Tấm khiên pháp lý liên tục được hoàn thiện
Thái Lan là một trong những quốc gia Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ tội phạm mua bán người. Quốc gia này đóng vai trò là cả nước nguồn, nước trung chuyển và nước đích đến đối với nạn nhân bị mua bán, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em bị mua bán nhằm mục đích cưỡng bức lao động và bóc lột tình dục. Chính vì vậy, ngay từ rất sớm, Thái Lan đã chú trọng xây dựng các khuôn khổ pháp lý và thành lập các cơ quan để trấn áp loại hình tội phạm này.
Luật Phòng, Chống mua bán người và các luật liên quan
Thái Lan đã ban hành luật chống buôn người toàn diện vào năm 2008 với tên gọi Đạo luật Phòng, Chống mua bán người năm 2008 (Anti - Trafficking in Persons Act B.E. 2551), sau đây gọi tắt là Đạo luật PCMBN, trong đó hình sự hóa mọi hình thức buôn người. Đạo luật mới năm 2008 đã bãi bỏ và thay thế Đạo luật năm 1998 về các Biện pháp phòng ngừa và trấn áp nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em, với trọng tâm chính là bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân trong khi quy định các hình phạt nghiêm khắc đối với những kẻ buôn người và những người tham gia.
Đạo luật PCMBN 2008 đã được sửa đổi hai lần vào năm 2015 và 2017 với hai mục tiêu: tăng cường quy định bảo vệ nạn nhân và ban hành các biện pháp để trấn áp hiệu quả tội phạm này.
Đạo luật PCMBN được soạn thảo dựa trên Nghị định thư của Liên Hợp Quốc về Ngăn ngừa, trừng trị và trấn áp tội phạm buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Nghị định thư Palermo), được ký kết ngày 18.12.2001 nhưng chưa được Thái Lan phê chuẩn vào thời điểm đó. Quốc gia này đã phê chuẩn Nghị định thư 5 năm sau khi Đạo luật được ban hành, nhưng ngay trong Đạo luật PCMBN, Thái Lan luôn thể hiện thiện chí thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của Nghị định thư.
Chẳng hạn, khái niệm “mua bán người” trong đạo luật năm 2008 của Thái Lan thống nhất với định nghĩa “buôn bán người” trong Nghị định thư. Theo đó, “mua bán người” đề cập đến việc trục lợi từ hoạt động mại dâm, sản xuất hoặc truyền bá văn hóa phẩm khiêu dâm, và các hình thức bóc lột khác - bao gồm bóc lột tình dục, bóc lột nô lệ, cưỡng ép ăn xin, cưỡng bức lao động, mua bán nội tạng, hoặc bất kỳ hành vi tương tự nào khác để cưỡng ép người khác trái với ý muốn của họ nhằm mục đích trục lợi. Ngoài ra, đạo luật PCMBN cho phép Thái Lan “tuân thủ tất cả các nghĩa vụ bắt buộc trong Nghị định thư”.
Ngoài Đạo luật PCMBN 2008, Thái Lan cũng được trang bị các khung pháp lý quan trọng khác để chống nạn buôn người và các tội danh liên quan. Các luật này bao gồm: Bộ luật Hình sự năm 1956, Đạo luật Bảo vệ trẻ em năm 2003, Đạo luật Phòng, Chống mại dâm năm 1996, Đạo luật Chống rửa tiền năm 1999, Đạo luật Bảo vệ nhân chứng năm 2003, Đạo luật Bảo vệ Lao động năm 1998, Đạo luật Dẫn độ năm 2008, Đạo luật Hợp tác quốc tế về các vấn đề hình sự năm 1992 và Đạo luật Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2013.
Hài hòa hóa pháp luật quốc tế
Thái Lan đã phê chuẩn một số văn bản chống buôn người bao gồm Nghị định thư Palermo (ngày 17 tháng 10 năm 2013) và nhiều văn bản đã phê chuẩn khác có liên quan.
Ở cấp độ khu vực, Thái Lan là thành viên của ASEAN và là bên tham gia Công ước chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (ACTIP) đã được ASEAN thông qua vào ngày 22.11.2015.
Thái Lan cũng là thành viên tích cực của Ủy ban ASEAN về Thúc đẩy và Bảo vệ Quyền của Phụ nữ và Trẻ em (ACWC), hoạt động để bảo vệ phụ nữ và trẻ em khỏi nạn buôn người. Trong nước, Thái Lan tìm cách tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế của mình thông qua luật pháp và hướng dẫn chính sách.
Các cơ quan thực thi pháp luật
Trong số các cơ quan thực thi pháp luật, lực lượng cảnh sát có trách nhiệm điều tra các tội phạm hình sự bao gồm cả tội phạm buôn người. Tuy nhiên, trong Tư lệnh Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan (RTP), có một Ban Chống buôn người (ATPD), được thành lập để chuyên phụ trách các vụ việc về nạn buôn người và tư vấn cho các lực lượng cảnh sát địa phương về vấn đề này.
Một đơn vị khác trong Cảnh sát, được gọi là Lực lượng chống tội phạm Internet nhằm vào trẻ em Thái Lan (TICAC), cũng là một cơ quan thường trực kể từ năm 2020, đã đạt được những thành công đáng kể trong nỗ lực phòng, chống buôn bán trẻ em.
Ngoài ra, Lực lượng Đặc nhiệm chống buôn người Thái Lan (TATIP) của Cảnh sát Hoàng gia chuyên điều tra các vụ án phức tạp và bao gồm lực lượng thực thi pháp luật, nhân viên xã hội và các tổ chức phi chính phủ.
Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan còn thành lập các Ban chống buôn người trong Tòa án hình sự tại Bangkok; các vụ án từ các tòa án hình sự này có thể được chuyển đến các khu vực địa phương và các vụ án từ các khu vực xa xôi cũng có thể được chuyển đến các tòa án ở Bangkok.
Có một công tố viên đặc biệt để truy tố các tội liên quan đến buôn bán người là Cục Tố tụng mua bán người thuộc Văn phòng Tổng chưởng lý.
Cục Điều tra đặc biệt (DSI) thuộc Bộ Tư pháp cũng nhiệm vụ giải quyết các vụ án buôn bán lao động xuyên quốc gia, buôn bán trái phép người di cư.
Mặc dù Bộ Phát triển xã hội và an ninh Con người, Bộ Tư pháp và Cảnh sát có vai trò trung tâm trong cuộc chiến chống nạn buôn người, nhưng Thủ tướng chịu trách giám sát các nỗ lực chống buôn người của Thái Lan thông qua Ủy ban Chống buôn người, nơi điều phối các chính sách và chiến lược giữa các cơ quan. Trong khi đó, Phó Thủ tướng là người đứng đầu Ủy ban Quốc gia về Phòng ngừa sự tiếp tay của quan chức đối với tội phạm buôn người.
Thái Lan cũng thành lập một số tiểu ban liên quan, chẳng hạn như Tiểu ban Quốc gia về chống nạn buôn người, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em.