Tầm nhìn chiến lược - kỳ vọng tương lai

Nghị quyết 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII định hướng hợp nhất hai tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk thành tỉnh mới có tên là Đắk Lắk. Với quy mô diện tích tự nhiên 18.000km2 (đạt 226,2% so với tiêu chuẩn), dân số trên 3,3 triệu người (đạt 371,07% so với tiêu chuẩn); có biển, có rừng, có nông nghiệp, công nghiệp và cả 'cửa ngõ' quốc tế sẽ là hình mẫu trong tư duy phát triển. Việc hợp nhất hai tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk không phải là sự cộng gộp mà là sự cộng hưởng kiến tạo tương lai phát triển mới. Khi các hành lang kinh tế Đông - Tây, Bắc - Nam đang được hoàn thiện, vùng đất mới này sẽ là trung tâm phát triển chiến lược ở Nam Trung Bộ - Tây Nguyên.

Kỳ 1: Chủ trương lớn, đồng thuận cao

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII chủ trương hợp nhất hai tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk. Từ nông thôn đến thành thị, miền núi đến miền biển, người dân đều quan tâm đến những thay đổi lớn sắp tới. Chủ trương của Đảng hợp nhất Phú Yên - Đắk Lắk không chỉ đơn thuần là tên gọi hành chính mà còn là sự giao thoa và phát triển. Văn hóa đặc sắc của hai vùng đất - một bên là đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, một bên là miền duyên hải yên bình, giàu bản sắc - trở thành nền tảng để xây dựng một cộng đồng thống nhất, đồng thuận.

Tỉnh Đắk Lắk tổ chức lễ hội đường phố tại TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: CTV

Tỉnh Đắk Lắk tổ chức lễ hội đường phố tại TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: CTV

Mối lương duyên

Lật giở những trang sử vẻ vang của hai tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk, ta dễ dàng nhận thấy mối liên kết bền chặt giữa hai địa phương, nhất là trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ giành độc lập dân tộc.

Ông Tô Tấn Tài (còn gọi là Ama H’Oanh), nguyên Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk, là người con sinh ra và lớn lên ở Phú Yên. Ông Ama H’Oanh sinh năm 1932, tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi. Tháng 9/1949, ông về tỉnh Đắk Lắk để xây dựng và phát triển cơ sở cách mạng trong lòng địch. Từ đó, ông Ama H’Oanh gắn bó, cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng và công cuộc phát triển của tỉnh Đắk Lắk.

Nguyên Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk Ama H’Oanh cho biết, ngày xưa, huyện Cheo Reo (nay là các huyện Phú Thiện, Ayun Pa, Krông Pa… của tỉnh Gia Lai) thuộc tỉnh Đắk Lắk. Trong hai cuộc kháng chiến, quân và dân hai tỉnh Đắk Lắk, Phú Yên nương tựa vào nhau, hỗ trợ nhau. Phú Yên vừa chống địch ở biển, vừa sản xuất, hỗ trợ lương thực, hỗ trợ con người, bổ sung cán bộ cho Đắk Lắk. Từ tình cảm gắn bó, “chia ngọt, sẻ bùi” mà quân và dân địa phương đã có câu ca “Sông Ba chảy xuống Đà Rằng - Ai thương Đắk Lắk cho bằng Phú Yên” và lưu truyền đến ngày nay.

Từ mối lương duyên “Ai thương Đắk Lắk cho bằng Phú Yên”, chủ trương của Đảng hợp nhất Đắk Lắk - Phú Yên nhận được sự đồng thuận rộng khắp. Điều quan trọng nhất lúc này chính là đánh thức và lan tỏa khát vọng phát triển - khát vọng vươn lên từ chính nội lực, văn hóa và con người.

Đã từng cõng trên lưng muối, gạo, các nhu yếu phẩm từ Phú Yên lên Đắk Lắk trong kháng chiến chống Mỹ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn An Vinh luôn khắc nhớ tình đồng chí, nghĩa đồng bào trong những năm tháng gian khổ ấy. Chính sự tương hỗ giữa Phú Yên - Đắk Lắk có núi, có biển và đồng bằng tạo nên thế trận vững chắc từ hậu phương đến tiền tuyến.

“Dựa vào điều kiện, thế mạnh của mỗi địa phương, Đảng đưa ra chủ trương hợp nhất Đắk Lắk - Phú Yên hợp lý cả về quy mô, diện tích, dân số. Đắk Lắk và Phú Yên có khu vực miền núi tương đối tương đồng về điều kiện tự nhiên. Đồng bào Ê Đê là một trong những cộng đồng DTTS có số lượng đông đảo nhất, sinh sống tập trung tại hai tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk. Vậy nên, chúng ta tin tưởng rằng chủ trương hợp nhất này sẽ được Nhân dân của hai tỉnh đồng tình; tình cảm Phú Yên - Đắk Lắk sẽ tiếp tục gắn bó với nhau”, ông Nguyễn An Vinh nhấn mạnh.

