Tằm không kéo kén, nông dân lo lắng
Tằm lên né đến ngày thứ 9, thứ 10 nhưng vẫn không cuộn kén dẫn đến năng suất kén giảm mạnh. Tình trạng này diễn ra từ khoảng tháng 9/2024 tới nay khiến người nuôi tằm trên địa bàn một số huyện, đặc biệt là huyện Đức Trọng thấp thỏm, bất an.
![Ông Phạm Ngọc Hiếu (thôn Thanh Bình 3, xã Bình Thạnh) nuôi liên tiếp 2 lứa nhưng tằm không làm kén. Đây là lần đầu tiên nông dân trồng dâu nuôi tằm tại xã gặp phải tình trạng này](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_439_51426226/948a1c73263dcf63962c.jpg)
Ông Phạm Ngọc Hiếu (thôn Thanh Bình 3, xã Bình Thạnh) nuôi liên tiếp 2 lứa nhưng tằm không làm kén. Đây là lần đầu tiên nông dân trồng dâu nuôi tằm tại xã gặp phải tình trạng này
SẢN LƯỢNG KÉN GIẢM MẠNH
Sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, người nuôi tằm tại huyện Đức Trọng đang vệ sinh lại các nhà tằm, nong né và chăm sóc cây dâu để chuẩn bị nhập nuôi lứa tằm mới.
Thế nhưng, thay vì phấn khởi bởi giá kén tằm vẫn luôn ở mức cao khoảng 200.000 đồng/kg thì nhiều nông dân tại các xã Bình Thạnh, Liên Hiệp, N’Thôn Hạ, Tân Hội… lại trở nên lo lắng.
“Bây giờ có lá dâu nên nuôi thì cứ nuôi vậy chứ cũng không biết thế nào”, ông Phạm Ngọc Hiếu (thôn Thanh Bình 3, xã Bình Thạnh) nói trong sự buồn bã. Bởi, cuối năm vừa rồi, không chỉ một mà có tới 3 lứa tằm rơi vào tình trạng không kéo kén hoặc mỗi hộp chỉ thu được vài kg kén.
Ông Hiếu cho biết: Mỗi lứa gia đình ông nuôi 4 hộp, trung bình sản lượng kén đạt từ 50 – 60 kg/hộp. Tuy nhiên, hai lứa liên tiếp ông chỉ thu được 6 tới 8 kg, có hộp mất trắng. “Nếu tính ra thì gia đình tôi thất thu gần 100 triệu đồng. Đây là lần đầu tiên sau hơn 16 năm nuôi tằm gia đình mới gặp tình trạng này” – ông Hiếu cho biết.
![Tằm lên kén chỉ đạt khoảng 10 - 20%, trong khi lượng kén hư, chất lượng kén thấp rất nhiều nhưng chưa xác định nguyên nhân. Ảnh: Người dân cung cấp](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_439_51426226/7c02fefbc4b52deb74a4.jpg)
Tằm lên kén chỉ đạt khoảng 10 - 20%, trong khi lượng kén hư, chất lượng kén thấp rất nhiều nhưng chưa xác định nguyên nhân. Ảnh: Người dân cung cấp
Theo ông Hiếu, con tằm là loại nhạy cảm nên mỗi lứa nuôi tằm thi thoảng sẽ xuất hiện một vài vấn đề nhưng với kinh nghiệm của mình, ông đều dễ dàng khắc phục để thu được kén với sản lượng và chất lượng tốt nhất.
Điều rất lạ là trong thời gian những tháng cuối năm 2024, tằm con ăn lá dâu phát triển bình thường nhưng tới giai đoạn tằm chín, cho lên né thì lại không kéo kén, nhiều trường hợp phải đổ bỏ. Đôi khi có những hộp kéo kén thì kén bị vàng, sợ tơ mỏng rất dễ đứt nên bán chỉ được khoảng 20.000 đồng/kg.
Không riêng gia đình ông Hiếu mà hầu hết các hộ tại xã Bình Thạnh đều gặp phải tình cảnh tương tự. Tằm to, đều, đẹp nhưng khi cho lên né lại không chịu kéo kén.
“Ban đầu, chúng tôi cũng rất hoang mang, phán đoán các khả năng tằm bệnh như nguồn giống, ảnh hưởng bởi thuốc bảo vệ thực vật do người dân phun cho các loại nông sản khác gần vườn dâu... Nhiều hộ khác thì cho rằng cuối năm thời tiết lạnh nên cũng đã vây ấm nhà tằm, thắp đèn hoặc đốt lửa nhưng kết quả vẫn không khả quan hơn”, ông Phan Tùng - Thành viên Tổ Khuyến nông xã Bình Thạnh, đồng thời cũng là người có kinh nghiệm nuôi tằm nhiều năm cho biết.
