'Tân binh' xe điện đang tăng tốc

Ngành xe điện Việt Nam đang chứng kiến sự hội tụ mạnh mẽ của các yếu tố như chính sách ưu đãi từ Chính phủ, nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng và sự đổi mới công nghệ nhanh chóng. Tất cả những yếu tố này đã tạo nền tảng vững chắc cho các dự án đột phá định hình tương lai của ngành công nghiệp ô tô.

“Tân binh” xe điện tăng tốc

Mặc dù mới xuất hiện tại Việt Nam vài năm trở lại đây, thế nhưng các dòng xe điện, bao gồm cả các dòng xe máy điện và ô tô điện đã giành thị phần nhanh chóng, thậm chí có thời điểm còn áp đảo so với các dòng xe sử dụng nhiên liệu truyền thống.

Đối với xe máy điện, báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, doanh số tiêu thụ xe máy điện tại Việt Nam đã tăng khoảng 30% - 35% trong những năm gần đây, đưa Việt Nam trở thành thị trường xe máy điện (E2W) lớn nhất khu vực ASEAN và lớn thứ 2 toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc.

Trong khi đó, báo cáo của Bộ Giao thông vận tải tiết lộ, năm 2023, cả nước có 75 triệu xe máy, trong đó riêng phân khúc xe điện đạt 2,3 triệu chiếc.

Đối với ô tô điện, theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, nếu như năm 2020 chỉ có 6 chiếc ô tô điện được nhập khẩu vào Việt Nam, thì sang năm 2021 con số này đã tăng lên 33 chiếc, năm 2022 là 113 chiếc và năm 2023 là 190 chiếc. Quý 1/2024 đã có 24 xe ô tô điện nhập khẩu vào Việt Nam, như vậy tổng số ô tô điện nhập khẩu đến hết quý 1/2024 vào Việt Nam là 366 chiếc.

Tuy nhiên, đây chỉ là doanh số của các dòng xe điện nhập khẩu. Trên thực tế, từ năm 2021, một số “ông lớn” trong ngành ô tô Việt Nam, bao gồm cả các hãng xe “nước ngoài” và các hãng xe “nội” đã ra mắt các dòng xe điện và nhanh chóng tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường.

 Thị phần xe điện tại Việt Nam đang tăng nhanh. Ảnh: ĐT

Thị phần xe điện tại Việt Nam đang tăng nhanh. Ảnh: ĐT

Cụ thể, trong năm 2022, doanh số xe điện đạt gần 7.500 chiếc. Năm 2023 tiếp tục chứng kiến số lượng vượt trội khi 15.486 chiếc ô tô điện được sản xuất, lắp ráp trong nước. Chỉ tính riêng quý 1/2024 đã có 7.195 chiếc ô tô điện trong nước tiếp tục ra mắt, nâng tổng số xe điện sản xuất, lắp ráp trong nước tính từ 2021 tới nay là 30.298 chiếc.

Đặc biệt, trong báo cáo doanh số bán xe tháng 10/2024 của Vinfast, hãng xe “nội” tiết lộ trong tháng đã giao hơn 11.000 xe điện cho khách hàng. Tổng doanh số xe điện của hãng xe nội này trong 10 tháng của năm 2024 đạt 51.000 chiếc, chính thức trở thành thương hiệu ô tô chiếm thị phần số 1 Việt Nam trong 10 tháng đầu năm.

Trên thực tế, nhu cầu mua xe điện trong nước đang trong giai đoạn “bùng nổ”. Trong một khảo sát được công bố vào tháng 7/2024 của KPMG kết hợp với EuroCham và Chợ Tốt xe cho thấy, gần 70% của 1.000 người tham gia khảo sát bày tỏ sự quan tâm đến việc mua xe điện.

Ông Nguyễn Tuấn Hồng Phúc - Phó Tổng Giám đốc, Trưởng Bộ phận Tư vấn Chiến lược Khách hàng và Vận hành, KPMG Việt Nam chia sẻ: Ngành xe điện Việt Nam đang chứng kiến sự hội tụ mạnh mẽ của các yếu tố như chính sách ưu đãi từ Chính phủ, nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng và sự đổi mới công nghệ nhanh chóng.

“Tất cả những yếu tố này đã tạo nền tảng vững chắc cho các dự án đột phá định hình tương lai của ngành công nghiệp ô tô”, ông Phúc nói.

