Tâm và thế Quân Chu

Quân Chu, tên địa danh vùng đất ấy của Đại Từ có từ lâu lắm rồi. Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì hơn 500 năm trước, nhà Mạc trong cuộc hành tiến lên phía Bắc kinh thành Thăng Long đã cho phép lập chùa Thiên Trúc để cầu phước cho bách tính.

Quân Chu, tên vùng đất ấy của Đại Từ có từ lâu lắm rồi. Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì hơn 500 năm trước, nhà Mạc trong cuộc hành tiến lên phía Bắc kinh thành Thăng Long đã cho phép lập chùa Thiên Trúc để cầu phước cho bách tính. Còn vào những năm bốn mươi, bốn tư của thế kỷ XX, một đốm lửa cách mạng đã nhen tại căn cứ Lán Than nơi lưng núi… Những câu chuyện như thế góp phần tạo dựng một tâm thế cho Quân Chu cả trước đây lẫn bây giờ.

Thị trấn Quân Chu dưới sườn Đông Tam Đảo.

Thị trấn Quân Chu dưới sườn Đông Tam Đảo.

Huyện Đại Từ nằm ở chân sườn Đông Tam Đảo bốn mùa xanh tươi, Quân Chu là một điểm nhấn, điểm nhấn ấy mang tâm, tầm và thế cho cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Cũng nên nhắc việc sáp nhập xã Quân Chu vào thị trấn Quân Chu thành đơn vị hành chính mới theo Nghị quyết của Quốc hội vào đầu năm 2023 là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, gắn liền với thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm chi ngân sách; tạo sự bền vững trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của địa phương, tạo ra vị thế và tầm vóc mới cho Quân Chu.

Thị trấn Quân Chu có diện tích tự nhiên 53,18km2, dân số 8.769 người, nằm phía Nam huyện Đại Từ, cận kề TP. Phổ Yên, TP. Sông Công và TP. Thái Nguyên, cùng những điều kiện đang hết sức có giá trị.

Toàn bộ chiều dài phía Tây thị trấn Quân Chu dựa lưng vào dãy Tam Đảo điệp trùng. Tam Đảo tạo nguồn nước sạch và vùng tiểu khí hậu trong lành, mát mẻ nên lúa và cây công nghiệp phát triển tốt, năng suất cao.

Dưới chân núi rất thuận lợi cho phát triển du lịch, nghỉ dưỡng. Lưng núi đang hiện hữu cả Thiền viện (nơi giảng về Phật pháp), chùa Trúc Lâm (nơi tu tâm hành đạo) và Di tích lịch sử Nơi thành lập và hoạt động của Trung đội Cứu quốc quân Phạm Hồng Thái thời tiền khởi nghĩa. Một địa điểm mà hội tụ cả đạo - đời như thế thật là hiếm có…

Xin dành ít dòng để nói về Thiền viện Trúc lâm Tây Trúc, ngôi chùa Tây Thiên Trúc hơn 500 năm tuổi và Di tích lịch sử nơi thành lập Trung đội Phạm Hồng Thái ngót 80 năm trước, những điểm nhấn tạo tâm thế Quân Chu. Dãy Tam Đảo điệp trùng có điểm xuất phát từ núi Hồng, xuôi dần và kết thúc ở khu vực TP. Phổ Yên (Thái Nguyên), Sóc Sơn (Hà Nội). Ba ngọn núi cao nhất trong dãy có chóp đỉnh 1.143m; sườn phía Tây thuộc Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, còn sườn Đông chủ yếu thuộc Thái Nguyên.

Hơn 500 năm trước, võ tướng Mạc Đăng Dung giành ngôi từ Lê Cung Hoàng (Hậu Lê) tháng 6 năm 1527, nhưng nhà Mạc tồn tại trong thời gian không dài, trong đó nhiều năm lập cứ ở các tỉnh miền núi, ngoài xây thành, đắp lũy. Thời nhà Mạc là giai đoạn phát triển giáo dục, giao thương, văn hóa, dựng nhiều ngôi chùa, chủ đạo trong tu hành là thiền phái Trúc Lâm.

