Xà Phìn - Làng rêu giữa đại ngàn Tây Côn Lĩnh
Giữa mênh mông rừng xanh, nơi non nước hùng vĩ bồng bềnh trong mây khói, có một ngôi làng nhỏ mang tên Xà Phìn – nơi được mệnh danh là 'xứ sở cổ tích' của núi rừng Tây Côn Lĩnh. Ngôi làng nằm cheo leo ở độ cao hơn một ngàn mét, được bao bọc bởi rừng già, mây trắng và những thảm rêu xanh mướt phủ đầy trên những mái nhà lá cọ cổ xưa.
Từ bao đời nay, Xà Phìn vẫn giữ được vẻ nguyên sơ của núi rừng Đông Bắc. Một thế giới tĩnh lặng và trong trẻo - nơi mà cảnh sắc và con người đều mang đậm chất hoang sơ, thanh bình. Giữa thời đại của bê tông và khói bụi, Xà Phìn trở thành nơi "trú ngụ tinh thần", nơi "chữa lành" cho những ai đang mỏi mệt vì phố thị và guồng quay tất bật của cuộc sống hiện đại.

Một nếp nhà xanh rêu giữa những thửa rộng bậc thang ở Xà Phìn
Những làng cổ tích trên vùng cao
Vùng cao Hà Giang - Tuyên Quang xưa nay vốn nổi danh với những bản làng đẹp như tranh vẽ. Lô Lô Chải - ngôi làng dưới chân cột cờ Lũng Cú uốn mình theo những con đường đá quanh co. Thiên Hương - làng cổ của người Tày với mái ngói âm dương trầm mặc giữa cao nguyên đá. Lao Xa - làng người Mông ở Sủng Là với những bức tường đất sét đã ngả màu thời gian. Hay Phó Bảng - “phố Tàu cổ” với mái ngói rêu phong, những câu đối đỏ bên khung cửa gỗ... Tất cả tạo nên một bức tranh văn hóa sống động.
Thế nhưng giữa những làng bản mang vẻ đẹp cổ kính, Xà Phìn lại hiện lên như một nàng công chúa dịu dàng, bí ẩn. Một làng rêu độc nhất vô nhị - nơi có những mái nhà lá cọ phủ kín rêu xanh theo năm tháng, vừa mộc mạc vừa mê hoặc lòng người.
Dù chỉ cách trung tâm thành phố Hà Giang khoảng 20 cây số đường chim bay, nhưng đường lên Xà Phìn là cả một hành trình gian khó. Từ quốc lộ 2, trên đường lên cửa khẩu Thanh Thủy, tới km số 9 rẽ trái, du khách bắt đầu chinh phục đoạn đường núi hơn 10 km cheo leo. Con đường bê tông nhỏ hẹp, chỉ vừa một làn xe, uốn lượn như sợi chỉ vắt vẻo quanh sườn núi, lúc thì như ngược đèo dựng đứng, lúc lại chúi sâu xuống vực thẳm.
Với những người dễ say xe, đây thực sự là “ác mộng”; nhưng với những tín đồ ưa khám phá, đoạn đường ấy lại chính là phần thưởng – nơi mà thiên nhiên Tây Côn Lĩnh bày ra hết vẻ hùng vĩ, mênh mông. Dọc đường, ruộng bậc thang trải dài theo triền núi, uốn lượn mềm mại như dải lụa. Mỗi mùa, mỗi sắc: mùa nước đổ lóng lánh như gương trời, mùa lúa chín vàng óng rực rỡ, thơm hương núi đồi.
Có những ngọn núi dựng đứng với bậc thang lúa như nối đất với trời, có những mảng rừng già âm u, những thác nước trắng xóa xé đá tung bọt, và cả hơi sương bảng lảng như khói quyện quanh núi khiến ta có cảm giác đi lạc vào chốn tiên cảnh.