Động lực cho ngành xe điện tăng trưởng

Theo Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng HSBC, những năm gần đây, chuyển dịch năng lượng đã trở thành trọng tâm ở châu Á và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Đáng chú ý, sự phát triển của các phương tiện chạy điện đang đóng góp vào mục tiêu cân bằng phát thải các-bon và thúc đẩy nguồn lực phát triển kinh tế bền vững trong dài hạn cho Việt Nam.

HSBC nhận định, các nhà làm xe điện trong nước đã phần nào thành công trong phát triển xe máy điện. Nhờ đó, thị trường xe máy điện Việt Nam đang lớn nhất ở ASEAN và lớn thứ nhì thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Trong tương lai, thị trường xe điện Việt Nam còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng với ước tính tổng doanh số bán xe máy và ô tô điện hàng năm có thể tăng từ dưới một triệu trong năm 2024 lên trên 2,5 triệu vào năm 2036.

HSBC dự đoán xe máy điện sẽ tiên phong trong công cuộc phát triển xe điện tại thị trường Việt. So với ô tô điện, xe máy điện có giá vừa tầm với độ tương đồng linh kiện cao hơn và đã có tỷ lệ sản xuất nội địa cao. Đồng thời, khi chuyển sang sử dụng xe điện, người tiêu dùng Việt sẽ quen thuộc với xe máy hơn.

Về thị trường ô tô điện tại Việt Nam, HSBC cho rằng đây là mảnh đất tiềm năng to lớn chưa được khai phá với bối cảnh hơn 60% người dân sở hữu xe máy trong năm 2020, trong khi mới chỉ có 5,7% sở hữu ô tô. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam dự đoán, đến năm 2040, Việt Nam sẽ có 3,5 triệu ô tô điện lăn bánh.

HSBC cho rằng chìa khóa để vượt qua những rào cản phổ biến đối với xe điện ở Việt Nam nằm ở đầu tư cơ sở hạ tầng. Ước tính chỉ riêng lắp đặt đủ hạ tầng sạc xe điện và công suất phát điện tái tạo đủ cho lượng xe điện mới theo dự báo trên sẽ cần khoảng 12,3 tỷ USD đầu tư và 14tWh năng lượng cộng dồn trong giai đoạn 2024 - 2040.

 Hạn chế lớn nhất của ngành xe điện trong nước chính là hạ tầng điện. Ảnh: ST

Hạn chế lớn nhất của ngành xe điện trong nước chính là hạ tầng điện. Ảnh: ST

Đồng quan điểm với nhận định này, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, một trong những lợi thế lớn nhất của Việt Nam trong việc chuyển đổi từ xe sử dụng nhiên liệu truyền thống sang các dòng xe điện đó là cơ chế, chính sách đã sẵn sàng.

Cụ thể, vào tháng 7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải” thông qua Quyết định 876/QĐ-TTg.

Quyết định quan trọng này là chính sách đầu tiên của Việt Nam có mục tiêu cụ thể là giảm khoảng 7,2% đóng góp của ngành giao thông vận tải vào tổng lượng khí thải nhà kính trên toàn nền kinh tế.

Bà Mariam J. Sherman - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, Campuchia và CHDCND Lào cho biết: Chuyển đổi sang giao thông xanh với xe điện là một thách thức lớn, nhưng cam kết của Việt Nam là bước khởi đầu quan trọng.

“Để thành công, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, nhà đầu tư tư nhân và người dân trong việc định hình lại thị trường xe, cách thức di chuyển và sử dụng năng lượng”, bà Mariam J. Sherman nhấn mạnh.

Dù vậy, chuyên gia của WB cho rằng, một trong những thách thức lớn nhất của Việt Nam khi đẩy mạnh các dòng xe điện đó là hạ tầng điện.

Theo WB, từ nay đến năm 2030, nhu cầu sạc xe điện sẽ chưa tạo áp lực lớn lên ngành điện Việt Nam, nhưng sẽ tăng mạnh sau đó. Đến năm 2035, để đáp ứng nhu cầu sạc, ngành điện cần tăng sản lượng thêm 5% và nâng công suất mạng lưới thêm 4%. Đến năm 2050, con số này sẽ lần lượt là 30% và 15% nếu muốn đạt được mục tiêu phát triển xe điện.

“Để đáp ứng những nhu cầu trên, ngoài vốn thực hiện Quy hoạch điện VIII, Việt Nam cần đầu tư thêm cho ngành điện khoảng 9 tỷ USD đến năm 2030 và 14 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2031 - 2050 để phát triển nguồn điện, phục vụ cho quá trình chuyển đổi sang các dòng xe chạy điện”, bà Mariam J. Sherman nói.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tan-binh-xe-dien-dang-tang-toc-post323229.html