Tấm lòng của cựu chiến binh Đỗ Tấn Mỹ

May mắn trở về sau chiến tranh, cựu chiến binh (CCB) Đỗ Tấn Mỹ, sinh năm 1949, ngụ tại quận 6, TP Hồ Chí Minh, mang trên mình nhiều thương tích. Ông sống cuộc đời giản dị, nghĩa tình với chòm xóm, láng giềng, có nhiều việc làm thiết thực chăm lo hậu phương Quân đội.

TP Hồ Chí Minh vào một ngày nắng hanh oi, trong căn phòng nhỏ được lấp đầy bởi những dụng cụ sửa chữa điện bày trí ngăn nắp, CCB Đỗ Tấn Mỹ miệt mài ngồi sửa chữa đồ gia dụng. Chỉ tay vào những món đồ trong phòng, ông nói: "Đồ của bà con trong khu phố quanh đây, tôi sửa giúp miễn phí để họ có thể sử dụng lại, không phải mua thay thế gây tốn kém...".

Cựu chiến binh Đỗ Tấn Mỹ.

Cựu chiến binh Đỗ Tấn Mỹ.

CCB Đỗ Tấn Mỹ là thương binh hạng 3/4, mang trên mình vết thương nặng tại vị trí đầu và cánh tay. Năm 1967, chàng thanh niên Đỗ Tấn Mỹ căng tràn sức trẻ đã tự nguyện nhập ngũ vào Tiểu đoàn pháo cao xạ 57mm, Trung đoàn 233, Sư đoàn Phòng không 361, Quân chủng Phòng không-Không quân. Cuối năm 1969, Đỗ Tấn Mỹ được điều về đơn vị trinh sát thuộc Sư đoàn 5, Quân khu 7. Giữa năm 1971, ông bị thương và được đưa ra miền Bắc điều trị. Cuối năm 1972, ông trở lại chiến trường, về đơn vị cũ và bị thương lần thứ hai khi cùng đồng đội chiến đấu tại núi Bà Đen (Tây Ninh). Trở về với cuộc sống đời thường vào thập niên 1980, CCB Đỗ Tấn Mỹ đối diện với hoàn cảnh rất khó khăn. Ông học thêm nghề sửa chữa đồ điện tử để có tiền trang trải cuộc sống. Công việc giúp ông có một khoản thu nhập ổn định, có thể lo cho gia đình. Sau nhiều năm tích cóp, dành dụm, ông quyết định mua 27ha đất tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu từ một số đồng đội cũ để làm rẫy, trồng các loại cây như xoài, mít, chuối, keo... Ý chí của người lính, nỗ lực vượt mọi khó khăn đã giúp CCB Đỗ Tấn Mỹ phát triển được vườn cây mang lại giá trị kinh tế cao. Để có nguồn lao động chăm sóc nương rẫy, ông đã tuyển dụng, tạo việc làm thời vụ cho 40 CCB, bộ đội xuất ngũ với thu nhập 300.000 đồng/ngày. Các đối tượng bộ đội xuất ngũ ở địa phương luôn được CCB Đỗ Tấn Mỹ ưu tiên, hỗ trợ nhận vào làm việc.

Không chỉ tạo việc làm cho nhiều người, CCB Đỗ Tấn Mỹ còn tích cực tham gia các câu lạc bộ “Giữ lửa truyền thống” do các hội CCB của quận 6, nơi ông sinh sống, góp kinh phí hỗ trợ thương binh, gia đình liệt sĩ, bộ đội xuất ngũ có hoàn cảnh khó khăn. Ông Trần Kháng Chiến, chủ nhiệm một CLB “Giữ lửa truyền thống” của quận 6, chia sẻ: “CCB Đỗ Tấn Mỹ lúc nào cũng giản dị, mộc mạc, nhưng những việc làm của ông đối với đồng đội xưa, với xã hội thật nhiều ý nghĩa, khiến chúng tôi nể phục, đồng thời truyền cảm hứng tích cực cho mọi người vươn lên trong cuộc sống”. Nói về những việc làm của mình, CCB Đỗ Tấn Mỹ bày tỏ: "Bên cạnh chia sẻ khó khăn với các CCB, các đồng chí bộ đội xuất ngũ, tôi còn mong muốn lan tỏa tình cảm, trách nhiệm của cộng đồng đối với những CCB đã có nhiều cống hiến cho quê hương, đất nước; có trách nhiệm hơn trong công tác chăm lo bộ đội xuất ngũ, hậu phương Quân đội...".

Bài và ảnh: BẢO NGÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/noi-nguoi-chien-si-tro-ve/tam-long-cua-cuu-chien-binh-do-tan-my-803857