Ông Đoàn Thế Định – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh xác nhận, tình trạng tằm không kéo kén xuất hiện từ khoảng tháng 9/2024, gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý và tình hình sản xuất của bà con.
“Nông dân Bình Thạnh là những người có kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm từ hơn 30 năm trước. Chính vì thế, sản lượng kén tằm hàng năm luôn rất đạt. Khi xuất hiện tình trạng như trên, nhiều người cho rằng nguyên nhân có thể đến từ chất lượng con giống. Bởi từ khi nhập về tằm 3, 4 ngày tuổi vẫn ăn khỏe, con tằm to mập. Chỉ đến khi kéo kén mới xuất hiện các vấn đề. Nhiều gia đình vừa mất cả công nuôi vừa gần như lỗ tiền giống tằm, khoảng 1,1 – 1,2 triệu đồng/hộp” – ông Định cho hay.
![Ông Phan Tùng - Thành viên Tổ Khuyến nông xã Bình Thạnh cho biết hiện người dân chỉ nuôi tằm cầm chừng, để đánh giá "bệnh lạ" trên tằm, giảm thiểu thiệt hại](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_439_51426226/b1cc31350b7be225bb6a.jpg)
Ông Phan Tùng - Thành viên Tổ Khuyến nông xã Bình Thạnh cho biết hiện người dân chỉ nuôi tằm cầm chừng, để đánh giá "bệnh lạ" trên tằm, giảm thiểu thiệt hại
Ông Đỗ Văn Hiền - Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh cho biết thêm, xã là một trong những địa phương có diện tích dâu tằm lớn tại huyện Đức Trọng với khoảng 300 ha. Dâu tằm cũng là một trong những cây trồng chủ lực bên cạnh cà phê khoảng 700 ha. Bên cạnh đó, toàn xã có khoảng 50% dân số làm nghề trồng dâu nuôi tằm nên số lượng người dân bị thiệt hại do tằm không kéo kén trong nhiều lứa tằm không rõ nguyên nhân là rất lớn.
“Sau một vài lứa nuôi không đạt, nhiều gia đình chỉ dám nuôi cầm chừng. Trong khi đó, một số hộ nuôi quy mô nhỏ thì tạm ngưng để chờ xem tình hình. Chúng tôi cũng chỉ biết khuyến cáo người dân không nên nuôi số lượng lớn trong thời gian này để giảm thiểu thiệt hại”, ông Hiền nói.
KHÓ KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG NGUỒN GIỐNG
Theo bà Bùi Thị Kim Lý - Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Đức Trọng, đơn vị đã ghi nhận phản ánh của người dân về tình trạng trên tại địa bàn, đặc biệt là tại các xã Bình Thạnh, N’Thôn Hạ và Liên Hiệp.
Qua thăm hỏi thông tin từ người dân, phán đoán khả năng cao tằm bị bệnh do nguồn giống bên cạnh một số nguyên nhân phỏng đoán khác. Tuy nhiên, để xác định được chính xác tằm bị bệnh do đâu thì gần như không thể.
Bà Lý cho biết hiện nay đơn vị chưa có cán bộ chuyên môn về con tằm nên đối với các bệnh lạ thường không có đầy đủ dụng cụ, phương pháp chuyên sâu kiểm tra nên rất khó xác định.
![Tằm không lên kén hoặc lên kén nhưng kén mỏng, tơ không đạt khiến người dân rất lo lắng do chưa tìm ra nguyên nhân khắc phục. Ảnh: Người dân cung cấp](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_439_51426226/8c980a61302fd971803e.jpg)
Tằm không lên kén hoặc lên kén nhưng kén mỏng, tơ không đạt khiến người dân rất lo lắng do chưa tìm ra nguyên nhân khắc phục. Ảnh: Người dân cung cấp
Thông thường, hàng năm, Trung tâm đã triển khai tập huấn cho người dân cũng như khuyến cáo một số biện pháp phòng trừ bệnh trên tằm nuôi thương phẩm. Trong đó, lưu ý người dân chỉ lấy giống tằm tại các cơ sở uy tín được cấp chứng nhận cơ sở nuôi tằm con đạt tiêu chuẩn. Trước mỗi lứa nuôi mới cần vệ sinh sát trùng toàn bộ nhà tằm và các dụng cụ nuôi tằm, giữ nhà tằm thoáng mát, sạch sẽ, có dụng cụ đo nhiệt độ, độ ẩm không khí để theo dõi, điều chỉnh cho phù hợp, thức ăn cho tằm phải đảm bảo sạch sẽ…
Hiện, thống kê tới cuối năm 2024, Đức Trọng có khoảng hơn 1.600 ha dâu với hàng ngàn hộ dân nuôi tằm và đa phần người dân trên địa bàn đều nhập giống từ các cơ sở phân phối trứng tằm, tằm con loại 2 trên địa bàn huyện Lâm Hà. Khi gặp tình trạng trên, nhiều người đã liên hệ các cơ sở bán tằm con nhưng cũng không thể giải quyết bởi chính các cơ sở cũng nhập trứng tằm theo dạng trôi nổi, không có cam kết đảm bảo chất lượng cho người dân.
