Tận dụng tiềm năng sản phẩm Halal để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
Sáng 4/4, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2025.
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2025 được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân. Cùng tham dự hội nghị có đại diện các hiệp hội, ngành hàng, địa phương, doanh nghiệp cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, thị trường Halal toàn cầu trị giá 2 nghìn tỷ USD mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, đây là thị trường cần phải quan tâm chiếm lĩnh.
Thứ trưởng dự báo, với tỷ trọng toàn thị trường trị giá 2 nghìn tỷ USD, chúng ta chỉ cần chiếm thị phần 10% cũng đã mang lại giá trị rất lớn. Nếu phấn đấu trong vòng 5 năm với tốc độ tăng trưởng hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam hoàn toàn có thể chiếm tỷ trọng cao trong thị trường Halal toàn cầu.

Với những tiềm năng và cơ hội rộng mở, thị trường Halal đang trở thành một hướng đi quan trọng cho doanh nghiệp Việt Nam trong chiến lược mở rộng xuất khẩu. Ảnh minh họa
Giới thiệu về Halal và tiềm năng cũng như cơ hội phát triển các sản phẩm Halal, ông Ramlan Bin Osman - Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia (HALCERT) - Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, hiện nay, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt trung bình từ 6% đến 7% mỗi năm, cho thấy nền kinh tế nội địa vững mạnh với tiềm năng cao.
Việt Nam còn sở hữu nguồn nguyên liệu thô tiềm năng dồi dào cho ngành Halal, bao gồm cà phê, gạo, hải sản, sản phẩm nuôi trồng thủy sản, gia vị, các loại hạt, rau củ và trái cây, cho thấy khả năng lớn trong việc sản xuất các sản phẩm cuối cùng.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã được công nhận là một trong những điểm đến du lịch quốc tế hàng đầu vào năm 2018. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành dịch vụ lưu trú, bao gồm nhà hàng Halal và dịch vụ ăn uống.
Do đó, ông Ramlan Bin Osman đánh giá Việt Nam có cơ hội lớn để tham gia vào thị trường thực phẩm Halal toàn cầu, trị giá 3 nghìn tỷ USD nhưng vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ, với chưa đến 10% nhu cầu được thỏa mãn.
Với những tiềm năng và cơ hội rộng mở, thị trường Halal đang trở thành một hướng đi quan trọng cho doanh nghiệp Việt Nam trong chiến lược mở rộng xuất khẩu. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi thế này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức chứng nhận nhằm xây dựng một hệ sinh thái Halal bài bản, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Tiềm năng thị trường Halal rất rộng lớn với dân số dự báo đạt 2,18 tỷ người vào năm 2030 chiếm khoảng 30% dân số thế giới. Quy quy mô thị trường dự báo sẽ đạt mức tối đa 3,2 nghìn tỷ USD vào năm 2025, và tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 6,2%.
Chỉ riêng về thực phẩm, báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, cộng đồng Hồi giáo toàn cầu chi tiêu khoảng 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến tăng lên 15.000 tỷ USD vào năm 2050. Trong đó, nông sản chất lượng cao, đặc biệt là sản phẩm sạch và hữu cơ có chứng chỉ Halal chiếm tỷ trọng lớn.