Tâm thức di dân góp phần hình thành văn hóa con người Đà Lạt (Kỳ 2)
Từ đô thị nghỉ dưỡng của người Pháp trong thời kỳ thuộc địa đến 'Thủ đô Hoàng triều cương thổ' của chính phủ Bảo Đại, đến những giai đoạn lịch sử tiếp theo, đó là một quá trình biến động của lịch sử, lý do tạo nên những dòng hợp cư đến với Đà Lạt. Thuở xa xưa, giữa cao nguyên mênh mông chỉ có những bộ tộc đồng bào thiểu số sinh sống, hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài. Đời sống của họ giản dị, tự nhiên, gần gũi với thiên nhiên. Bỗng một ngày, không gian ấy được đánh thức, người muôn phương về đây tụ hội.
SƠ ĐIỂM CÁC CỘNG ĐỒNG CƯ DÂN
Xin được sơ điểm về các cộng đồng cư dân Đà Lạt trong các thời kỳ trước:
Nhóm người K’Ho (các nhánh Lạch, Chil, Srê): Tộc người thiểu số cư trú từ lâu đời giữa xứ sở này nhưng họ không quen làm cư dân đô thị nên các nhà hoạch định đã gợi ý cho họ lùi về với thế giới thâm trầm cố hữu của đại ngàn để thủy chung lưu giữ lẽ sống của rừng. Họ nhường phần đất đai phì nhiêu bên những nguồn nước mát lành cổ xưa cho phố, cho đồng bào từ mọi miền quê, mọi vùng đến nơi này tụ cư lập làng, lập vườn mưu sinh, sinh con đẻ cái. Hiện tại, người thiểu số sinh sống tập trung tại xã Tà Nung và Măng Lin (phường 7); một bộ phận hiện cư trú tại huyện Lạc Dương.
Nhóm người Hoa: Vào những năm đầu thế kỷ XX, những thương nhân người Hoa bắt đầu đến Đà Lạt sau khi có đường xe lửa Đông Dương đi qua chặng Tháp Chàm (Ninh Thuận). Từ Tháp Chàm, họ thường mang hàng hóa lên buôn bán với cư dân vùng rừng núi Lang Bian. Về sau, một số người trong số đó đã định cư lâu dài tại phố núi này. Theo các tư liệu cũ, đến năm 1935, số người Hoa định cư tại Đà Lạt là 333 người; năm 1999 có 1812 người và đến năm 2009 thì có 1665 người. Người Hoa sống tập trung ở phường 1, phường 2, xã Xuân Trường và rải rác ở một vài phường khác.
Nhóm người Pháp: Đà Lạt ra đời từ ý đồ của thực dân nên sự xuất hiện các “ông chủ” Pháp tại Đà Lạt là lẽ đương nhiên. Từ năm 1935, tổng số người Pháp tại Đà Lạt là 470 người; con số đó tăng dần vào các năm như 1940 là 750 người, 1944 có 1130 người, 1952 là 1217 người. Do biến động của chiến tranh, đến năm 1955 số người Pháp còn ở lại Đà Lạt là 608 người. Từ 1954, cộng đồng người Pháp một đi không trở lại.
Nhóm người Kinh: Đông đảo nhất là nhóm cư dân người Kinh đến sớm, lập những làng, ấp đầu tiên của Đà Lạt như làng Đa Lạc, hình thành trước năm 1920; ấp Tân Lạc và ấp Xuân An, hình thành năm 1920; ấp Đa Lợi và làng Đa Phú cũng hình thành trước năm 1930. Các làng, ấp này ra đời bởi các nhóm cư dân đến từ miền Trung lên làm nghề buôn bán, xây dựng, cưa xẻ gỗ, trồng rau, làm gạch và làm công trong các cơ sở của người Pháp.