Do đó, về khả năng trường hợp tằm không kéo kén đồng loạt do nguồn giống thì theo bà Lý, đơn vị cũng không thể có chức năng kiểm tra cơ sở cung cấp. Với việc hiện nay nguồn giống nhập gần như hoàn toàn theo đường tiểu ngạch đồng nghĩa việc công bố đảm bảo chất lượng không có, nên khi sự việc liên quan tới nguồn giống tằm thì rủi ro luôn ở phía người dân.
![Nông dân huyện Đức Trọng đang chăm dâu chuẩn bị cho lứa nuôi tằm sau Tết Nguyên đán nhưng chưa tìm được nguyên nhân tình trạng tằm không kéo kén hoặc kén cho chất lượng thấp](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_439_51426226/6fb4e84dd2033b5d6212.jpg)
Nông dân huyện Đức Trọng đang chăm dâu chuẩn bị cho lứa nuôi tằm sau Tết Nguyên đán nhưng chưa tìm được nguyên nhân tình trạng tằm không kéo kén hoặc kén cho chất lượng thấp
“Hiện tượng tằm không kéo kén hoặc cho kén chất lượng thấp thì đơn vị sẽ tiếp tục theo dõi, đồng thời báo cáo với Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng để có phương án xử lý nếu tiếp tục diễn ra trên quy mô lớn”- bà Lý cho biết.
Tại địa bàn huyện Bảo Lâm, ông Lê Hùng Anh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện thông tin thời điểm này địa phương có 780 ha dâu trồng thuần và trồng xen nhưng do đang vào mùa khô, lượng dâu thấp nên người dân nuôi tằm khá ít, tình hình dịch bệnh về cơ bản được đảm bảo.
Tuy nhiên, Hội Nông dân huyện ghi nhận phản ánh từ người dân các xã như Lộc Tân, Lộc Lâm..., trong nửa cuối năm 2024, các hộ nuôi con tằm phát triển tốt nhưng tới ngày chuẩn bị lên kén tằm có dấu hiệu bị bủng, còi và chết dần. Trung bình một hộp giống tằm đạt từ 50 tới 60 kg kén thì người dân chỉ thu được khoảng 50%.
Còn tại huyện phía Nam tỉnh là Đạ Huoai, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết thời gian qua không xuất hiện hiện tượng tằm nuôi không kéo kén. Trong khi đó, lãnh đạo Hội Nông dân huyện Lâm Hà thông tin trên địa bàn huyện có một số xã người dân cũng gặp phải tình trạng tương tự nhưng số lượng không nhiều, chủ yếu tại các xã: Đông Thanh, Đan Phượng, Tân Văn, Tân Thanh.
![Tằm bị còi, chết dần khi chuẩn bị cho lên né làm kén tại huyện Bảo Lâm cuối năm 2024. Ảnh: Người dân cung cấp](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_439_51426226/5f9adb63e12d0873513c.jpg)
Tằm bị còi, chết dần khi chuẩn bị cho lên né làm kén tại huyện Bảo Lâm cuối năm 2024. Ảnh: Người dân cung cấp
Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Lâm Đồng có diện tích dâu đạt khoảng trên 10.000 ha, sản lượng kén đạt khoảng 16.000 tấn, sản lượng tơ trên 2.000 tấn/năm. Mỗi năm, địa phương cần 350.000 - 400.000 hộp trứng tằm lưỡng hệ phục vụ sản xuất và được coi là tỉnh trọng điểm về trồng dâu nuôi tằm của cả nước, chiếm tới 80% diện tích.
Thế nhưng, hàng chục năm qua, gần như toàn bộ giống tằm được các thương lái được nhập khẩu từ Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch, không qua kiểm dịch và chất lượng trứng giống tằm không ổn định.
Tại nhiều hội nghị phát triển ngành dâu tằm tơ Việt Nam được tổ chức tại Lâm Đồng gần đây, lãnh đạo tỉnh đều kiến nghị, phản ánh vấn đề nổi cộm nhất trong sản xuất dâu tằm tơ là nguồn giống trứng tằm. UBND tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị các bộ, ngành sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, làm việc với phía cơ quan chuyên môn của Trung Quốc để doanh nghiệp Việt Nam được nhập khẩu chính ngạch trứng tằm nhằm đảm bảo chất lượng, phục vụ sản xuất nhưng tới giờ vẫn chưa có chuyển biến đáng kể.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202502/tam-khong-keo-ken-nong-dan-lo-lang-7935d73/