Tâm sự của cô gái trẻ phạm tội vận chuyển thuê ma túy
Biết cầm ma túy là phạm tội nhưng Nguyễn Thị Hướng, SN 1987 ở Thượng Giáo, Ba Bể (Bắc Kạn) vẫn hy vọng rằng biết đâu mình gặp may. Và nếu việc làm của mình không bị phát giác thì 2 triệu đồng tiền công sẽ giúp Hướng có tiền gửi về cho bố mẹ chồng nuôi con hộ.
Đổ lỗi cho hoàn cảnh...
Nếu không có chiếc áo phạm nhân thì nhìn dáng vẻ bề ngoài, chẳng ai nghĩ Hướng là một tội phạm. Mái tóc dài cột gọn gàng và gương mặt rám nắng, Hướng mang đậm nét chất phác của cô gái quê mùa, ấy thế mà… bị bắt quả tang đang vận chuyển 2 bánh heroin, Hướng bị kết án 22 năm tù giam. Những ngày sống trong trại cải tạo, cô đã rất nhiều lần rơi lệ khi nghĩ đến hai đứa con nhỏ đang sống với gia đình chồng ở phương xa. “Đợt ấy con tôi cấp cứu mổ ruột thừa, vì chăm con nên tôi bị chủ đuổi. Việc mất, tiền không có nên tôi đã làm liều”, Hướng kể.
Hy vọng rằng may mắn sẽ đến với mình dù chỉ một lần thôi và điều đó sẽ giúp Hướng có tiền để chăm con đang đau ốm. Hướng đâu ngờ, còn chưa kịp ra tới đường biên thì Hướng đã bị bắt.
Hướng là con gái duy nhất trong một gia đình đông anh em, học hết tiểu học là ở nhà. Ruộng vườn ít, thu nhập lại không có trong khi con cái đông nên các anh của Hướng kéo nhau lên cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng) làm cửu vạn. Hướng ở nhà với bố mẹ một thời gian rồi cũng đi theo các anh lên đó kiếm việc. Chính vì sớm giao tiếp nên Hướng trưởng thành nhanh và tích cóp được vốn tiếng Trung kha khá. Tiếp xúc với những người đàn ông Trung Quốc lúc nào cũng đeo chiếc ví căng phồng, Hướng nuôi ảo tưởng lấy chồng Trung Quốc sẽ được hưởng giàu sang. Hướng quyết định đi bán hàng thuê cho một ông chủ bên kia biên giới. Và cô đã đạt được mong ước của mình khi nhận lời yêu một thanh niên người Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi về chung sống với người đàn ông này và sinh nở được hai đứa con, Hướng phải gửi con về cho bố mẹ chồng nuôi vì công việc ở nơi làm thuê chiếm quá nhiều thời gian khiến cô không thể chăm sóc con được.
Cô cho biết thời gian đầu vợ chồng rất yêu thương nhau, khi đứa con đầu lòng chào đời, giữa hai người vẫn chưa hề xảy ra xô xát. Thế nhưng khi cô mang bầu đứa thứ hai thì tình cảm vợ chồng cũng dần nhạt đi. Chồng cô bắt cô gửi con nhỏ về cho bố mẹ chồng chăm sóc để có thời gian dưỡng thai. Đến khi cô sinh nở xong thì đứa bé cũng được ông bà nội đón về nuôi, nói là để cô có thời gian kiếm tiền xong Hướng có cảm giác bản thân chỉ như người đẻ thuê. “Khi đứa con thứ hai của tôi biết ăn cơm nát, bố mẹ chồng dỗ ngon ngọt rằng cứ gửi con về cho ông bà chăm, ngày nghỉ hay lúc nào nhớ thì về thăm. Thế nhưng khi tôi về thăm thì ông bà tìm cách gây khó dễ. Ông bà bảo tôi kiếm cớ về thăm con để trốn việc. Chồng tôi lại bênh bố mẹ, thế là bất hòa”, Hướng nhớ lại.
