Tấm lòng người Quảng xa quê

Những con người từ Quảng Nam – Quảng Ngãi – Bình Định – Phú Yên sau khi giải tỏa vùng lòng hồ đập Đa Nhim đã tụ hội về xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương lập nghiệp. Vào miền đất mới, họ không chỉ mang theo tiếng nói và những phong tục tập quán của quê hương mà còn mang cả lòng kiên trung và sự chịu thương, chịu khó của người miền Trung để gây dựng cuộc sống tốt đẹp và vẫn luôn canh cánh hình bóng quê nhà.

Rau, củ tươi vừa được thu hái tận vườn được bà con Quảng Lập ủng hộ vùng dịch Quảng Nam

Rau, củ tươi vừa được thu hái tận vườn được bà con Quảng Lập ủng hộ vùng dịch Quảng Nam

Ở Quảng Lập, hơn 80% dân số là người gốc Quảng Nam, bởi vậy 5 thôn của xã đều bắt đầu bằng từ Quảng là: Quảng Tân, Quảng Hiệp, Quảng Hòa, Quảng Lợi, Quảng Thuận. Những ngày này, vùng Quảng Nam – Đà Nẵng đang chống chọi với dịch bệnh. Nhiều khu vực ở Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn… đang trở thành khu vực cách ly, phong tỏa. Người Quảng ở Quảng Lập nôn nao, trông ngóng, mong chờ những tin tức từ quê hương từng ngày. Họ bảo rằng, mỗi buổi sáng, khi các phương tiện truyền thông đưa tin về tình hình nhiễm bệnh ở Quảng Nam, Đà Nẵng, lòng người Quảng ở Nam Tây Nguyên lại thêm rối bời. Họ thương quê hương đang “rối beng” mà thốt lên tiếng lòng “thương quá trời quơi”.

Và rồi, tình thương ấy đã được biến thành hành động. Người dân Quảng Lập sống chủ yếu bằng nghề trồng rau. Mặc dù không có thế mạnh về đất đai, nơi đây chỉ có 778 ha rau thương phẩm xoay vòng, chiếm 70% tổng diện tích toàn xã, nhưng người dân chăm chỉ cần cù, áp dụng nhiều khóa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng rau trên một đơn vị diện tích ở Quảng Lập luôn thuộc nhóm đầu ở xứ rau Đơn Dương. Trong thời điểm quê hương đang cần lắm sự hỗ trợ, chung tay của cả xã hội, khi Ủy ban MTTQ Việt Nam nói chung và các địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng nói riêng đang kêu gọi sự chung tay của cả xã hội để đẩy lùi dịch bệnh, người dân ở Quảng Lập đã đóng góp bằng chính những thứ mình làm ra là rau, củ.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Quảng Lập là cái nôi của phong trào cách mạng địa phương. Ngày 22/8/1998, xã Quảng Lập được Đảng và Nhà Nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Trên mảnh đất này, bài học “lấy dân làm gốc”, chăm lo xây dựng thế trận lòng dân vững chắc vẫn được tiếp nối qua nhiều thế hệ. Để rồi Nhân dân đồng lòng trong công cuộc phát triển kinh tế, bởi vậy Quảng Lập đã về đích nông thôn mới từ năm 2013. Địa phương này luôn là lá cờ đầu ở huyện nông thôn mới Đơn Dương.

Cán bộ UBND xã Quảng Lập lựa và lau khô các loại củ, quả được thu hoạch sau mưa để đảm bảo hàng vận chuyển ra Quảng Nam không bị hư hỏng

Cán bộ UBND xã Quảng Lập lựa và lau khô các loại củ, quả được thu hoạch sau mưa để đảm bảo hàng vận chuyển ra Quảng Nam không bị hư hỏng

Đã 2 lần, người dân xã Quảng Lập ủng hộ tổng cộng 10 tấn rau, củ để đưa lên chuyến xe nông sản nghĩa tình gửi về Quảng Nam. Sau khi xã phát động ủng hộ nông sản hỗ trợ bà con vùng dịch, những nông dân ở Quảng Lập, người chở xe máy, người lái ô tô, thậm chí có nhiều bác nông dân lái hẳn máy cày chở những nông sản vừa thu từ vườn nhà lên xã ủng hộ. Nông sản được hái vào mùa mưa nên cán bộ xã sau khi tiếp nhận tiếp tục lựa, đóng gói kỹ càng để đảm bảo nông sản ra tới nơi vẫn tươi ngon.

