹ của địa phương thắp hương tưởng nhớ người thân và những liệt sỹ của quê hương đã không tiếc máu xương giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, để thế hệ tiếp nối được sống trong hòa bình, hạnh phúc hôm nay.
Trong khói hương thơm ngát nơi Đền thờ 10 nữ liệt sỹ dân quân Lam Hạ linh thiêng, được nghe những câu chuyện kể đời thường bình dị mà cao cả của những nữ dân quân Lam Hạ xưa, niềm xúc động cùng sự biết ơn sâu sắc đối với những nữ liệt sĩ dũng cảm, kiên trung càng thêm dâng trào. Đất nước có chiến tranh, tiếp nối truyền thống của người phụ nữ Việt Nam “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, những nữ dân quân Lam Hạ đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh và yên nghỉ nơi đất mẹ anh hùng. Hình ảnh kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu, nhân hậu, đảm đang, yêu đời, yêu làng xóm... trong cuộc sống đời thường của các chị sẽ sống mãi trong lòng người thân, người dân; trường tồn cùng quê hương và dân tộc.