Chúng tôi cũng xin dẫn thêm về lịch sử hình thành một vài khu dân cư người Kinh, ví như:
Các làng Trường Xuân, Trạm Hành, Xuân Sơn: Năm 1922, Sở trà Cầu Đất thành lập. Đến cuối năm 1927, ông Nguyễn Đình Sung cùng 10 người khác (Trương Tiến Đức, Nguyễn Lục Trạch, Hoàng Trí, Huỳnh Thân, Tô Thế Lộc, Lưu Trọng Nhơn, Võ Hòa, Kiều Bút, Hồ Thông, và Trần Mạnh Trung) đứng ra xin chính quyền đương thời thành lập làng Trường Xuân và làng được công nhận chính thức vào ngày 23/4/1929. Cũng trong năm 1927, năm người khác là các ông Nguyễn Khoa Đài, Trần Vinh, Lương Tùng, Đỗ Hoặc và Nguyễn Khoa Huy đứng đơn xin lập làng Trạm Hành. Làng Xuân Sơn được các ông Nguyễn Danh, Nguyễn Xin, Bùi Văn Pháp, Phùng Liên xây dựng và được công nhận vào năm 1946…
Làng Hà Đông: Năm 1936, triều đình Huế lập tại Đà Lạt một cơ quan hành chính đại diện cho người Việt bên cạnh Tòa Đốc lý của Thực dân Pháp. Vị Quản đạo đầu tiên của Đà Lạt là quan tứ phẩm Trần Văn Lý. Ông Lý sớm nhận thấy vùng đất màu mỡ này còn hoang sơ chưa được khai phá, khí hậu mát mẻ, thích hợp cho việc sản xuất các loại rau, hoa. Trong khi đó, nhu cầu về thực phẩm tươi sống thì ngày càng tăng. Vì vậy, quan Quản đạo đưa ra sáng kiến lập ấp trồng rau và hoa tươi cung cấp cho nhu cầu tại chỗ. Người Pháp đồng ý, ông Lý đã đề nghị Tổng đốc Hà Đông kiêm Chủ tịch Ủy ban tương tế xã hội trung ương Bắc Kỳ Hoàng Trọng Phu về việc mộ dân. Nhận lời đề nghị trên, Tổng đốc Hoàng Trọng Phu đã lệnh cho ông Lê Văn Định, Thương tá canh nông tỉnh Hà Đông, xây dựng kế hoạch và thực hiện di cư dân từ Hà Đông vào khai hoang lập ấp tại Đà Lạt. Sau các bước chuẩn bị, ngày 31/5/1938, nhóm đầu tiên gồm 35 người đã đặt chân lên đất Đà Lạt. Đầu năm 1939 có thêm 19 người vào và từ năm 1940 đến 1942 lại có thêm 47 người nữa.
Ấp Thánh Mẫu: Sau Hiệp định Genève 1954, một bộ phận giáo dân thuộc Giáo phận Vinh di cư vào Nam, trong đó có đồng bào Công giáo xứ Nghĩa Yên (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Theo gợi ý của những người đồng hương (như các ông Đinh Tạo, Đinh Nghị…) đã định cư trước tại Đà Lạt, Linh mục Phêrô Mạnh Trọng Bých cùng nhóm cư dân Nghĩa Yên đã đến Đà Lạt tìm đất an cư. Với sự hỗ trợ của chính quyền sở tại, khu định cư được chọn là vùng đất trồng cây giống rộng khoảng 37 mẫu ở phía thượng lưu hồ Vạn Kiếp vốn là Trại Canh nông của một Pháp kiều. Ngày 24/9/1955, đoàn người công giáo Nghĩa Yên đã có mặt tại quê hương mới Đà Lạt sau một chặng hành trình từ Phan Thiết lên bằng xe lửa. Đoàn người ấy ban đầu có 73 gia đình với 360 người già trẻ. Trại định cư Thánh Mẫu mà sau này là ấp Thánh Mẫu đã ra đời từ đó…
Ở Đà Lạt, người Kinh các tỉnh nam Trung Bộ (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định…) đã lập nên các làng nói trên rồi cư dân đến từ các tỉnh miền Bắc, Nghệ An, Hà Tĩnh đã lập nên các ấp Hà Đông (1938), Nghệ Tĩnh (1940), Đa Thiện (1953), Thánh Mẫu (1955) rồi người dân gốc Thừa Thiên Huế đến lập làng sống tập trung ở các ấp Ánh Sáng, Đa Thuận, Đa Thành, Thái Phiên (những năm 1930 -1940)…
Nhìn chung, các nhóm cư dân đến Đà Lạt định cư với mục đích khác nhau, nhiều dạng khác nhau và từng thời điểm khác nhau nhưng về cơ bản, họ đã sống hòa nhập vào cộng đồng người Việt đến từ nhiều nơi trên đất nước Việt Nam và cộng đồng cư dân thiểu số bản địa.
