'Tam nông' trong xây dựng nông thôn mới bền vững
Nối tiếp những thành tựu đã đạt từ Nghị quyết (NQ) số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh Long An tiếp tục triển khai NQ số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết này không chỉ tạo nên “cú hích” cho nông nghiệp phát triển mà còn khích lệ nông dân đổi mới nếp nghĩ, cách làm, phát huy vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững và xây dựng nông thôn mới (XDNTM).
Người dân Phát huy vai trò chủ thể
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM, diện mạo nông thôn của tỉnh khởi sắc hơn, đặc biệt là chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao hơn. Để đạt thành quả đó có sự đóng góp rất lớn từ sức dân.
Người dân thể hiện vai trò chủ thể trong quá trình XDNTM trên nhiều lĩnh vực. Người dân là nguồn nhân lực phát triển nông nghiệp, nông thôn, các hoạt động dịch vụ; nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, góp phần làm cho diện mạo nông thôn khởi sắc. Người dân xây dựng, bảo vệ và hưởng lợi từ kết cấu hạ tầng nông thôn; giữ gìn an ninh, trật tự; xây dựng đời sống văn hóa; đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.
Xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ được công nhận đạt chuẩn NTM từ năm 2016. Xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng yếu nhưng với quyết tâm, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nhất là sự ủng hộ của nhân dân, xã có bước phát triển mới, kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, diện mạo nông thôn đổi mới, khang trang hơn.
Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Bình Tịnh - Nguyễn Thành Hải cho biết: Với phương châm “dân là gốc”, Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các ấp đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về XDNTM. Khi triển khai bất cứ công việc gì, cấp ủy Đảng, chính quyền xã đều công khai lấy ý kiến rộng rãi để người dân hiểu và chủ động tham gia phong trào XDNTM.
Ông Bùi Văn Đậu (ấp Bình Hòa, xã Bình Tịnh) chia sẻ: “Gia đình tôi tự nguyện hiến đất, hoa màu trên đất để làm đường giao thông nông thôn. Đến nay, được đi lại trên con đường bêtông rộng rãi, tôi tự hào, vui mừng vì đóng góp một phần công sức cùng chính quyền địa phương XDNTM”.
Bên cạnh đó, nông dân trên địa bàn tỉnh cũng có sự thay đổi về tư duy và trình độ sản xuất, ngày càng chịu khó học hỏi, làm chủ khoa học - công nghệ. Từ khắp các vùng nông thôn trong tỉnh, nơi nào cũng xuất hiện những tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, thực hiện nhiều mô hình kinh tế mang lại thu nhập cao. Nông dân từng bước chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, chú trọng chất lượng và giá trị sản phẩm, sản xuất sản phẩm theo nhu cầu thị trường. Chuyển biến rõ nét nhất là sự thay đổi về tập quán canh tác, nông dân từng bước vượt qua việc sản xuất manh mún, nhỏ, lẻ, tự phát, biết cách liên kết hợp tác để sản xuất nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Gò Gòn (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) đang liên kết với 5 doanh nghiệp để cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu nông sản đầu ra cho các thành viên, tổng diện tích trên 460ha. Thành viên HTX có sự gắn kết chặt chẽ trong sản xuất, cùng tham gia cánh đồng lớn gắn liên kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp Gò Gòn - Trương Hữu Trí, từ khi tham gia cánh đồng lớn, thành viên nhận thấy lợi ích từ việc giảm lượng giống gieo sạ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác, từ đó giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm. Đến nay, toàn bộ diện tích sản xuất của HTX đều sử dụng giống xác nhận, năng suất lúa đạt từ 7-8 tấn/ha”.
Diện mạo nông thôn khởi sắc
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, thực hiện NQ số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, tạo diện mạo mới cho vùng nông thôn. Cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể của tỉnh xác định XDNTM là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH.
Sau hơn 13 năm triển khai, thực hiện, chương trình XDNTM trở thành phong trào rộng khắp trong toàn tỉnh với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự hưởng ứng, đồng thuận của nhân dân. Theo thống kê của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình XDNTM giai đoạn 2021-2025 dự kiến khoảng 171.845,785 tỉ đồng, trong đó, vốn Trung ương hỗ trợ trực tiếp cho chương trình trên 1.101,285 tỉ đồng, còn lại là vốn ngân sách tỉnh, vốn lồng ghép, vốn tín dụng, huy động nhân dân và doanh nghiệp đóng góp.
Từ nguồn vốn huy động được, các địa phương đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi, công trình điện, cơ sở hoạt động văn hóa, trường học, trạm y tế,... tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần cải thiện đời sống.
Đến nay, kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là giao thông nông thôn được tỉnh ưu tiên đầu tư xây dựng, hầu hết hệ thống đường nội xã, liên ấp hoàn thành cứng hóa theo quy định xã NTM. Hệ thống điện được mở rộng, nâng cấp, lưới điện quốc gia về đến vùng sâu, vùng xa, biên giới. Người dân nông thôn được tiếp cận dịch vụ xã hội và hưởng thụ văn hóa. Đời sống người dân nâng lên, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Từ những NQ phát triển “tam nông”, chương trình XDNTM trở thành phong trào có tính lan tỏa mạnh mẽ. Người dân trở thành chủ thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện chương trình XDNTM. Khi ý Đảng và lòng dân hòa chung một nhịp tạo nên sức mạnh nội sinh biến đổi những vùng quê nghèo trở thành vùng quê hiện đại, đáng sống./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tam-nong-trong-xay-dung-nong-thon-moi-ben-vung-a163718.html