Tầm nhìn của Úc trong vận hành và ổn định giá vàng
Trong thập kỷ qua, Úc từ nhà xuất vàng thứ hai thế giới đã vươn lên vị trí hàng đầu, vượt qua Trung Quốc. Ngay cả trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, đất nước này vẫn có thể duy trì sản lượng vàng và thị trường vàng tương đối ổn định.
Vàng là ngành công nghiệp thiết yếu tại Úc
Sau dịch, nhu cầu của người tiêu dùng đối với vàng gia tăng, không chỉ như một tài sản đầu tư, tích trữ mà thị trường vàng trang sức, bán lẻ cũng đang phục hồi trở lại. Với mức đầu tư của Úc ở mức cao nhất từ trước đến nay vào ngành công nghiệp khai thác vàng, quốc gia này đã sẵn sàng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng này.
Hai năm qua, các nhà sản xuất vàng của Úc đã đạt kỷ lục, với khoảng 321 tấn kim loại quý được sản xuất trong năm tài chính 2021. Dự kiến khối lượng sản xuất sẽ đạt 379 tấn vào năm 2023, các nhà phân tích cho rằng ngành vàng của quốc gia này sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng trung bình kép là 3,5% trong giai đoạn 2021-2025.
Tất nhiên, một số tác động từ đại dịch là không thể tránh khỏi và các số liệu của GlobalData cho thấy sản lượng vàng của Úc chỉ tăng 0,5% vào năm 2020, so với 4,2% vào năm 2019. Tuy nhiên, dù trải qua thời gian các nước đóng cửa biên giới, các lệnh hạn chế, giãn cách xã hội, chính phủ Úc vẫn xác định ngành công nghiệp vàng là ngành công nghiệp thiết yếu của quốc gia, cho phép lĩnh vực khai thác mỏ của Úc không chỉ mở cửa mà những hỗ trợ phát triển còn tương đối bền vững.
Ngân hàng Dự trữ Úc có chức năng duy trì sự ổn định của tiền tệ Úc, trong đó có vàng.
“Đại dịch ít tác động đến hoạt động khai thác ở Úc nói chung, vì đã có phản ứng tương đối nhanh từ chính phủ và các bang quan trọng - đặc biệt là Tây Úc (nơi có tỷ trọng dự trữ vàng lớn nhất với hơn 70%)”, theo David Kurtz, giám đốc phân tích và nghiên cứu khai thác của GlobalData.
Tương tự, Mike Rundus, lãnh đạo Khai thác và Kim loại Châu Đại Dương của EY, cho biết: “Ở Úc, chúng tôi đã thấy phản ứng mạnh mẽ để kiểm soát virus của Chính phủ Liên bang và các công ty khai thác đã hợp tác chặt chẽ với Chính phủ các bang để thực hiện các giao thức phù hợp nhằm giữ cho ngành công nghiệp này luôn hoạt động… Và trên thực tế, tất cả các mỏ vẫn hoạt động.”
Bên cạnh đó, ngân sách thăm dò của chính phủ cũng cao nhất kể từ năm 2012. Chi tiêu cho hoạt động thăm dò vàng được quan tâm đặc biệt, lên tới mức cao nhất trong 10 năm là 359 triệu đô la Úc vào tháng 3/2021. Công ty phân tích S&P Global Platts báo cáo rằng số lượng các cuộc khai thác tại Úc hiện cao kỷ lục, cũng với sự ưu ái đặc biệt dành cho vàng.
Luôn duy trì cung cầu ổn định
Tất cả những điều trên nhằm phục vụ thị trường vàng phát triển trong bối cảnh phục hồi toàn cầu sau đại dịch. Theo Kurtz của GlobalData, động lực chính thúc đẩy thị trường vàng tăng cùng sự hồi sinh sau đại dịch là nhu cầu mua đồ trang sức, vốn có mức thấp nhất trong 6 năm vào quý 2 năm 2020.
“Nhu cầu vàng chủ yếu được thúc đẩy bởi lĩnh vực đồ trang sức vào thời điểm hiện tại, sau sự phục hồi kinh tế đang diễn ra khi tác động của COVID-19 giảm bớt. Trung Quốc và Ấn Độ là những người tiêu dùng chính và sự phục hồi của nền kinh tế của họ đang thúc đẩy nhu cầu trang sức.”
