Tân Hóa: Từ 'rốn lũ' đến làng du lịch tốt nhất thế giới
Từ một làng quê được gọi là 'rốn lũ', Tân Hóa đã vượt qua hàng trăm đối thủ khác trên thế giới, đoạt giải thưởng Làng du lịch tốt nhất thế giới của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) năm 2023.
Vượt qua nghịch cảnh
Tân Hóa là xã miền núi huyện miền núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Xã có diện tích tự nhiên 7.427,20 ha, nằm ở giữa các dãy núi đá vôi, có nhiều hệ thống hang động được kiến tạo qua hàng triệu năm như: Hang con Chuột, hang Dơi, hang Tụng, hang Tú Làn…
Địa hình độc đáo này đã làm nên phong cảnh hữu tình với vẻ yên bình vốn có của một làng quê Trung Bộ. Tuy nhiên, đặc thù địa hình này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong thiên tai, đặc biệt là mỗi mùa mưa lũ.
Vào khoảng thời gian từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11 hằng năm, mỗi khi xuất hiện những đợt mưa lớn, dài ngày, nước từ thượng nguồn đổ về gây lũ lớn làm ngập sâu Tân Hóa.
Đáng nhớ nhất là trận lũ lịch sử năm 2010 với mức nước dâng cao 12m đã nhấn chìm hầu hết các ngôi nhà ở Tân Hóa, người dân phải sơ tán lên các hang đá và vách núi để trú tránh chờ nước rút. Từ đó, những cụm từ như: "rốn lũ", "thung lũng đựng nước" được nhắc đến và gắn liền với Tân Hóa như là vùng đất gánh chịu nhiều tổn thương do thiên tai.
Tìm cách để sống chung với nghịch cảnh, khó khăn, người dân Tân Hóa đã nghĩ ra nhiều cách, nhưng giá trị nhất là việc tạo ra những ngôi nhà phao mà khi nước lũ lên đến đâu thì nhà nổi lên đến đó.
Theo năm tháng, những ngôi nhà phao ngày một được cải tiến phù hợp hơn với công năng khi bình thường là một ngôi nhà như bao ngôi nhà khác nhưng khi lũ lụt kéo đến lại như một con thuyền chở vật dụng có giá trị, lương thực, thực phẩm, nước sạch và người dân để họ sống qua những ngày mưa lũ.
Ông Trương Xuân Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Hóa cho hay, Tân Hóa có khoảng 620 ngôi nhà phao tự nổi, nhà nào cũng có ít nhất một ngôi để phòng chống lũ lụt. Từ ngày có nhà phao, người dân bớt phập phòng nỗi lo mỗi khi mùa mưa bão đến.
Người dân ở đây luôn tự hào về những ngôi nhà phao của mình làm ra và cho rằng, vượt qua nghịch cảnh, sống thích ứng với tự nhiên như Tân Hóa thì hiếm nơi nào có được.
Năm 2011, Công ty TNHH Chua Me Đất (Oxalis) đã đến Tân Hóa đặt đại bản doanh để đầu tư khai thác, đưa du khách đến chiêm ngưỡng những thắng cảnh này. Từ đây, những hình ảnh đẹp miên man về thung lũng cỏ xanh trải dài ngút tầm mắt hay hệ thống hang động Tú Làn cùng con sông Rào Nan thơ mộng đã đến được với người dân trên khắp mọi miền thế giới.
Bên cạnh đó, những ngôi nhà phao tự nổi đã được nhiều người dân đầu tư, trang cấp thêm nhiều thiết bị để "hô biến" thành các homestay đón khách.
Vươn tầm thế giới
Sau đó, người dân ở làng Tân Hóa cũng bắt đầu manh nha đi theo Oxalis làm du lịch, tìm kiếm công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đến tháng 12/2023, toàn xã có khoảng 120 người làm du lịch thường xuyên, với mức thu nhập trung bình từ 8-10 triệu/tháng.