Tác giả bên đường đi trong làng rêu Xà Phìn
Xà Phìn - Miền rêu huyền thoại
Sau chặng đường cheo leo ấy, cổng làng Xà Phìn hiện ra như một dấu mốc của thế giới khác. Dù chiếc cổng bằng thép và mái tôn hơi thiếu hòa nhập với cảnh sắc mộc mạc, nhưng bước qua rồi, người ta như lạc vào miền cổ tích thực sự. Những mái nhà sàn bằng gỗ, mái lợp lá cọ phủ kín rêu xanh mướt, tầng tầng lớp lớp, ẩn hiện bên sườn núi, thấp thoáng trong màu xanh miên man của ruộng nương, núi rừng.
Ở độ cao hơn một ngàn mét, khí hậu quanh năm mát mẻ, độ ẩm cao, lại mưa nhiều - là điều kiện lý tưởng để rêu phát triển. Mỗi mái lá cọ phải chờ hơn 10 năm rêu mới bắt đầu phủ, và những mái nhà cũ hàng chục năm tuổi giờ đều ngập tràn màu xanh. Không nơi nào có cả một “làng rêu” như ở Xà Phìn – thứ "đặc sản" tự nhiên mà không thể nhân bản, không thể tái dựng ở nơi khác.
Màu rêu xanh hòa vào sắc xanh của núi rừng, nương ngô, ruộng lúa; đến mùa lúa chín, lại hòa cùng sắc vàng tạo nên bức tranh sơn thủy vừa kỳ vĩ, vừa nên thơ. Mỗi ngôi nhà là một tác phẩm sống động của thời gian và thiên nhiên. Mỗi mái rêu là một minh chứng cho sự bền bỉ, nhẫn nại và tình yêu quê hương của người dân nơi đây.
Đồng bào Dao ở Xà Phìn rất yêu những ngôi nhà lá cọ mọc rêu của mình. Không chỉ là nơi ở, đó là biểu tượng của sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên, với truyền thống. Một mái nhà lợp lá cần tới 8.000 - 10.000 chiếc lá cọ, được xếp chồng tỉ mỉ để giữ kín nước, chống dột. Rêu mọc dày theo năm tháng, thành “lớp điều hòa tự nhiên”, giúp nhà mát về hè, ấm về đông.
Ở Xà Phìn hiện có hơn 40 trong tổng số 50 nóc nhà phủ đầy rêu. Có mái rêu được cho là đã phủ từ gần nửa thế kỷ trước. Đó không chỉ là di sản sống, mà còn là thứ tài sản vô giá - sản phẩm của thiên nhiên và sự gìn giữ nghiêm cẩn của bao thế hệ.
Trà shan tuyết - báu vật của rừng
Xà Phìn còn sở hữu một báu vật khác: chè Shan tuyết cổ thụ. Những cây chè hàng trăm năm tuổi, mọc rải rác trong rừng, hấp thụ mây sương và tinh khí núi ngàn. Búp chè to, phủ lớp lông trắng mịn như tuyết. Nước trà sánh vàng như mật ong, thơm dịu, ngọt hậu - không nơi nào có được.
Thưởng trà giữa khung cảnh rêu xanh, ruộng bậc thang và rừng già là một trải nghiệm tinh tế, đưa du khách trở về với những giá trị thuần khiết, giản dị và sâu lắng của văn hóa bản địa.
Xà Phìn - làng rêu giữa lưng trời Tây Côn Lĩnh - không chỉ đẹp bởi cảnh sắc, mà còn bởi con người mộc mạc, hiền hậu, yêu quê, trọng truyền thống. Những ngôi nhà sàn rêu phong, những thửa ruộng mênh mông, dòng thác tung bọt trắng hay tách chè nóng giữa chiều se lạnh… tất cả kết hợp thành một không gian “chữa lành” đúng nghĩa.
Lên Xà Phìn, người ta dễ bị “lạc lối”. Không phải lạc phương hướng, mà là lạc vào một miền ký ức nguyên sơ, một chốn an yên giữa đời thường xô bồ. Và rồi, khi rời đi, lòng lại canh cánh một lời hẹn quay lại - để được một lần nữa đặt chân lên mái nhà rêu, để thấy lòng mình cũng xanh lại như màu rêu bền bỉ, dịu êm…
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/xa-phin-lang-reu-giua-dai-ngan-tay-con-linh-a29487.html