Tấm vé vào đại học 'nặng' đến mức nào?
Vào tháng 11 hàng năm, có khoảng nửa triệu học sinh Hàn Quốc tham dự thi tuyển sinh đại học, được gọi là 'Suneung' theo tiếng Hàn hoặc tên gọi tiếng Anh là CSAT. Thi vào các trường top đầu là một áp lực khó khăn nhất đối với các gia đình và học sinh. Mọi hy vọng của xã hội, gia đình và bản thân các học sinh đều đặt trọn vào kỳ thi đại học với quan niệm cho rằng, kết quả thi quyết định thu nhập và thậm chí cả cuộc đời sau này của một người.
Kỳ thi "sống còn"
Kỳ thi Suneung, kỳ thi "sống còn" đối với hầu hết các gia đình, chính là biểu tượng của nền giáo dục cạnh tranh khốc liệt của Hàn Quốc. Chỉ diễn ra trong một ngày kéo dài từ sáng tới gần tối, kỳ thi sẽ bao gồm các môn thi tiếng Hàn, tiếng Anh, Toán, Lịch sử, các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và có thể tự chọn môn Ngoại ngữ 2 (tiếng Đức, Pháp, Nga, Trung, Nhật, Tây Ban Nha, Ảrập hoặc tiếng Việt). Trong hơn 8 giờ thi, sĩ tử được nghỉ giữa giờ 3 lần, mỗi lần 20 phút và gần 1 tiếng ăn trưa. Các môn thi được bắt đầu lúc 8 giờ 30 phút và kết thúc trước 18 giờ trong ngày.
Vào khoảng thời gian chuẩn bị diễn ra kỳ thi, các bậc phụ huynh sẽ đến ngôi đền lịch sử Jogyesa, tại quận Jongno ở trung tâm Seoul, để cầu nguyện cho con em mình đỗ đạt. Không chỉ những phụ huynh đang cầu nguyện và những học sinh đang căng thẳng mới cảm nhận được áp lực của cuộc thi mà cả xã hội Hàn Quốc đều cảm nhận được sự áp lực đó. Chẳng hạn, vào ngày thi, các văn phòng, ngân hàng, thị trường chứng khoán mở muộn hơn một giờ để tránh tắc đường. Máy bay sẽ không được cất cánh và nhiều phương tiện di chuyển khác cũng phải thay đổi lộ trình, các hàng quán không mở cửa... để tránh tạo tiếng ồn ảnh hưởng đến các thí sinh. Chính vì thế, ngày diễn ra kỳ thi Suneung còn được mệnh danh là "ngày yên lặng nhất" tại Hàn Quốc.

Các thí sinh Hàn Quốc dự thi đại học ở Seoul. Ảnh: AFP
Để với tới “cơ hội đổi đời” ấy, những học sinh Hàn Quốc đã phải cố gắng vượt qua rất nhiều khó khăn trên đường đua tri thức khổng lồ. Ngay từ khi 6 tuổi, họ đã phải nhận thức rất rõ về con đường học tập và trung bình học sinh Hàn Quốc bắt đầu ôn thi đại học từ 13 - 14 tuổi. Một ngày của một học sinh sẽ bắt đầu từ sáng sớm và có thể kéo dài đến nửa đêm, với những ca học triền miên tại lớp học và tại các “lò luyện thi”.
Người Hàn Quốc còn quan niệm “tứ lang ngũ lạc”, tức là ngủ 3 tiếng thì bạn có cơ hội vào bộ ba SKY (3 trường đại học danh tiếng nhất Hàn Quốc gồm: Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Hàn Quốc và Đại học Yonsei), ngủ 4 tiếng thì có thể vào các trường đại học khác còn nếu ngủ 5 tiếng thì chỉ có đỗ đại học “trong mơ”. Việc được ghi danh vào một trong bộ ba SKY sẽ trở thành một bước ngoặt lớn trên con đường tri thức và cơ hội sẽ dành cho tất cả các thí sinh, hoặc bạn sẽ thắng, hoặc bạn sẽ phải trao phần thắng đó cho thí sinh khác. Chính vì thế, phần lớn các bạn học sinh đều rất áp lực về điều này.
Tại sao kỳ thi Suneung lại quan trọng?
Kỳ thi đại học được đặc biệt coi trọng ở Hàn Quốc nói riêng và nhiều nước châu Á nói chung bắt nguồn nhiều yếu tố văn hóa, kinh tế và xã hội.
Đầu tiên, là ảnh hưởng của chủ nghĩa tinh hoa học thuật và coi giáo dục đại học là con đường để đạt được địa vị xã hội. Truyền thống này đã ăn sâu vào văn hóa Hàn Quốc, khiến việc học đại học trở thành "cửa ải" bắt buộc để được công nhận.
Thứ hai, cánh cửa đại học được coi là điều kiện tiên quyết để bảo đảm một công việc lương cao sau này. Bằng đại học được xem như "tấm vé" bảo đảm thu nhập ổn định và thoát khỏi lao động chân tay. Hàn Quốc thậm chí còn có một câu tục ngữ đề cập đến điều này là: "Rồng bay lên từ dòng suối nhỏ" - ám chỉ một người trẻ có xuất phát khó khăn nhưng có thể thay đổi cuộc đời. Tấm bằng đại học sẽ tạo cơ hội công việc ở văn phòng và quyết định địa vị xã hội sau này của một người.
Bên cạnh đó, các tập đoàn lớn (chaebol) như Samsung, Hyundai thường ưu tiên tuyển dụng nhân viên từ những trường đại học thuộc bộ ba SKY. Theo SCMP, học sinh Hàn Quốc phải bắt đầu ôn thi đại học từ rất sớm để đạt mục tiêu thi đỗ vào trường đại học danh giá nói trên. "Một số sinh viên cảm thấy việc tốt nghiệp từ các trường đại học khác không có ý nghĩa. Đây cũng là quan niệm của cả xã hội", Ty Choi, giáo sư tại Đại học Ngoại ngữ Hankuk nói về bộ ba trường đại học hàng đầu Hàn Quốc.
Cũng bắt nguồn từ văn hóa coi trọng cấp bậc trong xã hội, việc học tại các trường đại học danh tiếng sẽ định hình danh tính cá nhân và vị thế của gia đình. Nhất là đối với phụ nữ, đại học là cách để thoát khỏi khuôn mẫu truyền thống, khẳng định năng lực và độc lập tài chính. Vì vậy, phụ huynh sẵn sàng đầu tư lớn vào việc học thêm và thuê gia sư cho con em mình, họ coi đó là trách nhiệm và niềm tự hào.
Với những lý do trên, kỳ thi Suneung trở thành sự kiện đặc biệt quan trọng trong cuộc đời mỗi người Hàn Quốc kể từ khi bắt đầu được tổ chức vào năm 1994. Nhưng hiện nay, đã có những nghi ngờ về hiệu quả của kỳ thi khi xuất hiện những hệ lụy khó lường. Một trong những hệ lụy đó là cuộc đua dạy thêm và tình trạng mọc lên tràn lan các lò luyện thi.