Tân Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường nêu 3 phương án sắp xếp cán bộ
Khuyến khích các đơn vị sự nghiệp về kinh tế chuyển sang cơ chế tự chủ, có thể thành lập doanh nghiệp, tổ chức sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung theo nguyên tắc tinh gọn, không trùng lắp chức năng, nhiệm vụ là những thông tin được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy chia sẻ tại Hội nghị Triển khai Đề án thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường .
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chia sẻ, việc thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trên cơ sở hợp nhất hai Bộ Tài nguyên và Môi trường – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là bước đi quan trọng trong việc thực hiện chiến lược cải cách hành chính, hướng tới bộ máy nhà nước tinh gọn và mạnh mẽ.
Theo Bộ trưởng, việc hợp nhất này không đơn giản là sự thay đổi về cơ cấu tổ chức mà còn là cơ hội để tái cấu trúc và nâng cao hiệu quả công việc của cả hai Bộ. Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ có một cơ chế quản lý mạnh mẽ hơn, giúp giải quyết các vấn đề môi trường trong phát triển nông nghiệp, từ bảo vệ tài nguyên đất, nước cho đến kiểm soát ô nhiễm và phát triển bền vững trong ngành nông nghiệp.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chia sẻ tại Hội nghị Triển khai Đề án thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Ảnh: Đình Trung.
Một trong những điểm quan trọng trong việc hợp nhất này là việc tổ chức lại bộ máy hành chính, bao gồm việc rà soát các đơn vị trực thuộc, đồng thời tối ưu hóa các quy trình làm việc để tiết kiệm nguồn lực và nâng cao hiệu quả công việc.
Bộ trưởng cho rằng, quá trình này cần sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao của cán bộ, công chức, viên chức hai Bộ, bởi công việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi cán bộ trong từng đơn vị.
Một trong những nội dung quan trọng trong Đề án hợp nhất được Bộ trưởng nêu là công tác sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ Nông nghiệp và Môi trường, với đặc thù là một trong những Bộ có số lượng đơn vị sự nghiệp rất lớn, sẽ phải tổ chức lại các đơn vị này theo một mô hình tinh gọn và hiệu quả hơn.
Theo Bộ trưởng, mỗi lĩnh vực quản lý nhà nước lớn như đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước, trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi và thú y sẽ có ba loại đơn vị sự nghiệp: đơn vị nghiên cứu khoa học (các viện nghiên cứu), đơn vị đào tạo nhân lực (trường đại học, học viện, trường cao đẳng) và đơn vị sự nghiệp kinh tế (các trung tâm dịch vụ công). Các đơn vị này cần phải hoạt động theo nguyên tắc tinh gọn, không trùng lắp chức năng và nhiệm vụ.
Với đơn vị sự nghiệp kinh tế, Bộ trưởng cho biết, sẽ khuyến khích các đơn vị này tự chủ tài chính, ít nhất là tự chủ về chi thường xuyên. Mục tiêu là giảm thiểu sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng giữa các đơn vị công lập và doanh nghiệp ngoài nhà nước. Những đơn vị có khả năng tự chủ hoàn toàn có thể chuyển đổi thành các doanh nghiệp, ví dụ như mô hình công ty cổ phần.
Bộ trưởng cũng đề cập đến phương án sắp xếp cán bộ. Ông yêu cầu Vụ Tổ chức cán bộ khẩn trương xây dựng kế hoạch và trình Bộ trưởng quyết định phân công công tác đối với lãnh đạo bộ, xây dựng các tiêu chí và hướng dẫn về sắp xếp cán bộ lãnh đạo, quản lý các đơn vị thuộc Bộ. Tất cả các phương án phải được hoàn thiện và trình phê duyệt trước ngày 1/3/2025.
Tư lệnh ngành nêu 3 phương án sắp xếp với cán bộ lãnh đạo cấp trưởng gồm giữ nguyên chức vụ hiện tại sau khi hợp nhất, điều động sang đơn vị khác nếu phù hợp hơn với năng lực và yêu cầu công tác, hoặc chuyển sang làm cấp phó của đơn vị mới sau khi hợp nhất. Các phương án đều được thiết kế để đảm bảo công bằng và hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho những người có nguyện vọng tiếp tục đóng góp hoặc phát triển sự nghiệp tại các vị trí mới.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết thêm, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ sẽ tiếp tục theo dõi và điều chỉnh phương án sắp xếp cán bộ, đảm bảo tính công khai, minh bạch và phù hợp với năng lực, sở trường của từng cán bộ. Mọi quyết định cuối cùng sẽ được thông qua bởi Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ, theo các tiêu chí và yêu cầu công tác của Bộ.