Tâm thế xuống xã!

Sau những tâm tư ban đầu, giờ đây rất nhiều cán bộ cấp huyện, thậm chí có cả cán bộ cấp sở, ngành đã chuẩn bị cho một cuộc dịch chuyển xuống cấp xã công tác khi sắp tới sẽ không còn tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện.

Thế nhưng, với không ít người, việc xuống xã dường như mới được xác định là chuyển vị trí công tác, địa điểm làm việc và thay đổi môi trường, chứ chưa có sự chuẩn bị hành trang cho chặng đường công tác mới, khi mà yêu cầu cán bộ phải gần dân, sát dân, hiểu dân được đề cao.

Người quen của tôi là lãnh đạo một phòng chuyên môn cấp huyện, trong buổi cà phê sáng mới đây đã nói rằng: Xuống xã thì phải dễ dàng hơn chứ. Có việc gì đâu mà cứ cuống cả lên. “Nước nổi thì bèo nổi”.

Có thể anh đang nghĩ rằng xuống xã làm việc cũng sẽ như ở huyện, anh em làm việc sao, mình cũng như vậy. Cùng lắm chỉ là thay đổi tên gọi.

Về xã là một cuộc dịch chuyển, không chỉ đòi hỏi phải phát huy tốt hơn năng lực chuyên môn của từng cán bộ, mà còn phải thích nghi với môi trường làm việc mới. Ở đó sẽ không có chỗ cho việc lãnh đạo, chỉ tay giao nhiệm vụ, mệnh lệnh này mệnh lệnh kia, nhưng lại thiếu sâu sát, cán bộ làm sao thì tùy như từng xảy ra ở một số địa phương mà báo chí phản ánh.

Trong đội ngũ cán bộ cấp huyện hiện tại có nhiều người kiến thức tốt, trình độ cao. Thế nhưng khi làm việc ở cấp trung gian với yêu cầu công việc không quá cụ thể, chi tiết, thường mang tính chỉ đạo, định hướng,... là chính, nên cũng không đòi hỏi sự khắt khe, gắn bó theo kiểu cầm tay chỉ việc cho lắm. Nhưng khi xuống xã, trước yêu cầu phải gần dân, sát dân, rõ địa bàn, giải quyết trực tiếp những sự vụ liên quan trực tiếp đến công dân, đòi hỏi những cán bộ này cần phải có thêm những kỹ năng khác và phải thích nghi nhanh với môi trường làm việc, yêu cầu công việc mới. Họ không chỉ phải thay đổi cách tiếp cận công việc, thái độ làm việc, mà còn phải thay đổi sự ứng xử với các đối tượng phải tiếp xúc trong công việc...

Nói về yêu cầu này, mới đây Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội Tạ Văn Hạ nêu quan điểm: “Như anh là địa chính thì phải rõ từng thửa ruộng, cánh đồng; hay làm công tác xã hội phải rõ, phải hiểu được từng thôn, thậm chí đến từng dòng họ trên địa bàn. Nếu như anh không thích nghi được thì phải đứng sang một bên”.

Cán bộ huyện xuống xã phải thích nghi, nếu không sẽ “đứng sang một bên”. Nghe thì có phần gay gắt, nhưng có lẽ đó là thực tế yêu cầu của việc tuyển chọn cán bộ xã sắp tới. Những người có trình độ, năng lực và kinh nghiệm thực tiễn sẽ là ưu tiên lựa chọn, chứ không đơn giản chỉ là giải thể đơn vị hành chính cấp trên, thì cơ học chuyển cán bộ xuống cấp dưới.

Mỗi cán bộ hãy xác định cho mình một hành trang, tâm thế kỹ càng, để “về xã” bắt tay ngay vào làm việc.

Hạnh Nhiên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tam-the-xuong-xa-249107.htm