Tận dụng thời cơ xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng
Quốc hội cho phép thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng biển Liên Chiểu. Để hiện thực hóa chính sách quan trọng này, TP. Đà Nẵng sẽ phải chạy đua với thời gian.
Từ thương cảng đến khu thương mại tự do
Theo dòng lịch sử, từ thế kỷ XIX, Đà Nẵng là một trung tâm thương mại có tầm quan trọng bậc nhất của Việt Nam trong giao thương khu vực và quốc tế. Thương cảng Đà Nẵng là “hải cảng sâu và đẹp”, giữ vị trí vô cùng đặc biệt ở khu vực Đông Dương; cảng Đà Nẵng đóng vai trò là trung tâm điều phối nguồn hàng hóa xuất nhập khẩu chính ở Trung Kỳ, số lượng tàu quốc tế cập cảng Đà Nẵng chỉ đứng sau Sài Gòn, Hải Phòng… Sự nhộn nhịp giao thương hàng hải quốc tế đã tạo nên một giai đoạn phát triển cho Đà Nẵng thuở ấy.
Và bây giờ, TP. Đà Nẵng đang đứng trước một vận hội lịch sử mới, khi Quốc hội cho phép thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng biển Liên Chiểu. Một mô hình mới, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam, kỳ vọng sẽ giúp Đà Nẵng tăng tốc phát triển.
Ông Vũ Quang Hùng, Trưởng ban Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng khẳng định, Khu thương mại tự do sẽ có tác động mạnh mẽ đến kinh tế - xã hội của Thành phố.
Khu thương mại tự do, với các dịch vụ đẳng cấp sẽ tạo thành một điểm đến đặc biệt, hấp dẫn du khách quốc tế. Bên cạnh đó, sẽ tạo ra nhiều việc làm mới...
Đối với kinh tế, Khu thương mại tự do Đà Nẵng là nơi địa phương thử nghiệm chính sách kinh tế mới, mang tính đột phá, dẫn đầu xu hướng, tạo ra giá trị vượt trội; đặc biệt là các chính sách về kinh tế đối ngoại. Từ đó, đẩy nhanh quá trình tích lũy vốn và công nghệ, góp phần tăng cường hoạt động kinh tế đối ngoại; đóng vai trò làm đầu tàu, kéo theo sự phát triển của các vùng khác và cả nước. Khu thương mại tự do cũng sẽ góp phần nâng cao giá trị gia tăng ngành du lịch, thương mại của Việt Nam nói chung và TP. Đà Nẵng nói riêng, tạo ra chuỗi sản phẩm dịch vụ cao cấp.
Dưới góc độ văn hóa - xã hội, ông Vũ Quang Hùng cho rằng, Khu thương mại tự do, với các dịch vụ đẳng cấp sẽ tạo thành một điểm đến đặc biệt, hấp dẫn du khách quốc tế. Bên cạnh đó, sẽ tạo ra nhiều việc làm mới, gia tăng danh tiếng về môi trường đầu tư, kinh doanh của Đà Nẵng cũng như của cả Việt Nam.
Khu thương mại tự do gắn với Cảng Liên Chiểu và Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất, gia công, lắp ráp, phân loại, đóng gói hàng xuất khẩu, nhập khẩu, cung cấp các dịch vụ logistics, dịch vụ liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, nhằm thiết lập một trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế, tạo nên cấu trúc ngày càng hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật, phát huy tối đa chuỗi giá trị của Cảng Liên Chiểu và Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Đồng thời, kết nối hiệu quả hạ tầng sản xuất và bổ trợ liên hoàn cho các khu công nghiệp mới sẽ phát triển trong tương lai ở Đà Nẵng là KCN Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh và cụm công nghiệp Hòa Liên, Cẩm Lệ…; kết nối cảng cạn, ga đường sắt, các trục giao thông lớn
“Nghiên cứu mô hình các nước trên thế giới, họ đều xây dựng khu thương mại tự do sau các cảng biển. Có thể nhận thấy, nếu cảng biển gắn liền với khu thương mại tự do thì chẳng khác nào cá gặp nước. Với những tiềm năng và lợi thế đó, Khu thương mại tự do Đà Nẵng cùng các khu chức năng ở vùng Tây Bắc thành phố có thể kết hợp để trở thành đặc khu kinh tế thứ 4 của Việt Nam trong tương lai”, ông Hùng nhận định.
Ông Trần Thoang, Giám đốc Công ty Tư vấn chiến lược hải quan - thương mại CT Strategies (CTS) Việt Nam cho rằng, không chỉ tạo động lực tăng trưởng, Khu thương mại tự do Đà Nẵng cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp trong nước.
