Tầm quan trọng dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời

BBK -Thời gian qua, ngành Y tế Bắc Kạn đã triển khai nhiều hoạt động nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực người dân trên địa bàn tỉnh.

 Bổ sung Vitamin A kết hợp uống thuốc tẩy giun đợt 2 năm 2023 cho trẻ em tại Trạm Y tế xã Quân Hà (Bạch Thông).

Bổ sung Vitamin A kết hợp uống thuốc tẩy giun đợt 2 năm 2023 cho trẻ em tại Trạm Y tế xã Quân Hà (Bạch Thông).

Dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời của trẻ được tính bắt đầu từ lúc thai nhi hình thành trong bụng mẹ cho đến khi trẻ tròn 2 tuổi, đây là khoảng thời gian quan trọng nhất đối với sự phát triển toàn diện sau này. Theo các nhà nghiên cứu, dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ đóng góp tới 80% sự phát triển não bộ và dự phòng các bệnh mạn tính khi trưởng thành. Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em ở nước ta trong những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn những yếu tố ảnh hưởng, nhất là sự chênh lệch giữa vùng miền và nhóm dân tộc thiểu số.

Tại tỉnh Bắc Kạn, thời gian qua đã triển khai các hoạt động chương trình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời trên phạm vi toàn tỉnh. Cán bộ y tế thực hiện chương trình dinh dưỡng tại các tuyến đã được tập huấn cập nhật kiến thức chuyên môn thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ, từ đó nắm được các bước triển khai mô hình Chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời. Khuyến khích và hỗ trợ bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ, thực hành bổ sung vi chất dinh dưỡng, quản lý suy dinh dưỡng cấp tính; tổ chức buổi sinh hoạt nhóm hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ nhỏ tại cộng đồng. Từ đó, tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em ở tỉnh Bắc Kạn được nâng lên rõ rệt, tuy nhiên chưa đồng đều giữa các xã vùng thấp và các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tham mưu mở các lớp tập huấn cho cán bộ y tế cơ sở, nhân viên y tế thôn bản về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em. Chỉ đạo các trung tâm y tế, các trạm y tế tham mưu với UBND cấp huyện, UBND cấp xã triển khai đồng bộ các hoạt động nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, như: Hỗ trợ bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ, thực hành ăn bổ sung hợp lý, bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ; theo dõi tăng trưởng, tổ chức cân, đo định kỳ 3 tháng/lần cho trẻ dưới 2 tuổi và 1 lần/năm cho trẻ dưới 5 tuổi; phát hiện, quản lý và điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng cho trẻ 0-72 tháng tuổi.

Từ đầu năm đến nay, Khoa Dinh dưỡng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) tổ chức tập huấn chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho cán bộ y tế tuyến xã được 02 lớp với 80 học viên; hướng dẫn triển khai mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho cán bộ y tế tuyến huyện, xã được 04 lớp với 146 học viên; hướng dẫn quản lý lồng ghép suy dinh dưỡng cấp tính cho cán bộ y tế tuyến huyện, xã được được 07 lớp với 232 học viên.

Cùng với đó, thực hiện khảo sát tình trạng dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh được 1.530 đối tượng. Triển khai 38 mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời tại các xã khu vực III. Qua triển khai hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Bác sĩ CKI. Mai Thị Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn cho biết: Ngay từ đầu năm đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện Chương trình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn tuyến huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện chương trình phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương... Tuy nhiên, để việc triển khai đạt kết quả tốt hơn nữa, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế với cấp ủy, chính quyền địa phương trong tổ chức vận động, truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho phụ nữ và trẻ em./.

Hoàng Chúc (CDC)

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/tam-quan-trong-dinh-duong-1000-ngay-dau-doi-post58546.html