Cùng với đó, các hoạt động du lịch ở xã Tân Hóa cũng đã gián tiếp tạo thêm việc làm cho hơn cả trăm lao động của địa phương. Những sản vật, lương thực, thực phẩm ở địa phương này trước đó cũng chỉ sản xuất tự cung tự cấp thì bây giờ còn phục vụ cho cả du lịch.
Riêng năm 2023, người dân trong xã đã bán được hơn 5 tỷ đồng hàng hóa phục vụ du lịch.
Theo báo cáo từ Sở Du lịch Quảng Bình, trong giai đoạn 2013-2023, tổng lượt khách đến với Tân Hóa vào khoảng hơn 63.100 lượt khách. Trong đó tập trung chủ yếu ở tuyến Tú Làn (hơn 45 nghìn lượt khách) và tuyến Hang Tiên (hơn 18 nghìn lượt khách).
Khách quốc tế đặc biệt yêu thích trải nghiệm dịch vụ ăn tối tại nhà người dân địa phương để khám phá thêm văn hóa và đời sống của người dân tại nơi được mệnh danh là “vùng rốn lũ”.
Gia đình anh Benjamin Edward Leslie, du khách đến từ Australia nhận xét: “Nơi đây thật sự là một chuyến đi tuyệt vời của chúng tôi. Tân Hóa có hang động, có thể cắm trại, ngủ lều, món ăn ấn tượng. Chúng tôi được trải nghiệm cuộc sống mùa lũ và hòa mình vào thiên nhiên".
Đặc biệt, tháng 10/2023, Tân Hóa đã vượt qua hàng trăm đối thủ khác trên thế giới, đoạt giải thưởng Làng du lịch tốt nhất thế giới của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO). Đây là làng du lịch duy nhất của Việt Nam được UNWTO bầu chọn trong danh sách 260 làng đến từ 60 quốc gia tham gia dự giải năm 2023.
Điều này khẳng định quyết tâm của UBND tỉnh Quảng Bình, Sở Du lịch tỉnh, cấp ủy, chính quyền xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa và các đơn vị liên quan trong xây dựng Tân Hóa thành mô hình du lịch thích ứng với thời tiết kiểu mẫu ở Việt Nam và là mô hình cho khu vực Đông Nam Á.
Giải thưởng là một sáng kiến toàn cầu nhằm nêu bật những ngôi làng, nơi du lịch bảo tồn và phát huy các giá trị, sản phẩm và lối sống dựa vào cộng đồng và nông thôn, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới và tính bền vững. Sáng kiến này cũng công nhận sự đóng góp của các ngôi làng cho những mục tiêu phát triển bền vững thông qua du lịch.
Ông Hồ An Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định, được vinh danh một trong những Làng du lịch tốt nhất thế giới mới chỉ là bước đầu trong lộ trình phát triển du lịch tại Tân Hóa.
"Giải thưởng danh giá này là cơ hội để Tân Hóa vững bước ra thế giới và từng bước trở thành điểm sáng của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển du lịch, Tân Hóa cần phải giữ được bản sắc văn hóa làng quê Việt Nam, không phá vỡ không gian sống xanh...", ông Hồ An Phong nhấn mạnh.
Giải thưởng Làng du lịch tốt nhất (Best Tourism Villages-BTV) là một sáng kiến toàn cầu của UNWTO nhằm nêu bật những ngôi làng nơi du lịch bảo tồn và phát huy các giá trị, sản phẩm và lối sống dựa vào cộng đồng và nông thôn, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới và tính bền vững.
Sáng kiến này cũng công nhận sự đóng góp của các ngôi làng cho các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) thông qua du lịch.
Theo đó, UNWTO đã ghi nhận tài nguyên văn hóa, thiên nhiên phong phú và nổi bật của làng Tân Hóa cùng những cam kết và hành động của làng trong tuân thủ ba trụ cột chính về phát triển du lịch bền vững.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tan-hoa-tu-ron-lu-den-lang-du-lich-tot-nhat-the-gioi-254542.html