Doanh nghiệp sẽ hưởng ưu đãi thuế quan và thủ tục hành chính tối giản, giảm chi phí logistics, giảm thời gian thông quan, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế. Đặc biệt, doanh nghiệp nội địa sẽ phát triển chuỗi cung ứng nhờ tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cùng với các doanh nghiệp đầu tư vào Khu thương mại tự do. Doanh nghiệp nhỏ và vừa, có cơ hội để cung ứng sản phẩm, sản xuất cho các “đại bàng”, được chuyển giao công nghệ…
“Vì đi sau nên chúng ta cần có chính sách vượt trội để thu hút doanh nghiệp nước ngoài vào Khu thương mại tự do, đặc biệt là những ‘đại bàng’ về công nghệ cao. Tuy nhiên, cũng cần phải chọn lựa doanh nghiệp phù hợp, giúp thúc đẩy sự phát triển, nhưng không ảnh hưởng hay bóp chết doanh nghiệp trong nước. Thời gian không còn nhiều, chúng ta phải thật sự khẩn trương”, ông Thoang đề xuất.
Tận dụng thời cơ
Quốc hội đồng ý để Đà Nẵng lập Khu thương mại tự do. Nếu thành công, mô hình này sẽ được nhận rộng. Đây là cơ hội, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm không hề nhỏ của Đà Nẵng để có thể đưa mô hình Khu thương mại tự do đầu tiên của đất nước đi đến thành công.
Sau khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua, TP. Đà Nẵng phải triển khai thực hiện hàng loạt bước đi cụ thể. Từ việc xây dựng hồ sơ đề nghị thành lập Khu thương mại tự do, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xác định vị trí, ranh giới và chức năng cụ thể của từng khu chức năng trong Khu thương mại tự do; đề xuất điều chỉnh các quy hoạch liên quan. Rồi tổ chức thực hiện trình tự, thủ tục thu hồi đất; xúc tiến các hoạt động kêu gọi nhà đầu tư; đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài Khu thương mại tự do... Đó là khối lượng công việc không nhỏ, vì vậy, TP. Đà Nẵng đang đẩy nhanh quá trình này.
Về vị trí hình thành các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do, Sở Công thương Đà Nẵng đề xuất các vị trí sau.
Vị trí 1, dự kiến hình thành Khu logistics và sản xuất, khoảng 536 ha (phía Tây đường tránh Nam hầm Hải Vân đến hết thôn Trường Định). Vị trí này được quy hoạch là đất rừng sản xuất, đất công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, đất ở làng xóm, đất nông nghiệp. Trong đó, phần diện tích khoảng 230 ha tại xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) thuộc Phân khu sinh thái phía Tây. Phần diện tích còn lại thuộc Phân khu sinh thái phía Tây - khu vực thuộc phường Hòa Hiệp Bắc và Phân khu cảng biển Liên Chiểu.
Vị trí 2, dự kiến hình thành Khu sản xuất, khoảng 538 ha (tại khu vực Khu công nghệ cao mở rộng, thuộc xã Hòa Ninh). Khu vực này được định hướng để mở rộng Khu công nghệ cao hiện trạng và quy hoạch chức năng sử dụng đất là đất khu công nghệ cao, đất công nghệ cao và công nghệ thông tin.
Vị trí 3, dự kiến hình thành Khu thương mại dịch vụ khoảng 132 ha, tại khu vực được định hướng là Khu phi thuế quan, thuộc xã Hòa Nhơn.
Ngoài các vị trí trên, Đà Nẵng cũng tính đến phương án lấn biển. Theo đó, vị trí đề xuất lấn biển khoảng 250 ha đến 1.000 ha tại vịnh Đà Nẵng, cách bờ biển dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành khoảng 1 km, trong khu vực có độ sâu từ 7,2 m đến 11 m.
Sở Công thương Đà Nẵng cũng cho biết, Khu thương mại tự do Đà Nẵng được đề xuất thí điểm với quy mô khoảng 10 km2, tương đương các khu thương mại tự do của Singapore. Để đảm bảo nguồn lực và hiệu quả đầu tư, TP. Đà Nẵng dự kiến triển khai theo hai giai đoạn. Từ năm 2025-2030, sẽ hoàn thành hạ tầng Trung tâm logistics (80 ha), thực hiện giai đoạn I các khu thương mại dịch vụ (khoảng 50 ha) và khu sản xuất (khoảng 250 ha). Giai đoạn II từ năm 2030 thực hiện đầu tư khu thương mại dịch vụ và khu sản xuất với tổng diện tích khoảng 582 ha.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chia sẻ, Khu thương mại tự do có 3 chức năng, được chia làm 3 phân khu. Phân khu thứ nhất về dịch vụ, phân khu thứ hai về logistics, phân khu thứ ba là sản xuất. Hai phân khu chính là sản xuất và logistics đều nằm ở huyện Hòa Vang. Khu thương mại tự do là mô hình kinh tế đã được khẳng định, Thành phố học hỏi kinh nghiệm của các nước để đề xuất triển khai cho Đà Nẵng.
“Quốc hội đánh giá cao đề xuất của Đà Nẵng, dám đi đầu để thí điểm. Nếu thành công thì không chỉ Đà Nẵng được hưởng, mà có thể nhân rộng cho các địa phương khác. Xin được cơ chế từ Trung ương rồi, nhưng quá trình triển khai còn rất nhiều chông gai, lâu dài. Thời gian Quốc hội cho phép thí điểm chỉ 5 năm thôi, mong cử tri quan tâm ủng hộ, đồng hành cùng Thành phố”, ông Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Hòa Vang.