Từ Quảng Lập, phong trào ủng hộ đang được các đơn vị, cá nhân trên toàn địa bàn huyện Đơn Dương nhân rộng. Trong thời gian tới, xã Quảng Lập vẫn tiếp tục vận động ủng hộ để chung sức cùng bà con ở Quảng Nam, Đà Nẵng đẩy lùi dịch bệnh.

Dù các loại rau, củ hiện tại đang được bán với giá cao nhưng bà con vẫn không ngần ngại ủng hộ hàng trăm kg kèm lời nhắn gửi rằng “của ít lòng nhiều, mong giúp đỡ được bà con mình đang khó khăn ngoài nớ”. Tiêu biểu có gia đình chị Lê Thị Ngân thôn Quảng Hiệp đã ủng hộ hẳn 1 lứa Su su với số lượng trên 1 tấn. Gia đình anh Trần Quốc Tuấn thôn Quảng Thuận ủng hộ 10 hàng cải thảo. Anh thanh niên Phạm Thành Nam hai lần lái máy cày chở hơn 3 tạ cà tím và rau chất lượng cao vừa thu hái từ vườn lên xã ủng hộ….

Ở Quảng Lập, các chủ vườn thường bán khoán nguyên vườn cho thương lái khi vừa xuống giống. Tuy nhiên, đợt này họ vẫn thương lượng để dành lại một ít ủng hộ. Thậm chí nhiều thương lái khi cắt rau ở các vườn xong cũng đã chuyển một ít nông sản vào xã để “góp thêm tấm lòng gửi bà con vùng dịch”. Chỉ tính riêng các vựa rau trên địa bàn đã ủng hộ hơn 2 tấn rau, củ sau 2 đợt phát động. Nhà xe Tâm Bình chuyên đi hàng tuyến Đơn Dương – Quảng Nam đã chuyên chở miễn phí rau, củ và cả tình thương của những người con ở vùng rau Quảng Lập về với xứ Quảng yêu thương.

Hơn 10 tấn rau, củ tươi từ Quảng Lập được đưa lên chuyến xe nông sản nghĩa tình ra với Quảng Nam

Hơn 10 tấn rau, củ tươi từ Quảng Lập được đưa lên chuyến xe nông sản nghĩa tình ra với Quảng Nam

Những chuyến xe nông sản nghĩa tình từ Quảng Lập ra đến Quảng Nam thường vào 2 – 3 giờ sáng. Lượng rau xanh quý giá ấy nhanh chóng được các đơn vị tiếp nhận và phân phối vào đơn vị đang trực tiếp làm công tác phòng, chống dịch, khu cách ly tập trung, các chốt kiểm dịch và những trường hợp đang điều trị bệnh, các hộ khó khăn trong khu vực bị phong tỏa. Những bức thư cảm ơn được viết bằng tay, qua internet hay mạng xã hội mang theo lòng cảm kích của người dân và chính quyền các địa phương “ngoài Quảng” đã gửi vào bà con ở Quảng Lập. Cứ thế, người Quảng Lập gửi rau, gửi nghĩa tình và cả nguồn sinh lực ra tiếp sức cho vùng dịch. Bà con vùng dịch gửi lại sự an tâm cho những tấm lòng của người Quảng xa hương ở tận Nam Tây Nguyên.

NGỌC NGÀ

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202008/tam-long-nguoi-quang-xa-que-3018227/