Tận dụng hiệp định thương mại để tạo đột phá trong xuất khẩu rau quả
Năm 2024, xuất khẩu rau quả tiếp tục 'bội thu' khi giá trị xuất khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế của ngành hàng, việc tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do được cho là nguyên nhân quan trọng khác mang lại kết quả trên. Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đã trao đổi với Báo Kiểm toán về vấn đề này.
Ngành rau quả đang vươn lên trở thành ngành hàng chủ lực trong xuất khẩu nông nghiệp và đóng góp ngày càng quan trọng cho nền kinh tế. Ông có đánh giá ra sao về kết quả này, thưa ông?
Việt Nam có tiềm năng rất lớn để trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về sản xuất và xuất khẩu rau, hoa, quả nhiệt đới trên thị trường khu vực và quốc tế. Cộng với năng lực sản xuất, chế biến, bảo quản ngày càng nâng cao giúp cho rau quả Việt được đón nhận và từng bước ghi dấu với thị trường.
Điều quan trọng nữa là Nhà nước đang có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp, tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc sản xuất và xuất khẩu rau quả. Đặc biệt, Việt Nam đang tham gia sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do và tận dụng tốt các cơ hội, cho phép ngành hàng rau quả tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam không ngừng tăng từ 3,3 tỷ USD năm 2022 lên 5,6 tỷ USD năm 2023 và năm nay có thể đạt hơn 7,2 tỷ USD ( tăng 27% so với cùng kỳ năm trước). Dự kiến kim ngạch xuất khẩu rau quả có thể đạt hơn 10 tỷ USD vào năm 2030.
Ngoài ra, Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, sát bên thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất thế giới là Trung Quốc. Đây là một thị trường có kim ngạch nhập khẩu rau quả hàng năm lên tới gần 20 tỷ USD, trong đó riêng xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường này ước đạt khoảng 5 tỷ USD.
Mặc dù vậy, rau quả Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều nước xuất khẩu, các rào cản kỹ thuật khắt khe về chất lượng, về bao bì, truy xuất nguồn gốc của những thị trường nhập khẩu. Nguy cơ phụ thuộc vào một số thị trường vẫn hiện hữu.
Chất lượng sản phẩm rau quả đã được nâng lên, song nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường; trong đó các quy trình sản xuất, chế biến hiện đại chưa được áp dụng phổ biến trên diện rộng…
Các hiệp định thương mại mà Việt Nam là thành viên có tác động ra sao đến triển vọng xuất khẩu ngành hàng này, thưa ông?
Những kết quả đạt được của xuất khẩu rau quả vừa qua, bên cạnh những tiềm năng, thế mạnh và nội lực của doanh nghiệp thì phải kể đến đóng góp rất lớn của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Theo đó, 16/19 FTA cùng với nhiều nghị định thư với các thị trường quan trọng khi được thực thi đã mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu rau quả Việt Nam thâm nhập sâu vào các thị trường, nhất là những thị trường có nhu cầu lớn như Trung Quốc, Nam Á, Ấn Độ,... tạo ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam.
Đơn cử, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu - EU (EVFTA) được ký kết năm 2016 và có hiệu lực vào ngày 01/8/2020, đã tạo động lực thúc đẩy nông sản Việt Nam, đặc biệt là ngành hàng rau quả nâng cao chất lượng và tiến sâu vào thị trường tiềm năng này.
Hiệp định EVFTA quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ và các cam kết về hàng rào phi thuế quan. Trong đó, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), đáng lưu ý đối với mặt hàng nông sản, EU duy trì một hệ thống cảnh báo nhanh, chỉ cần một lô hàng có vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm thì ngay lập tức sẽ được thông báo trong toàn bộ EU và hàng hóa đó sẽ không thể tiếp tục lưu hành trong khu vực.
Để tận dụng ưu đãi thuế 0% từ hiệp định EVFTA đối với các sản phẩm chế biến, các doanh nghiệp trong nước đã và đang đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ chế biến rau quả; cũng như người dân sản xuất nâng cao ý thức trong việc đảm bảo nguồn gốc, an toàn của sản phẩm nếu muốn sản phẩm đến được các thị trường giá trị hơn…
Mặc dù đem lại nhiều cơ hội, đóng góp chung vào bức tranh xuất khẩu nhiều ấn tượng của Việt Nam, thế nhưng, Hiệp định EVFTA cũng đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp vì đây là thị trường thực sự “khó tính”, có những quy định chặt chẽ về quy tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ, các vấn đề về tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm...
Hiện tại, khi người sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam chưa thể đáp ứng được ngay yêu cầu thì những tiêu chuẩn này sẽ là rào cản gây khó khăn cho việc tiếp cận thị trường của ngành hàng rau quả.
Từ việc nhận diện rõ thực trạng để rút ra bài học kinh nghiệm, theo ông, chúng ta cần làm gì để đưa sản phẩm rau quả tiến sâu hơn vào thị trường, từ đó mang lại giá trị cao hơn trong thời gian tới?
Như trên đã đề nêu, việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường mà Việt Nam có quan hệ hợp tác, đặc biệt là vấn đề nguồn gốc, xuất xứ, độ an toàn của sản phẩm cũng là tiêu chuẩn chung mà các thị trường đều hướng đến.
Việc am hiểu và tuân thủ quy định của từng thị trường là cách duy nhất để hàng hóa có thể xuất khẩu thuận lợi. Theo đó, doanh nghiệp và nông dân nước ta phải tuân thủ về vùng trồng, cơ sở đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, đáp ứng toàn bộ hàng rào kỹ thuật.
Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa sản phẩm kể cả sản phẩm chế biến sâu để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng đa dạng về mẫu mã và xuất xứ. Doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn vào công nghệ sản xuất, chế biến, áp dụng các kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc tế để đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Muốn làm được điều này, cần phải khắc phục triệt để tình trạng thiếu liên kết trong sản xuất. Do vùng sản xuất còn phân tán, nhỏ lẻ, nông dân sản xuất nhỏ, thiếu liên kết nên khó tạo ra vùng sản xuất lớn. Bên cạnh đó, việc thiếu các hợp tác xã mạnh, chưa đủ khả năng tập hợp nông dân để hỗ trợ kỹ thuật nên chất lượng rau quả xuất khẩu chưa ổn định.
Các cơ quan chức năng cùng doanh nghiệp cần phối hợp xây dựng thương hiệu, quảng bá trên các kênh truyền thông trong và ngoài nước. Công tác xúc tiến thương mại thời gian qua đã rất được quan tâm, gần đây nhất là Lễ hội trái cây Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Thời gian tới, rất cần những sự kiện như vậy tiếp tục được tổ chức.
Đồng thời, cần chú trọng phát triển kênh phân phối hiện đại, sàn thương mại điện tử; tạo điều kiện để phát triển thương hiệu, giúp sản phẩm tiếp cận thị trường được thuận lợi hơn.