Hội đồng Vàng Thế giới cũng cho rằng năm 2021 là một năm phục hồi thành công đối với đồ trang sức toàn cầu, với nhu cầu “tăng cao” từ Ấn Độ, đặc biệt là nhu cầu trong quý 4 năm 2021 đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2013.
Giám đốc điều hành khu vực của Hội đồng vàng thế giới Andrew Naylor cho biết: “Yếu tố lớn nhất làm nền tảng cho nhu cầu bán lẻ đối với vàng là thu nhập tăng. Khoảng 70% nhu cầu đối với vàng đến từ các thị trường mới nổi, chủ yếu tại châu Á như Trung Quốc là lớn nhất, tiếp theo là Ấn Độ, Đông Nam Á và Trung Đông.”
Theo Perth Mint, một trong những công ty khai thác vàng lớn nhất tại Úc, ngành công nghiệp vàng của Úc luôn duy trì tầm quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia trong suốt hai năm qua. Giám đốc nghiên cứu đầu tư sản phẩm tại Perth Mint, Jordan Eliseo cho biết vàng là một trong những mặt hàng an toàn nhất trong 24 tháng qua.
“Năm ngoái, giá vàng đã có một trong những năm kỷ lục mạnh nhất của nó, tăng khoảng 25% tính theo đô la Mỹ. Nguyên nhân chủ yếu là do đại dịch COVID-19, khiến các sân chơi tài chính khác sụt giảm giá trị nên đã thu hút các nhà đầu tư đến với vàng”.
Minh chứng rõ nhất là dòng vốn đổ vào các quỹ giao dịch trao đổi vàng, bao gồm cả vàng Perth Mint, chứng kiến dòng tiền đổ vào kỷ lục vào thời điểm cao điểm của đại dịch. “Năm nay, giá vàng đã chững lại hơn, mặc dù kim loại quý này có thể tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong danh mục đầu tư của các nhà đầu tư, đặc biệt là do rủi ro lạm phát đang gia tăng trên thị trường.”, Eliseo nói.
Mỏ Boddington – một trong những mỏ vàng lớn nhất ở Úc,vẫn hoạt động đều đặn trong dịch.
Sở dĩ Úc có đủ khả năng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thế giới hậu dịch vì nước này được báo cáo là nước có trữ lượng vàng lớn nhất thế giới vào năm 2021. Một loạt dự án khai thác vàng mới cũng sẽ được triển khai trong những năm tới để nhu cầu không có nguy cơ vượt quá nguồn cung.
Cụ thể, Úc trở thành nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới trong năm 2021. Không chỉ có trữ lượng lớn nhất thế giới, sản lượng vàng của nước này được dự báo sẽ tăng với tốc độ 8% trong những năm tới.
Có nhiều yếu tố tác động đến giá vàng, từ lạm phát và lãi suất, xu hướng trong thị trường tiền tệ, sự phát triển hoặc suy giảm của thị trường chứng khoán, hoạt động của ngân hàng trung ương, cũng như diễn biến địa chính trị,…
Một điều đáng lưu ý đối với ngành công nghiệp vàng đang nở rộ của Úc là, các quặng vàng ngày càng khó khai thác hơn khiến chi phí sản xuất trở nên đắt đỏ hơn. Do đó để đảm bảo giá vàng ổn định, chính phú Úc đã đầu tư đáng kể vào các dự án khai khoáng, đồng thời duy trì giá trị của đồng đô la Úc.
Nhìn chung, để duy trì thị trường vàng vận hành ổn định trong suốt mùa dịch và hậu đại dịch, chính phủ Úc cùng với các doanh nghiệp trong nước đã có sự chuẩn bị từ chính sách cho đến nguồn vốn. Đặc biệt, do được xác định là ngành công nghiệp thiết yếu, dù trong mùa dịch, hoạt động khai thác và sản xuất vẫn không bị “đứt gãy”. Điều này phần nào thể hiện được tầm nhìn của chính phủ nước này trong việc đảm bảo cân bằng cung cầu, chuẩn bị cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhu cầu trên toàn thế giới về vàng tăng cao.