Tâm hương dâng Tổ nghiệp Sân khấu

Một tiết mục biểu diễn tại ngày giỗ tổ. Ảnh: XUÂN HIẾU

Dẫu bộn bề công việc, ngược xuôi trong cuộc mưu sinh nhưng đến ngày 12/8 âm lịch hàng năm, những “con tằm bền bỉ nhả tơ” lại tụ hội trong ngày giỗ Tổ Sân khấu, hướng lòng mình về với tiền nhân.

Cùng gìn giữ, phát huy vốn quý

Năm nay giỗ Tổ Sân khấu và Liên hoan nghệ thuật chào mừng Ngày Sân khấu Việt Nam lần thứ X diễn ra tại Khu di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Lương Văn Chánh (xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa). Hoạt động này do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên, Chi hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tại Phú Yên phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh - Truyền hình huyện Phú Hòa tổ chức. Hơn 40 nghệ sĩ - hội viên đang sinh hoạt tại Chi hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tại Phú Yên và Chi hội Sân khấu (thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh) cùng các đại biểu và những người mộ điệu tụ hội về đây, tri ân tiền nhân đã sáng tạo ra nhiều loại hình sân khấu vô cùng độc đáo như tuồng, chèo, cải lương, bài chòi..., trao truyền lửa đam mê cho lớp con cháu đời sau cùng gìn giữ, phát huy vốn quý của người xưa.

Mong rằng các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng và phát triển nền sân khấu Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vì tỉnh Phú Yên giàu đẹp và văn minh. Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo

Dâng tâm hương tưởng nhớ Tổ nghiệp Sân khấu, các nghệ sĩ, nghệ nhân ôn lại chặng đường đầy khó khăn theo đuổi nghiệp diễn, tự nhủ lòng không thẹn với tiền nhân. Sau khi cùng anh em trong CLB Tuồng 10/5 (huyện Phú Hòa) biểu diễn trình Tổ trích đoạn tuồng cổ Công chúa Thoại Ba giải vây Bạch Hạc thành cứu chồng Địch Thanh, nghệ sĩ Đào Thị Thu Sen xúc động chia sẻ: “Thoại Ba là vai “vỡ lòng” của tôi, cũng là một trong những vai diễn “theo” tôi suốt 45 năm gắn bó với sân khấu tuồng. Mỗi dịp được cùng anh em trong CLB biểu diễn nghệ thuật trình Tổ, tôi lại hình dung cha mẹ, thầy tôi cũng có mặt ở đây, dự giỗ Tổ và xem tôi biểu diễn”.

Nghệ sĩ cải lương Hồng Cúc (thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa) chia sẻ: “Tôi hát đã mấy chục năm rồi, vào ngày này luôn thấy rất vui. Trước là hát dâng Tổ nghiệp, sau là gặp anh em nghệ sĩ”.

Lan tỏa đến những người trẻ

Sau phần lễ, các CLB Đàn hát dân ca, Bài chòi, Đờn ca tài tử… trong tỉnh giao lưu, biểu diễn một số tiết mục thể hiện lòng tri ân Tổ nghiệp, tri ân tiền nhân, chia sẻ niềm đam mê sân khấu truyền thống.

Theo nghệ sĩ Lê Văn Hiếu, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tại Phú Yên, Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu, toàn tỉnh có hơn 40 hội viên sân khấu, sinh hoạt tại hai chi hội trên; có 12 CLB, đội, nhóm đờn ca tài tử, đàn hát dân ca, bài chòi... “Những năm gần đây, hoạt động của các CLB, đội, nhóm… ngày càng khởi sắc; nếu như trước chỉ những người lớn tuổi tham gia thì giờ đã có thêm những người trẻ. Niềm đam mê nghệ thuật sân khấu truyền thống đã lan tỏa đến những người trẻ”, nghệ sĩ Lê Văn Hiếu cho biết.

Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên nhận xét: Các anh chị em nghệ sĩ, nghệ nhân đã miệt mài sáng tạo, là hạt nhân trong phong trào văn hóa văn nghệ của địa phương và các hội thi, liên hoan, hội diễn nghệ thuật quần chúng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân đoạt giải cao trong các hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật cấp tỉnh, bộ - ngành Trung ương; có thêm hai nghệ sĩ được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. “Là con Lạc cháu Hồng, chúng ta có quyền tự hào và tôn vinh tổ tiên ta đã sáng tạo ra nền nghệ thuật sân khấu dân tộc độc đáo và quý giá, chẳng những góp phần tích cực trong công cuộc dựng nước và giữ nước mà còn được thế giới ca ngợi, tôn vinh…

Chúng ta tin tưởng rằng đội ngũ nghệ sĩ trong tỉnh tiếp tục phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của nền sân khấu Việt Nam, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm, hoạt động sân khấu có ý nghĩa phục vụ công chúng.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/228878/tam-huong-dang-to-nghiep-san-khau.html