Tâm hồn trẻ thơ gắn kết tình người

Khu tập thể cũ với những căn hộ khang trang đan xen vài mái nhà cấp 4 lụp xụp. Cư dân ở đây cũng không thuần nhất, người ở lâu năm, người mới đến thuê trọ. Không gian thoáng đãng yên tĩnh, người trong khu cũng cởi mở trò chuyện, thi thoảng còn ghé qua nhà nhau chơi.

Duy chỉ có căn hộ cuối dãy là ít người lui tới. Đã vậy bóng cây sấu, cây si phủ kín, ánh nắng ít khi lọt xuống hiên nhà. Tường gạch rêu mốc làm cho chỗ đó dường như lúc nào cũng thiếu hơi người. Cái cảm giác lành lạnh khiến mọi người ngại ngần bước tới.

Chị chuyển về ở ngay cạnh căn nhà cuối dãy sau khi thuê được của chủ cũ. Căn nhà chị lâu không có người ở cũng vương đầy mạng nhện xen lẫn mùi ẩm mốc. Do chuyển công tác nên chị thuê gần khu vực này cho tiện đi làm. Nghe chủ cũ giới thiệu an ninh nơi đây bảo đảm, có chỗ cho trẻ vui chơi thế nên chị ưng thuận thuê lại. Ngày mới đến chị chưa quen được nhiều. Đôi khi bước ra sân gặp một vài người hàng xóm đứng đó đưa ánh mắt về phía mình thăm dò, chị khẽ mỉm cười rồi cất lời “Cháu chào các bác ạ!”. Đáp lại, mọi người cũng thân thiện rồi lân la bắt chuyện. Một bà đứng tuổi nói: “Nhà chị thuê cũng lâu không có người ở đấy, chú ý vệ sinh sạch sẽ và cẩn thận với nhà bên cạnh nhé”. “Nhà bên cạnh có chuyện gì hả bác?”- Chị hơi chột dạ hỏi lại. “À...thì... cũng chẳng có chuyện gì, mình nên chú ý trong sinh hoạt thôi”. Nghe có vậy, chị thấy gờn gợn và từ đó trong tâm cứ lấn bấn chuyện đề phòng.

Chị dần tìm hiểu biết được gia chủ của ngôi nhà bên cạnh không phải là người khấm khá. Vợ là công nhân ở một xưởng may sau giờ làm lại cặm cụi gò lưng bên chiếc máy khâu kêu rè rè làm thêm tới khuya nuôi hai con nhỏ cùng với một ông chồng mất sức lao động. Ông trước làm trong một công ty Nhà nước, nhưng không may bị tai biến, bỗng nằm liệt giường, chạy chữa mãi mới tập tễnh đi được. Sau biến cố đó gia đình khánh kiệt, con người cũng trở nên lầm lũi ít giao tiếp hơn. Chẳng mấy khi nghe những lời chuyện trò, những âm thanh náo động phát ra từ căn nhà ấy. Tưởng như mọi người cứ âm thầm sống, lặng lẽ, vật vờ như những đốm đèn trong đêm khuya.

Như mọi chiều chị đi làm về đã thấy ông chồng bên nhà hàng xóm tập tễnh đi lại. Cái dáng ông khẳng khiu nhọc nhằn lê bước chân như người ốm đói. Riêng khuôn mặt dường như bất động, tóc muối tiêu, râu cằm tua tủa trông rất khó gần. Chị chưa thấy ông nói bao giờ thế nên cũng chẳng dám mở lời trước. Bỗng đâu đứa con chị ngồi phía sau xe nhanh miệng chào: “Cháu chào ông ạ!”. Thấy tiếng trẻ, ông ngước lên nhìn chăm chú rồi cất lời khàn khàn đùng đục: “Ngoan lắm, ngoan lắm, chào ông à?”. Chị thấy khuôn mặt ông giãn ra cùng nụ cười nhọc nhằn tưởng như méo xệch. Chị tiếp lời: “Vâng ạ, cháu chào ông ạ!”. Chỉ sau câu nói đó chị xin phép đưa con vào nhà.

Sau lần hỏi thăm ấy, thi thoảng đứa con chị ra sân gặp ông hàng xóm lại cất lời chào. Vài lần như vậy thành quen nên chị cũng không chạy ra xem xét con mình nữa. Có lần chị thấy ông hàng xóm lấy từ trong túi áo ra vài chiếc kẹo hay món đồ chơi xinh xinh tặng con mình. Thế rồi ông hỏi thăm đứa bé trên lớp học những gì. Chẳng biết ông khéo dỗ dành thế nào mà con chị còn véo von đọc mấy câu thơ rồi hát cho ông nghe. Dần dà mấy đứa trẻ trong xóm cũng kéo đến chơi. Chúng nô đùa nhảy nhót. Ông hàng xóm cũng hay ra trước cửa ngồi hơn, đôi khi ông còn sắm vai quản trò để đám trẻ vui đùa. Người lớn thấy vậy lâu dần không còn định kiến nữa mà yên tâm để con vui chơi. Gia đình ông hàng xóm cũng vơi dần những mặc cảm, tự tin tiếp xúc với mọi người. Cũng từ đó góc xóm vui nhộn hẳn lên, người già con trẻ xích lại gần nhau cùng trò chuyện, tâm tình. Mọi người thầm cảm ơn đám trẻ đã kéo họ lại gần nhau hơn.

THƯ NGỌC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/tam-hon-tre-tho-gan-ket-tinh-nguoi-657912