Tân Đại sứ EU: 'tôi thấy rõ thời điểm của Việt Nam đã tới'
'Việt Nam không phải là đất nước xa lạ đối với tôi, lần đầu tiên tôi đến đây là vào năm 1996', tân Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Julien Guerrier chia sẻ cơ duyên với Việt Nam.
Thời của Việt Nam đã tới...
Đại sứ Julien Guerrier cũng từng tham gia vào quá trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam giai đoạn 2004-2005 với vai trò quan chức châu Âu.
Trong suốt hành trình gần 30 năm qua, ông Guerrier bày tỏ ấn tượng khi được dõi theo những bước phát triển của Việt Nam, một phần thành công nhờ sự chủ động mở cửa chính sách với thế giới. Đại sứ cũng bày tỏ vinh dự khi được tham gia vào các cuộc đàm phán thương mại – mà theo ông đã hỗ trợ Việt Nam trong việc chuyển mình nhanh chóng.
Chia sẻ thêm về quá trình đàm phán WTO – một sự kiện quan trọng trong tiến trình hợp tác, hội nhập của Việt Nam, Đại sứ cho biết, tại thời điểm đó Việt Nam có nhiều lĩnh vực cần mở cửa, khó khăn nhất là thay đổi các quy định luật pháp, khuôn khổ pháp lý, đặc biệt trong các lĩnh vực viễn thông, dịch vụ, ngân hàng.
Cho dù vậy, quá trình đàm phán và thực thi của Việt Nam khiến phía EU rất ấn tượng, góp phần đem nhiều lợi ích cho doanh nghiệp kinh tế Việt Nam, thu hút đầu tư nước ngoài, mở cửa thị trường... dẫn lối đến những thành tựu kinh tế như ngày nay, nhà ngoại giao châu Âu bày tỏ.
“Tôi tin rằng bây giờ chính là thời điểm gọi là khoảnh khắc Việt Nam… Tôi vinh dự được có mặt tại đây vào thời điểm này”, Đại sứ Julien Guerrier chia sẻ trong buổi họp báo ngày 27/9.
Trong bối cảnh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày càng trở thành trung tâm của thế giới, EU đã phát triển chiến lược để tham gia nhiều hơn vào khu vực này – nơi Việt Nam có sức ảnh hưởng đặc biệt về kinh tế, nhân khẩu học và địa chính trị, theo Đại sứ.
“Trong nhiều thập kỷ, Liên minh Châu Âu và các quốc gia thành viên đã hỗ trợ sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam và đối với chúng tôi, đây là điều ngày càng quan trọng”, Đại sứ cho biết.
5 công cụ độc đáo để EU đồng hành với Việt Nam
“Điều tôi muốn làm trong nhiệm kỳ vài năm tới là tiếp tục và hỗ trợ nhiều hơn nữa cho tham vọng của Việt Nam trở thành nền kinh tế tiên tiến vào năm 2045 và vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050,” tân Đại sứ EU chia sẻ.
Theo ông, EU có thể hỗ trợ Việt Nam theo cách “rất độc đáo”, thông qua 5 công cụ cụ thể.
Thứ nhất là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA). Cho đến nay đây vẫn là công cụ, giúp tăng cường dòng chảy thương mại giữa EU và Việt Nam. Nhờ việc thực thi hiệp định, thương mại song phương tăng 32%, trong đó xuất khẩu của Việt Nam gấp 4 lần mức xuất khẩu của EU.
Công cụ thứ hai là Global Gateway – một quỹ trị giá 300 tỷ Euro dành cho công nghệ xây dựng dựng cơ sở hạ tầng. Quỹ hỗ trợ các quốc gia một cách bền vững, xem xét những tác động của các dự án liên quan tới con người và môi trường.
Đại sứ cũng đề cập đến Chương trình quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng nông bằng (JETP) huy động 15,5 tỷ USD từ nguồn tài chính công và tư, nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng từ than đá sang năng lượng tái tạo cho Việt Nam. “Chúng tôi có trách nhiệm đặc biệt trong việc hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050,” Đại sứ nhấn mạnh.
Đại sứ cũng đề cập đến công cụ tiếp theo là chương trình công tài trợ cho nghiên cứu và đổi mới mang tên Horizon Europe, theo đó tạo sân chơi rộng mở, có sự tham gia của các viện nghiên cứu Việt Nam, khuyến khích họ tham gia vào tầm nhìn Châu Âu, trao đổi, chia sẻ kiến thức, kỹ năng và công nghệ.
Cuối cùng, trong lĩnh vực hợp tác về quốc phòng an ninh. Hai bên đã có Hiệp định khung về hợp tác an ninh quốc phòng (FPA), ngoài ra là dự án tăng cường hợp tác an ninh tại Châu Á của EU. Theo Đại sứ, đây là những cơ chế để hai bên có thể mở rộng quy mô hợp tác trong các hoạt động gìn giữ hòa bình, an ninh mạng, xây dựng năng lực hàng hải, chia sẻ mục tiêu chung về hòa bình, ổn định khu vực.
Đối tác, người bạn đáng tin cậy
Đại sứ Guerrier cho rằng người dân Việt Nam và EU có những khát vọng chung: "Chúng tôi đã nói về phương châm của Việt Nam: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Đó là cụm từ tôi thấy vẻ đẹp và ý nghĩa trong từng khái niệm, phản ánh nguyện vọng của nhân dân cả Việt Nam và EU".
Ông mong muốn hai bên thúc đẩy giao lưu con người để hiện thực hóa mục tiêu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc đó, nhất là các trao đổi, giao lưu học thuật, giáo dục, thăm viếng lẫn nhau, trong đó có thể kể đến triển lãm giáo dục EU tại TP.HCM và Hà Nội sắp tới.
Đối với những mục tiêu phát triển và xanh hóa của Việt Nam, theo Đại sứ, châu Âu đã có kinh nghiệm sâu rộng. Đến nay Châu Âu đã đạt mục tiêu cùng lúc tăng trưởng GDP và giảm phát thải.
"Việt Nam có nhiều lợi thế và cơ hội đi theo hướng này,” Đại sứ cho biết.
Ông dẫn về quyết định chuyển hoàn toàn sang sản xuất xe điện của Vinfast như một ví dụ của doanh nghiệp Việt và khẳng định Vinfast sẽ đạt lợi thế những người tiên phong “first-movers advantages”.
"Quá trình chuyển đổi xanh có chi phí nhưng cũng đem lại những cơ hội lớn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam có hoàn cảnh đặc biệt thuận lợi cho quá trình này với nguồn nước, gió, mặt trời, địa hình núi... dồi dào,” theo Đại sứ Guerrier.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tan-dai-su-eu-toi-thay-ro-thoi-diem-cua-viet-nam-da-toi.html