Tân Hưng: Huy động hơn 150 tỉ đồng xây dựng nông thôn mới
Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Tân Hưng (Long An) tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) một cách tích cực, chủ động và được sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân.
Huy động vốn đầu tư kết cấu hạ tầng
Tuy còn nhiều khó khăn nhưng ngân sách nhà nước các cấp vẫn tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, các địa phương trên địa bàn huyện có sự huy động khá tốt nguồn lực của người dân tham gia XDNTM. Năm 2021, huyện huy động hơn 150 tỉ đồng, trong đó, vốn đóng góp của người dân gần 140 tỉ đồng, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, y tế, giáo dục, vệ sinh môi trường,...
Năm 2021, huyện đầu tư nâng cấp, sửa chữa 10 tuyến đường giao thông dài hơn 35km, kinh phí 64 tỉ đồng và xây dựng 6 cầu giao thông nông thôn kinh phí gần 9 tỉ đồng. Đến nay, huyện có 11/11 xã có đường ôtô về đến trung tâm xã, phục vụ thuận lợi cho việc đi lại và giao lưu hàng hóa của người dân.
Toàn huyện có 4/11 xã đạt tiêu chí (TC) giao thông. Từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, huyện đầu tư nâng cấp, trải nhựa tuyến đường từ trung tâm xã Hưng Điền đến Cửa khẩu phụ Tân Hưng với chiều dài hơn 3,5km, mặt đường rộng 5m, tổng vốn đầu tư 20 tỉ đồng; công trình vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Ông Nguyễn Văn Hạt (ấp Cây Me, xã Hưng Điền) phấn khởi: “Trước đây, tuyến đường này trũng thấp, lầy lội. Khi được nâng cấp trải nhựa, đường sạch sẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, nhất là học sinh đến trường”. Việc đầu tư nâng cấp tuyến đường này không chỉ tạo sự đồng bộ, thuận lợi hơn cho người dân khu vực biên giới tham gia giao thông, trao đổi hàng hóa, thúc đẩy phát triển KT-XH mà còn có ý nghĩa rất quan trọng về quốc phòng - an ninh.
Hệ thống trường, lớp được duy tu, sửa chữa thường xuyên nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học; có 9/11 xã đạt chuẩn về TC giáo dục và đào tạo; 9/11 xã đạt TC y tế; 7/11 xã đạt TC cơ sở vật chất văn hóa; 99% hộ dân sử dụng điện; người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%; hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,5%; sử dụng nước sạch đạt 76,7%;... Ngoài ra, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn tiếp tục được quan tâm thực hiện, có 9/11 xã đạt TC tỷ lệ lao động qua đào tạo; toàn huyện có 10/11 xã duy trì đạt TC thu nhập, thu nhập bình quân đầu người đạt 64 triệu đồng/năm, hộ nghèo còn 1,8%.
Bên cạnh những kết quả đã đạt, theo đánh giá của UBND huyện Tân Hưng, kết cấu hạ tầng - kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi và điện phục vụ sản xuất. Cảnh quan môi trường nông thôn chưa thật sự xanh, sạch, đẹp. Việc huy động nguồn lực để thực hiện chương trình chưa ngang tầm với nhiệm vụ,...
Phấn đấu đạt thêm 1 xã nông thôn mới vào năm 2022
Đến nay, toàn huyện có 3/11 xã hoàn thành XDNTM, số TC bình quân 16,1 TC, 1 xã đạt 18 TC, 1 xã đạt 17 TC, 2 xã đạt 15 TC và 3 xã đạt 14 TC.
Với mục tiêu XDNTM nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn với kết cấu hạ tầng từng bước hiện đại; văn hóa xã hội tiến bộ, phát huy dân chủ, đời sống tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; quốc phòng - an ninh được giữ vững; hệ thống chính trị được củng cố vững chắc; huyện Tân Hưng phấn đấu đến cuối năm 2022 đạt thêm 1 xã NTM (Vĩnh Lợi), các xã còn lại đạt bình quân 16,8 TC. Một số chỉ tiêu cụ thể, tăng mức thu nhập bình quân 70 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo giảm dưới 1,8%; trên 88% người dân tham gia bảo hiểm y tế;...
Theo Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng - Huỳnh Thanh Hiền, để thực hiện mục tiêu này, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và người dân về XDNTM; huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển các kết cấu hạ tầng thiết yếu ở khu vực nông thôn: Giao thông, điện, trường, trạm y tế, công trình cấp nước sinh hoạt, cơ sở vật chất văn hóa.
Song song đó, huyện tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với phát triển ngành nghề, thu hút đầu tư của doanh nghiệp và phát triển sản xuất nông nghiệp, dịch vụ trên địa bàn nông thôn; tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã; tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ môi trường;.../.