* * *
Để hiểu thêm về tâm thức di dân - tâm thức lưu dân, chúng ta cùng thử trôi dòng cảm xúc về tháng ngày xưa cũ để hình dung về cuộc sống dân di cư ngày ấy:
Dù không sống cùng thời, nhưng không khó để chúng ta phân tuyến. Ở trên tầng cao nhất đô thị, giữa những đồi thông mơ mộng và hoa viên tươi tốt là những tòa dinh thự sang trọng, là vùng ánh sáng phồn hoa. Ở nơi ấy lộng lẫy màu vàng của Hoàng triều, màu kim cương lấp lánh của quan binh “nước Mẹ”. Những nếp triều phục quyền quý, những bộ Âu phục sang trọng, những bước chân dìu dặt trong giai điệu dương cầm và thoảng thơm mùi hương sâm banh. Cũng là phố, nhưng chỉ cách mấy vòng đường dốc, bên mép các hồ kéo đến triền núi, là những ngôi nhà tre nứa nép vào nhau, tựa vào nhau trong chìm đắm bóng tối và không gian buốt giá. Thân phận nông phu lưu lạc xác xơ. Cùng cảnh với đồng bào rên xiết khổ đau khắp ba miền thời nước nhà nô lệ, người dân nghèo Đà Lạt thuở ấy cũng tồn sinh trong kiếp tôi đòi. “Annamite hèn hạ” là cách mà người Pháp đã miệt thị dân mình. Lưu dân và dân di cư mọi miền đến Đà Lạt cũng không ngoại lệ.
Di dân - họ là ai, họ từ đâu đến và dựng nên xứ sở này? Đó là những kiếp người thuở ấy mong manh, yếu đuối, nhẫn nhịn, mặc cảm. Ngoại trừ một số ít công chức, thầu khoán hay thương nhân, hầu hết họ là những kẻ bị lưu đày, là culi, là phu phen, tạp dịch, là nông phu tìm đất mới mưu sinh. Chiếc bồng vải vá víu chứa dăm nắm hạt giống, vài manh khố rách áo ôm, vài đồng chinh xèng. Họ gánh nền văn minh làng xã cố xứ, gánh bài vị tổ tiên, gánh sự nặng nhọc của kiếp người ra đi với những niềm hy vọng mong manh. Trong cái lạnh lẽo hoang liêu mùa sương tháng giá, những con người cô hành lưu lạc ấy đã phải chống chọi nỗi nhớ quặn thắt về cố hương, dòng tộc, nhớ túp lều tranh bốn mặt gió lùa, nhớ ruộng vườn thân thuộc, nhớ cây đa, bến nước, lũy tre làng, dòng sông xứ sở. Đất mới liệu có bao dung khi những mảnh đời thấp hèn ấy phải chống chọi với thú dữ, với những trận dịch bệnh kinh người?! Họ còn phải đối diện với sự áp bức, kỳ thị của người phương Tây, những giới chủ thực dân, quan lại Nam triều.
Dù lịch sử đã lê bước chân qua thành phố này hơn một thế kỷ, nhưng vẫn thấy xót xa khi đọc lại nội dung mà quyền Thị trưởng Đà Lạt Léon Garnier phúc trình lên Khâm sứ Trung kỳ Pierre Pasquier tháng 3/1924: “Trong chuyến viếng thăm Đà Lạt vừa qua cùng kiến trúc sư Hébrard, ngài đã trực tiếp nhìn thấy sự cần thiết phải tống khứ những căn nhà của người bản xứ đang nằm ngay vị trí của ngôi chợ tương lai”. Trước đó, O’Neill, người thực hiện đồ án quy hoạch Đà Lạt năm 1919 cũng đã dành cho dân Việt sự đối xử khinh miệt: “Khu vực bản xứ phải nằm cách xa hẳn khu vực người Âu. Vì thế, địa điểm đã được định sẵn ở ven suối Cam Ly, dưới hạ lưu đập chắn hồ…” Văn khố lưu trữ đã kể lại thảm kịch vỡ chính con đập này vào tháng 3/1932 làm cho ngôi làng người Việt bị trôi và 17 cư dân thiệt mạng mà chính quyền thực dân không đoái hoài thương xót…
(CÒN TIẾP)