Theo lời nữ phạm nhân này thì vì lo sợ xa con lâu ngày sẽ khiến tình cảm có khoảng cách nên cô bàn với chồng thuê cửa hàng để tự chủ buôn bán, có thu nhập cao sẽ có điều kiện để đón các con về nuôi dạy nhưng chồng cô không chấp nhận. Chồng Hướng bảo cứ đi làm thuê như thế này vừa không phải lo bỏ vốn lớn, không sợ nguy cơ thất bát vừa có nhiều thời gian kiếm tiền nuôi được con vừa phụng dưỡng được bố mẹ chồng. Hướng bảo, cô không ngần ngại kiếm tiền đỡ đần bố mẹ chồng mà chỉ lo tình cảm giữa cô với hai đứa con không được khăng khít.
Những xót xa ân hận
“Đã 8 năm rồi tôi không nhận được bất cứ tin tức gì của gia đình. Bố mẹ có khỏe không, các anh chị sống thế nào, nhất là hai con sống ra sao, có được bố chúng quan tâm không,… Tôi không biết một chút gì về chúng cả”, Hướng kể.
Hỏi cô có được gọi điện về cho gia đình không và nếu gọi về thì gọi cho ai, nữ phạm nhân này khẽ lắc đầu, nét mặt buồn rầu: “Tôi được tiêu chuẩn hàng tháng gọi điện về cho gia đình nhưng chẳng biết số điện thoại của ai mà gọi”. Lý do mà Hướng đưa ra là mọi người hay mua sim rác để dùng, đến lúc cô đi tù thì không nhớ được số điện thoại của ai. Còn các con cô thì từ lâu đã sống với ông bà nội ở bên kia biên giới, chưa một lần được về thăm ông bà ngoại nên việc Hướng bị bắt cũng đồng nghĩa với việc hoàn toàn mất liên lạc với hai đứa con.
Về trại giam Quyết Tiến (Bộ Công an) cải tạo ở đội đính hạt cườm, những tháng ngày trong trại giam mới khiến Hướng nghĩ đến gia đình, bố mẹ. Cô bảo những ngày sống ở nước ngoài, vì mải kiếm tiền nuôi con nên cô không có thời gian nào nghĩ đến bố mẹ. Ngay cả những dịp Tết, cô cũng có đôi lúc nghĩ về bố mẹ nhưng rồi nỗi nhớ nhà mau chóng qua đi và thay vào đó là những bận rộn về hai đứa con nhỏ. “Tôi rất ân hận vì vào đây rồi tôi mới có nhiều thời gian để nghĩ đến bố mẹ. Tôi chợt nhận ra rằng từ ngày lấy chồng, tôi mới về thăm quê đúng một lần, ngày đó cũng chẳng mang được gì về báo hiếu bố mẹ”, Hướng kể.
Hướng bảo công việc khiến cô nhớ những ngày làm thuê ở bên kia biên giới. Ngày đó Hướng bán hàng thuê cho một của hàng bán chăn màn, rèm mành nên cũng hay phải cầm đến kim chỉ để sửa những chỗ hỏng hay tuột chỉ. Vì thế mà việc đính hạt cườm với Hướng không gặp trở ngại gì. Hướng bảo cô chỉ mong được một lần gặp người thân hoặc biết tin về cuộc sống của bố mẹ mình. “Từ khi lấy chồng, tôi không liên lạc gì về với gia đình nên cũng không dám đòi hỏi bố mẹ và các anh chị phải quan tâm tới mình. Điều tôi mong mỏi nhất chính là cả nhà đều khỏe mạnh. Trong này tôi sẽ cố gắng cải tạo để được giảm án. Việc đầu tiên sau khi ra khỏi đây là tôi sẽ về nhà, thăm bố mẹ rồi mới quyết định có sang kia với chồng con không”, Hướng tâm sự.
Nữ phạm nhân này hy vọng các con vẫn sống với bố mẹ chồng và họ chưa chuyển đi đâu để cô, khi quay lại vẫn còn cơ hội để gặp các con. “Tôi không dám chắc điều gì sẽ đến với mình ngày ra trại mà chỉ hy vọng thôi. Đó là động lực để tôi cố gắng”, Hướng bộc bạch.
Nghe những lời chia sẻ thầm kín của Hướng, chúng tôi cũng cảm thấy ái ngại cho người phụ nữ này và thầm mong sau khi ra trại, cô ta sẽ gặp lại các con của mình. Hẳn là giờ này, Hướng đang ao ước cho dù sau này có phải lao động vất vả thì cũng sẽ cố gắng để có cơ hội được nhìn thấy con cái khôn lớn và trưởng thành.