Tận dụng tối đa cơ chế, chính sách đặc thù để bứt phá
Sau 3 năm triển khai thực hiện, các cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết số 55 của Quốc hội đã từng bước phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa (cũ), nâng cao sự quan tâm và thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư chiến lược. Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận (cũ) cũng kịp thời áp dụng Nghị quyết số 189, ngày 19-2-2025 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt xây dựng Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận để đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Cơ chế đặc thù mở ra cơ hội vàng
Để thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là khu vực kinh tế tư nhân trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển tỉnh Khánh Hòa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 09, ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 04, ngày 10-1-2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, ngày 16-6-2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 55 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Các chính sách tại Nghị quyết số 55 của Quốc hội đã bước đầu phát huy hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành kiểm tra, đôn đốc tiến độ Dự án Tuyến đường ven biển từ xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh đi thị xã Ninh Hòa. Ảnh: V.K
Theo lãnh đạo Sở Tài chính, năm 2023, tỉnh Khánh Hòa được bổ sung 60,4 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương theo Nghị quyết số 55 và 9,4 tỷ đồng thưởng vượt thu năm 2023. Năm 2024, UBND tỉnh đã có công văn báo cáo Bộ Tài chính đề nghị thưởng vượt thu ngân sách trung ương năm 2024 với số tiền 524,9 tỷ đồng, trong đó thưởng vượt thu theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết số 55 là 495,5 tỷ đồng. Nhờ đó, đã bổ sung nguồn lực để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa theo Nghị quyết số 09 đã đề ra.
Đối với chính sách thực hiện chuẩn bị thu hồi đất tại Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong và huyện Cam Lâm (cũ), ngày 28-3-2024, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 13 về việc ban hành danh mục các dự án được tổ chức thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền đất tại KKT Vân Phong (đối với Dự án Khu đô thị mới cao cấp Tu Bông và Dự án Khu đô thị mới cao cấp Đầm Môn). Ban Quản lý KKT Vân Phong đã ký hợp đồng với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Vạn Ninh (cũ) thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền đất tại KKT Vân Phong đối với 2 dự án nêu trên, thời gian thực hiện 16 tháng kể từ ngày 21-2-2025.
Đến nay, đã có 3 dự án thuộc danh mục dự án được HĐND tỉnh cho phép tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công đã hoàn thành thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư và đang thực hiện thủ tục phê duyệt quyết định đầu tư các dự án thành phần, gồm: Dự án Đường giao thông liên vùng huyện Diên Khánh; Dự án Nâng cấp và làm mới đường Tỉnh lộ 6 - ĐT.651G (đoạn 2); Dự án Tuyến đường ven biển từ xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh đi thị xã Ninh Hòa…
Ông Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc Sở Tài chính đánh giá, sau 3 năm triển khai thực hiện, các chính sách đặc thù tại Nghị quyết số 55 của Quốc hội đã từng bước phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công trọng điểm; đẩy nhanh việc thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất đối với các dự án của các nhà đầu tư chiến lược; hỗ trợ huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh đầu tư phát triển hai huyện miền núi trở thành “các tiểu đô thị sinh thái núi rừng”, khắc phục hạn chế “chênh lệch phát triển trong nội tỉnh” và góp phần hướng đến mục tiêu phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 là thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong khi đó, tại tỉnh Ninh Thuận (cũ), việc được áp dụng các chính sách ưu đãi đặc thù, tiêu biểu là cơ chế giá mua điện đã biến địa phương trở thành thủ phủ của năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió. Cùng với đó, các ưu đãi về thuế như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu thiết bị, và chính sách hỗ trợ tiếp cận đất đai cũng đóng góp đáng kể. Những chính sách này đã tạo ra một cú hích ngoạn mục biến Ninh Thuận thành nơi có tỷ trọng năng lượng tái tạo lớn nhất cả nước. Hàng loạt dự án điện mặt trời và điện gió quy mô lớn đã đi vào hoạt động, đóng góp đáng kể vào tổng công suất phát điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phát thải carbon. Toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 57 dự án đi vào vận hành với tổng công suất gần 3.750MW.
Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận đang được tái khởi động với một tầm vóc và vai trò mới trong chiến lược năng lượng quốc gia. Để thúc đẩy dự án trọng điểm này, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 189 quy định 9 cơ chế, chính sách đặc biệt, trong đó nổi bật là: Cho phép triển khai đồng thời các bước quan trọng như đàm phán hợp tác quốc tế, cấp tín dụng, và điều chỉnh, phê duyệt chủ trương đầu tư, nhằm tối đa hóa tốc độ triển khai; áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn cho các gói thầu “chìa khóa trao tay” xây dựng nhà máy chính, các gói thầu tư vấn quan trọng và công tác thẩm định công nghệ, an toàn hạt nhân. Đặc biệt, để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được áp dụng ở mức cao nhất theo quy định nhân với 1,5 lần. Về ưu đãi ngân sách cho tỉnh, ngân sách trung ương sẽ bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh 70% số tăng thu từ triển khai Dự án Điện hạt nhân. Tỉnh cũng được phép vay lại vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài với mức dư nợ cao, và được phân bổ thêm 40% số chi thường xuyên tính theo định mức dân số. Nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon của tỉnh cũng được hưởng 100%...
Đề xuất bổ sung chính sách đặc thù
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã đồng ý cho phép các địa phương sau sáp nhập đơn vị hành chính được tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội đã cho phép thực hiện tương ứng với các địa phương trước khi sáp nhập. Như vậy, tỉnh Khánh Hòa mới sẽ tiếp tục được áp dụng thực hiện các chính sách đặc thù được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 55 và Nghị quyết số 189.

Khu vực dự án năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận (cũ). Ảnh: A.T
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Tài chính cho rằng, qua quá trình triển khai thực tế, các chính sách ưu đãi hiện nay vẫn chưa đủ sức hấp dẫn và thu hút đối với các nhà đầu tư chiến lược; một số chính sách hiện nay không còn mang tính ưu đãi đặc thù khi so sánh với các chính sách tại Nghị quyết số 68, ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Vì vậy, tỉnh sẽ nghiên cứu đề xuất trung ương cơ chế, chính sách thành lập Khu thương mại tự do Khánh Hòa để thí điểm các cơ chế đột phá, chính sách ưu đãi, vượt trội nhằm mục tiêu cạnh tranh để thu hút đầu tư, tài chính, thương mại và dịch vụ chất lượng cao. Đồng thời, bổ sung một số chính sách đặc thù phát triển KKT Vân Phong, như: Chính sách bổ sung nguồn lực đầu tư hạ tầng KKT Vân Phong; chính sách ưu đãi tiền thuê đất, thuê mặt nước và ưu đãi thuế đối với nhà đầu tư chiến lược; cơ chế đặc thù về thủ tục đầu tư; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân trong 10 năm cho chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, nhà quản lý, lao động có trình độ cao trong và ngoài nước có thu nhập từ tiền lương, tiền công phát sinh khi làm việc trong KKT Vân Phong…
Ông Trần Quốc Nam - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết, trong những năm qua, Ninh Thuận và Khánh Hòa đã nổi lên như những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển năng lượng, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió. Riêng tại Ninh Thuận đã hình thành được hệ sinh thái năng lượng tái tạo tương đối hoàn chỉnh, chiếm gần 8% tổng công suất năng lượng tái tạo của cả nước. Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 189, tỉnh đã triển khai công tác thu hồi gần 1.300ha đất của hơn 1.200 hộ dân tại Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, quyết tâm hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng trong năm 2025. “Với việc trung ương tiếp tục cho triển khai cơ chế chính sách đặc thù sau khi sáp nhập 2 tỉnh, sẽ mang lại những chuyển biến đột phá cho tỉnh Khánh Hòa mới, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và thu hút đầu tư, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tỉnh Khánh Hòa mới sẽ hình thành trung tâm năng lượng quốc gia, đa dạng từ điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, LNG đến điện hạt nhân. Đây sẽ là trụ cột phát triển bền vững của tỉnh Khánh Hòa, đóng góp vào an ninh năng lượng quốc gia và chiến lược phát triển xanh của đất nước”, ông Trần Quốc Nam chia sẻ.