Tâm lý thị trường u ám vì thuế, chứng khoán Mỹ đóng cửa trong sắc đỏ
Phố Wall kết phiên trong sắc đỏ, giữa bối cảnh Tổng thống Donald Trump tiếp tục thúc đẩy các biện pháp thuế quan, từ đó làm gia tăng lo ngại về chính sách thương mại của Mỹ….

Kết thúc phiên 11/7, chỉ số Dow Jones mất 0,63% xuống 44.371,51 điểm, S&P 500 giảm 0,33% còn 6.259,75 điểm và Nasdaq trượt 0,22% thành 20.585,53 điểm.
Cổ phiếu Nvidia nhích 0,5%, tiếp tục thiết lập mức cao kỷ lục mới và đưa vốn hóa công ty lên 4.020 tỷ USD. Trong khi đó, Meta Platforms giảm 1,3% sau khi Reuters đưa tin công ty khó có khả năng thay đổi mô hình “trả tiền hoặc chấp thuận theo dõi”, qua đó tăng nguy cơ bị EU áp án phạt và truy tố về hành vi độc quyền.
Cổ phiếu Levi Strauss & Co tăng mạnh 11% nhờ động thái nâng dự báo doanh thu và lợi nhuận cả năm, đồng thời vượt kỳ vọng trong quý.
Cổ phiếu của các nhà sản xuất máy bay không người lái như AeroVironment và Kratos Defense & Security Solutions cũng đồng loạt bật hơn 11% khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth yêu cầu tăng cường sản xuất và triển khai drone.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 15,4 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 18,3 tỷ cổ phiếu của 20 phiên gần nhất.
Tính cả tuần, S&P 500 giảm 0,3%; Dow Jones mất khoảng 1%; Nasdaq giảm 0,1%.
Vào tối ngày 10/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 35% đối với hàng nhập khẩu từ Canada bắt đầu từ tháng tới. Ngoài ra, ông cũng công bố kế hoạch thuế quan đồng loạt từ 15% đến 20% lên hầu hết các đối tác thương mại khác của Mỹ. Tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn khi ông Trump bất ngờ áp thuế 50% lên Brazil và chuẩn bị gửi thư thuế quan sang Liên Minh Châu Âu.
“Việc chính quyền Trump liên tiếp đưa ra các tuyên bố liên quan đến thuế quan với Brazil và Canada đang khiến tâm lý lo ngại trên thị trường gia tăng trở lại”, ông Michael James, chuyên gia giao dịch cổ phiếu tại Rosenblatt Securities nhận định.
Trong thời gian tới, tâm điểm sẽ chuyển sang mùa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2025, với trọng tâm là tác động từ các chính sách thuế quan không nhất quán của Mỹ lên doanh nghiệp. Tuần tới, một số tập đoàn lớn sẽ công bố kết quả bao gồm JPMorgan, Netflix và Johnson & Johnson.
Theo dữ liệu từ LSEG I/B/E/S, giới phân tích kỳ vọng lợi nhuận quý 2 của các công ty thuộc S&P 500 sẽ tăng trung bình 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ đà tăng trưởng mạnh ở nhóm công nghệ. Tuy nhiên, lợi nhuận ở các lĩnh vực năng lượng, hàng tiêu dùng thiết yếu và không thiết yếu dự kiến sẽ suy giảm.
“Chúng tôi cho rằng kỳ vọng hiện tại dành cho lợi nhuận của S&P 500 là hơi thấp. Phần lớn quý 2 đã bị ảnh hưởng bởi bất ổn thương mại và điều này có thể khiến lợi nhuận một số công ty bị biến động”, ông Michael Landsberg, giám đốc đầu tư tại Landsberg Bennett Private Wealth Management lưu ý.
GIÁ DẦU TĂNG MẠNH 2%
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng hơn 2% sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết thị trường dầu toàn cầu có thể đang thắt chặt hơn so với đánh giá hiện tại.
Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 1,72 USD, tương đương 2,5%, lên mức 70,36 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ tăng 1,88 USD, tương đương 2,8%, lên 68,45 USD/thùng. Tính cả tuần, giá dầu Brent tăng 3%, còn WTI tăng khoảng 2,2%.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định rằng nhu cầu dầu toàn cầu đang được hỗ trợ bởi mùa cao điểm của các nhà máy lọc dầu nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại và phát điện. Hợp đồng tương lai dầu Brent giao tháng 9 hiện cao hơn khoảng 1,20 USD so với hợp đồng giao tháng 10, một dấu hiệu cho thấy thị trường đang lo ngại nguồn cung bị thắt chặt trong ngắn hạn.
“Sự thật là nguồn cung đang eo hẹp hơn nhiều so với những gì thị trường từng nghĩ”, ông Phil Flynn, chuyên gia phân tích cấp cao tại Price Futures Group chia sẻ. Theo công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes, các công ty năng lượng Mỹ tiếp tục cắt giảm số lượng giàn khoan dầu khí ở tuần thứ 11 liên tiếp – chuỗi dài nhất kể từ tháng 7/2020, thời điểm đại dịch Covid-19 làm nhu cầu nhiên liệu lao dốc.
Tuy nhiên, bất chấp sự thắt chặt ngắn hạn, IEA vẫn nâng dự báo tăng trưởng nguồn cung trong năm nay, đồng thời hạ triển vọng nhu cầu – ám chỉ khả năng thị trường có thể thừa cung trong trung hạn.
Các nhà phân tích tại Commerzbank cảnh báo: “OPEC+ có thể sẽ nhanh chóng tăng đáng kể sản lượng trở lại. Có nguy cơ thị trường sẽ dư cung lớn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, giá dầu vẫn được hỗ trợ”.
Về dài hạn, OPEC vừa cắt giảm dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong giai đoạn 2026–2029 do triển vọng giảm tốc từ Trung Quốc – theo báo cáo Triển vọng Dầu mỏ Thế giới 2025.