Tận dụng xu thế du lịch thông minh
Ngoài các sản phẩm du lịch truyền thống, ngành 'công nghiệp không khói' của TP HCM đang có sự phục hồi mạnh mẽ nhờ tận dụng lợi thế nguồn lực cho du lịch thông minh. Với hạ tầng đô thị thông minh sẵn có, chi phí cạnh tranh và sản phẩm đa dạng, TPHCM đang ưu tiên đầu tư mạnh mẽ cho loại hình du lịch này.
Bắt nhịp xu hướng
Từng là hướng dẫn viên du lịch cho nhiều công ty du lịch lữ hành trong nước, nhưng thời điểm này anh Vũ Quang Thành (39 tuổi, thành viên dẫn tour của Hanoi Tourguide) cũng không khỏi bất ngờ vì các dịch vụ du lịch đã được cập nhật số hóa nhanh chóng.
“Dù đã có nhiều lần đưa các đoàn khách đến TPHCM, thế nhưng lần này trở lại, chúng tôi được tiếp cận các dịch vụ mua sắm đều bằng QR Code, dịch vụ này ngày càng phổ biến ở các địa điểm công cộng. Du khách có thể đặt lịch spa, gym hoặc sử dụng dịch vụ tại các điểm đến bằng app store hoặc đường dây nóng sẵn có từ phòng nghỉ đến khu vực buffee hoặc lễ tân rất tiện lợi” - anh Thành cho hay.
Gần nhất, ông Quân Trương (47 tuổi, Việt kiều Mỹ) khi tham gia sự kiện “Không tiền mặt – Cashless Town” của ngành du lịch thành phố cũng đã phải thốt lên rằng, các hạ tầng đô thị thông minh của TPHCM nói chung và du lịch thông minh đã phát triển rất nhanh và không thua kém so với các đô thị khác của khu vực, kể cả với các dịch vụ tour du lịch phổ biến ở Mỹ. Dẫn chứng, ông Quân Trương cho biết, tại “Cashess Town” - TPHCM, gần như 100% các dịch vụ thanh toán đều được thực hiện “không tiền mặt”. Nhiều ứng dụng như Momo, TapTap, Cake Cloud, Trust Pay,… đã được sử dụng phổ biến tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho du khách trong việc mua sắm.
Trên đây chỉ là một số ý kiến trong rất nhiều các phản hồi tích cực của du khách khi đến với TPHCM.
Du lịch thông minh ngày càng khởi sắc cũng đã giúp bù đắp cho sự “tụt dốc” của các loại hình du lịch truyền thống vốn kém thu hút hơn kể từ giai đoạn “hậu” Covid-19 cho đến nay. Riêng trong quý I năm nay, các cơ sở lưu trú du lịch vừa và nhỏ ở TPHCM đã phải đối mặt với nhiều khó khăn như nguồn khách, nhân sự, hạn chế về tiếp cận vốn ngân hàng… Theo TS Tạ Duy Linh - Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch TPHCM, việc tiếp cận và tạo điều kiện hạ tầng cho du lịch thông minh phát triển trở thành “cứu cánh” cho du lịch truyền thống.
Mới đây, để hỗ trợ thành phố trong quá trình đổi mới, sáng tạo, đa dạng giải pháp để xây dựng sản phẩm du lịch, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch cũng đã tham gia đào tạo, tập huấn cho người dân trực tiếp làm du lịch cộng đồng tại ấp đảo Thiềng Liềng, xã Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM), để người dân tạo ra những sản phẩm độc đáo của riêng ấp đảo nhằm thu hút du khách.
Ngoài ấp đảo Thiềng Liềng, Sở Du lịch TP HCM đã chọn nhiều điểm đến du lịch cho chiến lược đầu tư vào ngành công nghiệp không khói, trong đó xây dựng hệ thống du lịch thông minh gắn với đô thị thông minh. Hiện nay, hệ sinh thái du lịch của TPHCM đã xây dựng được các trụ cột, gồm sản phẩm du lịch, nhà cung cấp dịch vụ trực tiếp, mạng lưới hỗ trợ du lịch và cơ sở hạ tầng của thành phố. Các hạ tầng đảm bảo một vị thế phát triển bền vững cho du lịch thông minh bên cạnh việc tận dụng các cơ chế, chính sách từ Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 đang được hoàn thiện.
Động lực để phục hồi nhanh
Với lợi thế bước đầu từ hạ tầng đô thị thông minh, Sở Du lịch TPHCM đã tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp để TPHCM đẩy mạnh xây dựng và phát triển du lịch thông minh trở thành động lực cho quá trình phục hồi kinh tế - xã hội của đô thị này. Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, các sản phẩm du lịch thông minh, nhất là du lịch chăm sóc sức khỏe và y tế nhờ chuyển đổi số, hạ tầng hiện đại đang có nhiều tiềm năng phát triển nhanh. Ước tính, riêng lượng khách du lịch đến khám chữa bệnh đã mang đến doanh thu khoảng 2 tỷ USD/năm.
Hiện tại, TPHCM đã trang bị được hệ thống cơ sở vật chất hiện đại với 131 bệnh viện, cùng với đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao với chi phí khám chữa bệnh hợp lý, đã và đang thu hút, tiếp nhận bệnh nhân là khách du lịch ngày càng cao.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cũng nhìn nhận du lịch thông minh trên cơ sở tiếp cận nhanh với xu hướng phát triển của công nghiệp 4.0 đang ngày càng có lợi thế. Đặc biệt, trong phát triển ngành y tế, Sở Y tế cũng xác định phát triển du lịch y tế là một trong những giải pháp để cải thiện dịch vụ, hiện đại hóa quy trình khám chữa bệnh của ngành mình.
Theo Đề án giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được UBND TP HCM công bố cũng đã đưa du lịch thông minh vào mục tiêu được ưu tiên đầu tư và phát triển lâu dài của thành phố. Ở thời điểm hiện tại, ngành du lịch TP HCM đã đưa vào vận hành các App Du lịch thông minh như “Sở Du lịch trực tuyến”, “Công chức trực tuyến”, đồng thời từng đơn vị cũng chủ động chuyển đổi số, xây dựng các trang thông tin du lịch trên các không gian mạng xã hội, như: Facebook, YouTube, Instagram, Zalo,…
Bên cạnh đó, Sở Du lịch TPHCM cũng dự kiến phối hợp với Tổng Cục Du lịch và các công ty công nghệ để kết nối dữ liệu khi các dự án xây dựng cơ sở dữ liệu về du lịch thông minh được hoàn thiện và đưa vào vận hành trong thời gian tới.
Du lịch thông minh ngày càng khởi sắc cũng đã giúp bù đắp cho sự “tụt dốc” của các loại hình du lịch truyền thống vốn kém thu hút hơn kể từ giai đoạn “hậu” Covid-19 cho đến nay.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tan-dung-xu-the-du-lich-thong-minh-5721027.html