Tận dụng lợi thế địa phương để phát triển mô hình nuôi dúi
Mô hình nuôi dúi sinh sản đang dần trở thành một giải pháp hiệu quả trong phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt tại các khu vực miền núi, trung du. Loài vật này có nhiều ưu điểm như dễ nuôi, ít bệnh tật và khả năng sinh sản nhanh, với chi phí đầu vào thấp nhờ vào nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có. Việc áp dụng mô hình này không chỉ giúp đa dạng hóa sinh kế cho người dân, mà còn mở ra cơ hội phát triển sản phẩm nông sản đặc sản, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho các khu vực nông thôn.
Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Lâm Thao, UBND xã Tiên Kiên cấp 80 đôi dúi giống cho 3 hộ nông dân thực hiện mô hình Chăn nuôi Dúi sinh sản tại xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao.
Gia đình bà Nguyễn Thị Việt, một trong ba hộ dân tham gia mô hình, hiện đang chăn nuôi gà và trồng cây ăn quả theo hình thức trang trại tổng hợp. Khi được hỗ trợ dúi giống và hướng dẫn kỹ thuật, bà quyết định bổ sung thêm đối tượng nuôi mới vào mô hình sản xuất của gia đình.
“Trước đây, tôi chỉ biết đến dúi là loài sống hoang dã trên rừng núi, chưa bao giờ nghĩ có thể thuần dưỡng, nuôi nhốt để phát triển kinh tế. Sau khi được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể, tôi thấy việc nuôi dúi hoàn toàn khả thi. Dúi dễ chăm sóc, ăn các loại cây có sẵn quanh nhà lại ít bệnh tật. Chúng kín đáo, sạch sẽ, phù hợp với điều kiện chăn nuôi nhỏ tại hộ gia đình. Tôi nuôi đan xen với mô hình trạng trại nhà tôi hiện có. Nếu thời gian tới dúi sinh sản tốt, tôi sẽ nhân đàn để vừa bán giống, vừa bán thịt,” bà Việt chia sẻ.

Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Lâm Thao, UBND xã Tiên Kiên cấp dúi giống cho các hộ nông dân tham gia mô hình nuôi dúi tại xã Tiên Kiên.
Mô hình nuôi dúi là một trong các mô hình khuyến nông năm 2025 được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Thọ lựa chọn, xây dựng trên đối tượng nuôi có giá trị cao, nhu cầu thị trường lớn và phù hợp với hình thức nuôi quy mô nông hộ. Dúi là loài vật có sức đề kháng tốt, ít bệnh, chi phí nuôi thấp. Với thời gian sinh sản ngắn, một cặp dúi có thể cho 2 - 3 lứa mỗi năm, mỗi lứa từ 3 - 5 con. Đây là vật nuôi tiềm năng, có thể trở thành hàng hóa đặc sản nếu được tổ chức sản xuất tốt và kết nối thị trường hiệu quả.
Thức ăn của dúi là các loại cây quen thuộc như: Tre, nứa, mía, ngô, thân cây cỏ,... giúp giảm chi phí đầu vào. Dúi thương phẩm nuôi từ 8-10 tháng tuổi là có thể xuất bán với trọng lượng từ 1,2 - 2kg mỗi con. Với giá bán từ 550.000đ - 650.000đ/kg dúi thịt và 1,4 - 2,2 triệu đồng/cặp dúi giống tùy cân nặng, tùy loại.

Dúi thương phẩm nuôi từ 8 - 10 tháng tuổi là có thể xuất bán với trọng lượng từ 1,2 - 2kg mỗi con; giá bán từ 550.000đ - 650.000đ/kg dúi thịt và 1,4 - 2,2 triệu đồng/cặp dúi giống tùy cân nặng.
Theo đồng chí Lương Minh Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Kiên, việc triển khai mô hình nuôi dúi trên địa bàn là bước đi đầu tiên nhằm giúp người dân tiếp cận với phương thức sản xuất mới, hiệu quả và bền vững.
“Trong quá trình triển khai, chính quyền và Nhân dân đều rất phấn khởi. Trên cơ sở nguyện vọng của người dân, UBND xã đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh đề xuất xin hỗ trợ từ các nguồn vốn cấp trên. Chúng tôi tin rằng mô hình này sẽ sớm mang lại kết quả tích cực, tạo tiền đề để nhân rộng trên toàn xã. Tiên Kiên có lợi thế về nguồn thức ăn sẵn có như tre, măng, ngô, sắn, mía... nên chi phí chăm sóc đàn dúi không quá tốn kém. Khi mô hình phát huy hiệu quả, UBND xã sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân trong việc tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế địa phương,” đồng chí Lương Minh Phương cho biết.
Để mô hình thành công, trước khi cấp con giống, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức cho khuyến nông xã, các hộ tham gia mô hình, các hộ dân có nhu cầu nuôi đi tham quan, học tập các mô hình nuôi dúi hiệu quả tại TP Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hòa Bình... để được tìm hiểu các kiến thức từ khâu làm chuồng, phòng ngừa các bệnh của dúi, chủ động môi trường nuôi. Đồng thời, cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách chăm sóc, nuôi dưỡng giai đoạn đầu khi chăm sóc và những lưu ý trong quá trình chăn nuôi. Mục tiêu của mô hình là tạo ra bước khởi đầu chắc chắn, làm nền tảng để nhân rộng.

Cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn chăm sóc giai đoạn đầu và các lưu ý trong quá trình chăn nuôi.
Không chỉ ở xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao, mô hình nuôi dúi sinh sản đang dần lan rộng ra nhiều địa phương khác trong tỉnh như Yên Lập, Tân Sơn, Thanh Sơn, Cẩm Khê, Hạ Hòa - những khu vực trung du, miền núi có điều kiện tự nhiên thuận lợi và nguồn thức ăn dồi dào.
Tuy nhiên, vì dúi là động vật hoang dã, trước khi nuôi và xuất bán, các hộ cần thực hiện đầy đủ thủ tục và được cấp phép theo đúng quy định. Thực tế cho thấy, không ít hộ chỉ bắt đầu với vài con dúi giống, sau một thời gian đã nhân đàn lên hàng trăm con, mang lại nguồn thu nhập ổn định và mở ra triển vọng phát triển kinh tế rõ rệt cho vùng nông thôn.

Gia đình ông Nguyễn Văn Đức, huyện Hạ Hòa đang nuôi hai loại dúi má đào Thái Lan và dúi mốc Việt, mỗi năm thu lãi khoảng 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Việc triển khai mô hình nuôi dúi sinh sản tại xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao mới đây và một số huyện miền núi trên địa bàn tỉnh là minh chứng cho thấy nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên, từ cơ quan khuyến nông, chính quyền địa phương đến người dân. Trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang từng bước chuyển đổi theo hướng hiệu quả, bền vững, những vật nuôi mới như dúi nếu được tổ chức bài bản sẽ trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế nông thôn.
Mô hình nuôi dúi không chỉ góp phần đa dạng hóa sinh kế cho người dân vùng trung du, miền núi mà còn mở ra hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi theo hướng đặc sản, nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả bền vững, rất cần có chiến lược đồng bộ từ tổ chức sản xuất, đảm bảo kỹ thuật đến xúc tiến thương mại và xây dựng thị trường tiêu thụ ổn định.