Tận dụng lợi ích từ xác định trước trị giá hải quan khi thực hiện CPTPP

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đầu tiên được thực thi của thế kỷ 21 với nhiều kỳ vọng. Trong Hiệp định CPTPP, các cam kết về thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại được quy định nhằm thúc đẩy sự nhất quán và minh bạch.

Công chức hải quan hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các quy định trong lĩnh vực hải quan. Ảnh Tuấn Kiệt

Công chức hải quan hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các quy định trong lĩnh vực hải quan. Ảnh Tuấn Kiệt

Tiết kiệm thời gian, tiết giảm tranh chấp

Một trong các nội dung cam kết, yêu cầu chi tiết về thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại cần phải tìm hiểu, quan tâm đó là cam kết về xác định trước trị giá hải quan. Các cam kết về hải quan và thuận lợi hóa thương mại trong Hiệp định CPTPP, cụ thể cam kết về xác định trước trị giá hải quan giúp tạo thuận lợi hơn cho thương mại, đem lại nhiều lợi ích cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam. Cơ chế xác định trước trị giá hải quan là cơ chế giúp doanh nghiệp xác định trước trị giá tính thuế cho hàng hóa trước khi nhập khẩu một mặt hàng nào đó vào Việt Nam, là việc cơ quan hải quan tiến hành trước khi làm thủ tục hải quan.

Xác định trước trị giá hải quan là tiêu chí có hiệu quả nhất tạo thuận lợi thương mại và cũng mang lại nhiều lợi ích. Đồng thời, thể hiện sự hợp tác và xây dựng niềm tin giữa hải quan và doanh nghiệp, đóng góp vào việc xây dựng quan hệ đối tác hợp tác, chia sẻ trách nhiệm và cùng đạt mục tiêu của hai bên.

Việc này mang lại lợi ích quan trọng cho cả cơ quan hải quan và doanh nghiệp. Cơ quan hải quan sẽ nâng cao được năng suất và hiệu quả quản lý nhờ đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa, phân bổ nguồn lực hợp lý vào các giai đoạn trước, trong và sau thông quan. Trong khi đó, doanh nghiệp sẽ căn cứ vào những thông tin được cung cấp trước có tính ràng buộc pháp lý để nghiên cứu thị trường, lập kế hoạch kinh doanh và tính toán lợi nhuận nhằm giúp doanh nghiệp chủ động tính toán trước hiệu quả kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ. Điều này làm tăng độ chắc chắn và có thể dự đoán được cho các doanh nghiệp khi tham gia các giao dịch thương mại quốc tế. Nhờ đó, cơ quan hải quan và doanh nghiệp có được sự thống nhất về số thuế phải nộp. Đồng thời cũng giúp doanh nghiệp tránh được rủi ro hàng hóa bị ách tắc, số thuế phải nộp nhiều hơn dự kiến hoặc là nguy cơ bị truy thu thuế, phạt nặng.

Ngoài ra, tranh chấp giữa hải quan và doanh nghiệp liên quan đến trị giá sẽ giảm trong thời điểm thông quan. Hai bên sẽ tiết kiệm được cả thời gian và chi phí quản lý khi không phải theo đuổi các vụ khiếu nại, kiện tụng kéo dài.

Còn nhiều việc phải làm

Lợi thì đã rõ nhưng thực tiễn áp dụng vẫn còn nhiều khó khăn. TS. Nguyễn Thị Lan Hương, Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) cho hay, các thủ tục về xác định trước trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu còn chưa phù hợp với thực tế, chưa thực sự hiệu quả và chính sách không được áp dụng với mọi doanh nghiệp. Việc triển khai trong thực tiễn còn vướng, do quy định về các điều kiện để được xác định trước trị giá hải quan. Cụ thể, phải nộp đủ hồ sơ đề nghị xác định trước trị giá hải quan đến Tổng cục Hải quan trong thời hạn ít nhất 60 ngày trước khi xuất khẩu, nhập khẩu lô hàng. Trong thời gian 60 ngày đó, doanh nghiệp phải có hợp đồng. Thực tế, không phải lúc nào doanh nghiệp cũng quyết định các giao dịch xuất nhập khẩu trước 2 tháng. Do đó diện giao dịch được áp dụng xác định trước bị hạn chế rất nhiều. Nếu hợp đồng được ký trong thời gian ngắn thì không được chấp nhận.

Ngoài các chứng từ, tài liệu liên quan đến hàng hóa, hồ sơ xác định trước mức giá phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng cũng là quy định chưa phù hợp với thực tế. Bởi thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp khó phù hợp với những quy định về vấn đề này. Trong khi đó, ở các nước như Mỹ, EU những quy định về xác định trước khá đơn giản, hầu như không có điều kiện đặt ra đối với diện hàng hóa được áp dụng cơ chế xác định trước. Cơ bản các nước đều hướng theo tinh thần của WTO, theo đó, giảm thiểu tối đa các điều kiện. Những khuyến nghị của WTO cũng định hướng cho các nước thành viên thực hiện cơ chế xác định trước với càng ít điều kiện càng tốt. Điều quan trọng là việc xác định dựa trên việc, đó là một công ty thực sự đang hoạt động và dựa trên một giao dịch có thật.

Do vậy, để thực hiện có hiệu quả cơ chế xác định trước trị giá hải quan cần sự ủng hộ của lãnh đạo các cấp và sự cộng tác từ cộng đồng doanh nghiệp. Cần mở rộng diện xác định trước trị giá hải quan; đơn giản thủ tục xác định trước trị giá hải quan để tạo thuận lợi cho thương mại, giúp doanh nghiệp chủ động kinh doanh...

Từ phía doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực theo dõi chính sách, có nhân lực phụ trách riêng về vấn đề này. Đội ngũ chuyên viên có đủ năng lực trình độ, chuyên nghiệp cũng cần được tăng cường trong lĩnh vực này.

Tận dụng những lợi thế

Thực hiện Hiệp định CPTPP, ngành Hải quan tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan, triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác hải quan, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm thời gian, giảm thủ tục để hàng hóa được thông quan nhanh nhất nhằm tận dụng những lợi thế ở các hiệp định thương mại.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tan-dung-loi-ich-tu-xac-dinh-truoc-tri-gia-hai-quan-khi-thuc-hien-cptpp-169019-169019.html