Liền kề Thiền viện, trên độ cao chừng 300m là Nhà bia di tích Nơi thành lập Đội Cứu quốc quân Phạm Hồng Thái, di tích lịch sử cách mạng có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng… Ông Vũ Xuân Thuận, người tự nguyện lên tu bổ và làm chủ nhang tại chùa Tây Thiên Trúc từ nhiều năm nay, bảo: Căn cứ Lán Than của Trung đội Phạm Hồng Thái nương náu chủ yếu tại ngôi chùa cổ. Hơn 40 năm trước, thấy ngôi chùa nằm giữa rừng này xuống cấp, có nguy cơ hoang phế nên tôi tự nguyện làm chủ nhang bảo vệ và tu bổ.

Hiểu giá trị của di tích lịch sử cách mạng, biết ngôi chùa báu nằm trong cụm chùa Tam Đảo, từ năm 2014, được sự cung thỉnh của các cấp chính quyền, đoàn thể và phật tử, nhà sư Thích Kiến Nguyệt (Trụ trì chùa Tây Thiên bên Vĩnh Phúc) đã đề nghị, được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên và huyện Đại Từ lập dự án tôn tạo chùa, xây dựng Thiền viện Trúc lâm Tây Trúc.

Thầy Thích Thiện Phúc, người đang hàng ngày trông nom nơi Thiền viện và Đại đức Thích Huệ Chương cho rằng: Với điều kiện hiện tại, Thiền viện có thể đáp ứng nhu cầu tu tập lớn hơn của nhân dân.

Thiền viện Trúc lâm Tây Trúc đang được xây dựng Chánh điện, Nhà Tổ.

Thiền viện Trúc lâm Tây Trúc đang được xây dựng Chánh điện, Nhà Tổ.

Ông Đặng Hoàng Nhâm, Chủ tịch UBND thị trấn Quân Chu, chia sẻ: Tầm vóc của Quân Chu đã mới, chúng tôi sẽ tập trung nguồn lực, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương; thu hút các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng dịch vụ - thương mại, tạo kết nối và giao lưu phát triển, tạo điều kiện thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành Công nghiệp, Dịch vụ - thương mại, giảm tỷ trọng ngành Nông nghiệp. Đặc biệt, các dự án trọng điểm như: Tuyến đường liên kết các tỉnh Thái Nguyên - Vĩnh Phúc - Bắc Giang; các dự án dân cư, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái được triển khai, sẽ là bước đột phá thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam huyện Đại Từ.

Mục tiêu là xây dựng thị trấn Quân Chu đáp ứng các yêu cầu phát triển, thực sự trở thành đô thị phát triển trong tương lai, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phía Nam của huyện; giải quyết những khó khăn trong công tác quản lý địa giới hành chính, mở rộng không gian đô thị của thị trấn, tăng nguồn thu và giảm tải gánh nặng ngân sách Nhà nước, giúp địa phương tập trung được nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng đồng bộ, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của người dân trên địa bàn. Đây là cơ sở, tiền đề để huyện Đại Từ xây dựng huyện nông thôn mới, cơ bản đạt các tiêu chí thị xã vào năm 2025 và phấn đấu trở thành thị xã vào năm 2030.

Quân Chu hôm nay đã khoác trên mình tấm áo khang trang, tươi sáng, người dân vui mừng, phấn khởi vì những lợi ích thiết thực mà Chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại, cũng như tiềm năng phát triển từ đô thị Quân Chu được mở rộng.

Sự chung sức, đồng lòng giữa “ý Đảng, lòng dân” sẽ là động lực quan trọng để khích lệ Đảng bộ và nhân dân các dân tộc thị trấn Quân Chu phấn đấu đạt nhiều kết quả cao hơn. Thị trấn Quân Chu cuối huyện Đại Từ về phía Tây nhưng lại tiếp giáp với 3 thành phố phía Đông, Nam là TP. Phổ Yên, TP. Sông Công và TP. Thái Nguyên, với tài nguyên rừng, đất, nước; có khu sinh hoạt tâm linh, di tích lịch sử; có đường liên kết vùng đi qua và nhiều dự án lớn… đã đủ điều kiện để phát triển.

Một Quân Chu giàu truyền thống và tươi đẹp đã hiện hữu và có một tương lai tươi sáng. Bởi vùng đất này có nội lực và nhiều thế mạnh: Đất và rừng, nguồn nước, chè, không gian dành cho du lịch, nghỉ dưỡng; địa chính trị tốt và quan trọng hơn cả là con người Quân Chu hiền hòa, năng động.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/dat-va-nguoi-thai-nguyen/202310/tam-va-the-quan-chu-9c01b0b/