Là người từng đứng đầu tỉnh và trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử phát triển quê hương, đồng chí Nguyễn Thành Quang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên đúc kết ra bài học và nhắn nhủ rằng, khơi dậy khát vọng và tinh thần đoàn kết của con người là điều quan trọng nhất lúc này để làm nên sự phát triển cho quê hương. Khi mỗi người đều nuôi dưỡng khát vọng, cả tập thể sẽ trở thành một nguồn sức mạnh to lớn, không gì có thể ngăn cản được. Đoàn kết không chỉ giúp chúng ta vượt qua khó khăn, mà còn là nền tảng để tạo nên những thành tựu. Đó cũng là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam ta như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - thành công, thành công, đại thành công”.

Cảng Vũng Rô của tỉnh Phú Yên. Ảnh: CTV

Cảng Vũng Rô của tỉnh Phú Yên. Ảnh: CTV

Bản sắc văn hóa mới

Cao nguyên Đắk Lắk là trung tâm văn hóa của Tây Nguyên, nơi tiếng cồng chiêng của đồng bào các dân tộc như Ê Đê, M’Nông, Gia Rai ngân vang… Xứ hoa vàng cỏ xanh Phú Yên có điệu bài chòi mộc mạc mà thấm đẫm hồn quê, dân dã mà sâu sắc... Không phủ nhận những khác biệt trong tập quán, ngôn ngữ hay môi trường sống nhưng chính sự đa dạng ấy lại tạo nên một bản sắc văn hóa mới.

Theo bà Đặng Thị Hồng Nga, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo Phú Yên, cộng đồng các dân tộc ở Phú Yên phát triển đa dạng và phong phú với 33 dân tộc, trong đó có 32 DTTS với 60.128 người, chiếm 6,9% dân số toàn tỉnh. Cùng với cộng đồng dân tộc cư trú ở Đắk Lắk lâu đời như: Ê Đê, M’Nông, Gia Rai... góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa địa phương. Âm vang cồng chiêng có thể vang lên cùng tiếng hát bài chòi trong một không gian văn hóa mở. Những tấm thổ cẩm rực rỡ của đồng bào Ê Đê có thể xuất hiện trong khu du lịch biển như một điểm nhấn đầy cá tính... Cũng từ đây, mỗi vùng văn hóa không chỉ giữ được nét riêng mà còn có cơ hội lan tỏa. Với việc xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng, sản phẩm OCOP, làng nghề truyền thống sẽ tạo động lực bền vững cho việc bảo vệ văn hóa trong bối cảnh phát triển liên vùng.

Đắk Lắk - trung tâm của vùng Tây Nguyên có 49 dân tộc anh em cùng sinh sống. Mỗi dân tộc mang trong mình những giá trị văn hóa độc đáo và lâu đời. Không chỉ bảo tồn những di sản văn hóa truyền thống đặc sắc, Đắk Lắk còn là nơi giao thoa của tinh hoa văn hóa từ khắp mọi miền đất nước. Vùng đất này là cái nôi của những áng trường ca bất hủ như: Đam San, Xinh Nhã… Cùng với các lễ hội, phong tục tập quán độc đáo, âm thanh cồng chiêng và những nhạc cụ dân tộc vang vọng đã góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng, rực rỡ của tỉnh Đắk Lắk.

Với góc độ nghiên cứu, quản lý văn hóa, Giám đốc Sở VHTT&DL Đắk Lắk Trần Hồng Tiến cho rằng, Đắk Lắk và Phú Yên có bản sắc văn hóa khác nhau, nhưng khi hợp nhất sẽ mở rộng không gian phát triển, tạo ra thế mạnh của tỉnh mới, nhất là du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Sở VHTT&DL Đắk Lắk phối hợp với Sở VHTT&DL Phú Yên xây dựng các chiến lược phát triển văn hóa, thể thao và du lịch chung cho tỉnh mới phù hợp với thực tiễn.

Khi đại ngàn không còn cách biệt với biển xanh, khi tiếng cồng chiêng vang lên bên cạnh điệu hò bài chòi, chúng ta không chỉ chứng kiến một cuộc hội nhập văn hóa, mà còn đang đặt những viên gạch đầu tiên cho một tương lai phát triển hài hòa và bền vững.

Bà Lê Đào An Xuân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH Phú Yên tin tưởng rằng, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của Nhân dân, Đắk Lắk - Phú Yên không chỉ là một đơn vị hành chính lớn hơn trên bản đồ mà còn trở thành hình mẫu điển hình về sáp nhập thành công. Một địa phương vươn ra biển lớn bằng chính nội lực, bản lĩnh và khát vọng phát triển của người dân hai vùng đất. Đó sẽ là một vùng đất đáng sống, mang chiều sâu văn hóa, lịch sử.

Kỳ 2: Một vùng cây xanh hoa trái sum sê

ANH DŨNG - XUÂN TRIỆU - HOÀI THU

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/chinh-tri/202504/tam-nhin-chien-luoc-ky-vong-tuong-lai-25461ee/