Tận dụng tốt hơn các FTA để xuất khẩu nhiều hơn
Cùng là thành viên của nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Australia vẫn còn khiêm tốn. Thực tế này đặt ra yêu cầu nâng cao hiệu quả tận dụng các FTA của doanh nghiệp Việt Nam để đẩy mạnh giao thương giữa hai bên.
Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trung bình 14%/năm
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Australia tăng trung bình 14%/năm trong giai đoạn 2010 - 2022. Trong 7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Australia đạt 8,1 tỷ USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Năm 2022, Australia trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam; ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thứ 10 của Australia. Lũy kế đến tháng 8.2023, Australia là đối tác đầu tư lớn 16 của Việt Nam với 610 dự án, tương đương 2,02 tỷ USD. Việt Nam hiện cũng đầu tư vào Australia khoảng 850 triệu AUD (tương đương 550 triệu USD); chủ yếu là từ Tập đoàn Hòa Phát (khoáng sản) và Tập đoàn TH (chăn nuôi).
Về cơ cấu sản phẩm, Việt Nam xuất khẩu sang Australia các mặt hàng như thủy sản, máy móc linh kiện, gỗ, nông sản… Cụ thể, hiện Australia đang là nhập khẩu thủy sản lớn thứ 6 của Việt Nam, Việt Nam là nhà cung cấp mặt hàng thủy sản ngoại nhập số 1 của Australia (chiếm 23% thị phần). Hạt điều Việt Nam cũng là nhà cung cấp số 1 cho Australia đối với hạt điều (99%) và hạt tiêu (gần 30%).
Đặc biệt, Australia đang là nước nhập khẩu đồ gỗ nội thất lớn thứ 9 thế giới trong năm 2022 và đang gia tăng nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á; trong đó, Việt Nam, Malaysia và Indonesia là các nước đang đứng đầu. Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam sang Australia tăng 11% trong năm 2022, đạt 187,9 triệu USD. Ngoài ra, về dày dép, xuất khẩu sang Australia đạt 438,6 triệu USD, tăng 41,6% (2022) hay dệt may cũng đạt 449,7 triệu USD; tăng 27,4% (2022).
Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Australia các nguyên phụ liệu dệt may, da giày, than đá, quặng sắt; sữa và các sản phẩm từ sữa, lúa mỳ… Đặc biệt, nhu cầu nhập khẩu bông từ Australia rất lớn để phục vụ sản xuất may mặc nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường khó tính. Việt Nam đã và đang mua bông từ Australia, nhưng vẫn còn có thể mua nhiều hơn nữa khi xuất khẩu dệt may của Việt Nam tăng mạnh.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Ngô Chung Khanh đánh giá, cả hai nước hiện là thành viên của Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia/New Zealand (AANZFTA); Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Diều này giúp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu giữa Việt Nam - Australia, và đây cũng là thị trường có nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Việt.
Tuy vậy, ông Khanh cũng đặt hàng loạt câu hỏi: Vì sao có nhiều tiềm năng nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang Australia vẫn tăng chậm? Vì sao nhiều mặt hàng thế mạnh của hai bên chưa có thị phần lớn và đầu tư cũng không đáng kể, ngay cả khi có FTA thế hệ mới?
Tăng khả năng đáp ứng tiêu chuẩn FTA
Theo Phó Vụ trưởng, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi Tô Ngọc Sơn, hệ thống quy định của thị trường Australia ngày càng khắt khe trong khi khả năng đáp ứng của Việt Nam chưa đủ do có chênh lệch nhất định về công nghệ, trình độ. Dù có các FTA làm trợ lực cho xuất nhập khẩu nhưng kiến thức về các FTA của các doanh nghiệp còn hạn chế, khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn FTA của các doanh nghiệp chưa cao… Về khách quan, đại dịch Covid-19 cũng khiến kinh tế suy thoái, giảm sức mua, đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhiều lĩnh vực tiềm năng chưa nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Để hiện thực hóa cơ hội xuất nhập khẩu giữa hai nước, theo ông Sơn, cần chú trọng công tác phổ biến kiến thức thị trường, về các FTA, tìm mọi cách nâng cao hiệu quả tận dụng FTA cho doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh mở cửa thị trường cho hàng hóa thế mạnh của hai bên. Hỗ trợ kết nối giao thương cho doanh nghiệp hai nước và khuyến khích, thu hút đầu tư trong các lĩnh vực tiềm năng của mỗi nước.
Đối với doanh nghiệp, cần chủ dộng trau dồi kiến thức về thị trường, quy định yêu cầu của thị trường, kiến thức về các FTA. Đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tránh phụ thuộc vào một vài nguồn cung cố định. Tập trung nâng cao năng lực sản xuất, củng cố và phát triển chất lượng sản phẩm, kịp thời đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, chủ động nghiên cứu, tiếp cận thị trường, đề nghị sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đại diện thương mại, đầu tư tại nước sở tại.
Đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên cũng lưu ý thêm, để tận dụng các FTA hiệu quả, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng, chú trọng vấn đề tiêu chuẩn, bao bì sản phẩm; xây dựng và triển khai chiến lược phát triển một cách bền vững. Cùng với đó, liên kết, hợp tác để giảm chi phí, đáp ứng quy tắc xuất xứ. Có bộ phận phụ trách FTA hoặc có sự hỗ trợ của công ty tư vấn FTA. Ngoài ra, tiếp tục triển khai các chương trình quảng bá tiếp cận khách hàng Việt Nam, tăng cường hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp Việt để xây dựng chuỗi cung ứng, đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh…