Tấm gương thương binh 'tàn nhưng không phế'

Đã hơn 50 năm rời chiến trường, nhưng cựu binh Lê Quang Trung vẫn chưa có một ngày nghỉ ngơi. Là thương binh nặng, con bị phơi nhiễm chất độc da cam, dẫn đến di chứng nặng nề. Bằng nghị lực sống mạnh mẽ, ông đã vượt lên, tạo dựng cuộc sống ổn định cho gia đình.

Năm 1972, người dân xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu (Nghệ An) đón chàng trai trẻ Lê Quang Trung từ chiến trường Quảng Trị trở về với cơ thể không còn lành lặn.

Sự khốc liệt, tàn ác của cuộc chiến tranh gần như cướp đi toàn bộ sức lực của người xạ thủ B40 khi hỏng một mắt, chấn thương não, 6 mảnh đạn vẫn còn lưu trong cơ thể với tỷ lệ thương tật 81%. Nỗi đau chưa dừng lại ở đó, khi về thăm quê, ông lại bị bom Mỹ cắt đứt hẳn một tay.

Thương binh Lê Quang Trung chăm chút cho vườn cây cảnh của gia đình.

Thương binh Lê Quang Trung chăm chút cho vườn cây cảnh của gia đình.

Đau đớn do thương tật nhưng ông phải gánh thêm nỗi đau lớn hơn đó là người con gái đầu của ông do phơi nhiễm chất độc gia cam nên chỉ biết nằm một chỗ la hét đã hơn 50 năm. Mấy năm nay, vợ ông mắc bệnh hiểm nghèo nên việc chăm sóc cho con gái và vợ đều do một tay ông.

Là đối tượng được chăm sóc nuôi dưỡng thì nay ông lại trở thành điểm tựa cho cả gia đình. Trong chiến tranh, ông Trung chiến đấu dũng cảm được phong nhiều huân huy chương cao quý, còn khi về với đời thường hôm nay, người làng Trung Trường nơi ông sống lại phong cho ông là chiến sỹ vượt khó.

Cựu binh Lê Quang Trung chia sẻ: Tuy có thể ở lại Trung tâm Điều dưỡng thương binh để được chăm sóc, nuôi dưỡng, nhưng tôi trở lại quê hương đóng góp chút sức lực nhỏ bé của mình để xây dựng kinh tế gia đình. Cùng chung khó khăn của đất nước những năm 1980, đồng lương thương binh không đủ trang trải cuộc sống nên ông đi làm thuê khắp nơi.

Cựu binh Lê Quang Trung chăm sóc cho vợ và người con gái đầu đã hơn 50 năm nằm liệt một chỗ.

Cựu binh Lê Quang Trung chăm sóc cho vợ và người con gái đầu đã hơn 50 năm nằm liệt một chỗ.

Tuy vất cả nhưng tôi cũng thấy nhẹ nhàng rất nhiều so với những gian lao trên chiến trường. Nên đối với tôi không có gì là khó hết, công việc chưa biết thì học, nỗ lực để vợ con đỡ khổ”.

Ông Trung làm đủ mọi nghề kiếm sống từ may vá, vẽ tranh, đồng ruộng, đan lát… ông đều đã trải qua. Sức khỏe yếu nhưng bù lại ông cần cù chăm chỉ, làm việc lại chu đáo, khéo léo nên ai cũng quý trọng. Những lúc vết thương tái phát, ông lại làm việc nhiều hơn để quên đi nỗi đau thể xác.

Không chỉ cho mình, người lính can trường ấy đã truyền được nghị lực sống cho những đứa con, giúp con vững bước trong cuộc đời. Nhờ đó, 5/6 người con của ông được học hành đến nơi đến chốn, công việc ổn định, người là kế toán, người là là giáo viên.

74 năm tuổi đời nhưng ròng rã 50 năm ông Trung phải chống chọi với những cơn đau triền miên. Tuy nhiên, trong căn nhà nhỏ của thương binh Nguyễn Quang Trung ngập tràn hoa lá được cắt tỉa chăm chút từ bàn tay cần mẫn và tình yêu với thiên nhiên.

Điều đặc biệt ở người thương binh ¼ này đó là dù khó khăn, vất vả nhưng không một lời than vãn. Ở ông chỉ toát lên sự lạc quan vui sống, tin vào chính mình và tin vào hạnh phúc cuộc đời ngay cả trong những thời điểm gian khó nhất.

Ông Cao Mã Đề - Chủ tịch Hội CCB xã Diễn Hoa, Diễn Châu, cho biết: “Đồng chí Trung tàn nhưng không phế, rất chịu khó chịu thương. Là người cha nhưng đảm nhiệm cả trách nhiệm người mẹ. Hơn 50 năm trời một mực thương yêu chăm sóc, thuốc thang ăn uống cho con chu đáo. Bây giờ là cả vợ ốm đau cũng một tay ông gánh vác.

Các đồng đội nể phục trước nghị lực vượt khó của ông.

Các đồng đội nể phục trước nghị lực vượt khó của ông.

Cuộc sống khó khăn là vậy, nhưng chưa bao giờ thấy đồng chí phàn nàn, kêu ca một câu mà chúng tôi chỉ cảm nhận thấy sự vươn lên, yêu đời. Ngày lễ tết ở xóm ở xã là xung phong phục vụ loa đài, đàn hát đọc thơ, kể chuyện truyền thống. Cuộc chiến với bệnh tật của người CCB này vẫn còn nhiều cam go và chắc chắn sẽ gắn với ông cả cuộc đời.

Tuy nhiên, bằng niềm tin và sự lạc quan những khó khăn, đau đơn này sẽ không khuất phục nổi người thương binh quả cảm này”.

Gia Ân-Mai Giang

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/tam-guong-thuong-binh-tan-nhung-khong-phe-441808.html