Tân Lập phát triển mô hình 'quả sạch'
Những ngày này, các hộ trồng dưa ở xã Tân Lập, huyện Lục Yên đang vào vụ thu hoạch chính với các sản phẩm: dưa lê Hàn Quốc, dưa lưới, dưa hấu…. Qua nhiều vụ trồng, các giống dưa đã khẳng định phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng cũng như trình độ canh tác của người dân nơi đây. Đặc biệt, sản phẩm được nhiều người biết tới do các hộ dân áp dụng quy trình sản xuất 'sạch'.
Mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc trong nhà lưới của gia đình anh chị Nguyễn Ngọc Khuyến - Long Thị Ca thôn São, xã Tân Lập giờ đã được nhiều người biết đến bởi gia đình anh là hộ đầu tiên trong xã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà lưới để thâm canh dưa lê Hàn Quốc theo hướng sản xuất sạch, an toàn sinh học.
Vừa vấn lại ngọn, tỉa chèo, chọn quả cho mấy cây dưa, anh Khuyến cho biết: "Trước kia, gia đình tôi trồng dưa lê, dưa hấu ở bãi soi. Do thời tiết khắc nghiệt nên năng suất, sản lượng thấp, chất lượng sản phẩm không ổn định. Vì vậy, tháng 7/2023, tôi đã vay mượn thêm tiền để đầu tư xây dựng trên 1.000 m2 nhà lưới với chi phí trên 400 triệu đồng để trồng dưa”.
Từ khi có nhà lưới, vợ chồng anh Khuyến lại tìm hiểu để quyết định chọn giống cây trồng sao cho đem lại hiệu quả cao nhất. Đã làm nhiều nghề, đi nhiều nơi để học hỏi, làm ăn như một số tỉnh trong miền Nam, thậm chí xuất khẩu lao động sang đi Malaysia, với kinh nghiệm, kiến thức và chút vốn tích cóp được trong quá trình đi xuất khẩu lao động, anh Khuyến đã chọn cho mình hướng lập nghiệp tại quê hương là đầu tư trồng hoa quả sạch và chọn cây dưa lê Hàn Quốc để đầu tư sâu kết hợp thêm các giống dưa khác.
Theo anh Khuyến, trồng dưa sạch đòi hỏi phải có kỹ thuật, kinh nghiệm cao, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vì sản phẩm 100% không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, 100% thụ phấn bằng ong.
Cùng với đó, anh đã kết nối với một doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh ký hợp đồng mua giống, bao tiêu sản phẩm nên đầu ra, giá cả sản phẩm luôn ổn định. Anh Khuyến chia sẻ: "Giống họ cấp, quy cách họ đặt, sản phẩm họ bao tiêu nên không bao giờ tôi phải lo nghĩ tìm đầu ra cho sản phẩm và quan trọng nhất là tránh được tình trạng được mùa, mất giá…".
Với trên 1.000 m2 nhà lưới, khoảng thời gian từ đầu năm đến tháng 9, vợ chồng anh Khuyến trồng dưa lê Hàn Quốc, từ tháng 9 đến cuối năm anh lại trồng dưa chuột nhằm tận dụng hết khả năng của nhà lưới và tăng thêm nguồn thu cho gia đình.
Với những kinh nghiệm của bản thân và qua quá trình học hỏi, tìm tòi, mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc của anh Khuyến dần phát triển ổn định, năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm đều tăng. Đến nay, gia đình đã trồng 4-5 vụ trong nhà lưới.
"Mỗi vụ trừ hết chi phí, chúng tôi lãi khoảng 100 triệu đồng. Hoa quả sạch mà cụ thể là cây dưa lê Hàn Quốc đã trở thành cây kinh tế mũi nhọn của gia đình. Nếu có điều kiện về kinh tế hoặc được chính quyền hỗ trợ, tôi sẽ đầu tư thêm 2.000 m2 nhà lưới nữa để phát triển mô hình này” - anh Khuyến cho biết thêm.
Giờ đây, ở thôn São không chỉ có gia đình anh Khuyến, trên địa bàn còn có gia đình bà Lý Thị Cúc cũng đầu tư trồng 2.500 m2 dưa lê Hàn Quốc, gia đình bà Đào Thị Lý đầu tư trồng 1.500 m2 nho theo hướng sản xuất hữu cơ, tạo được việc làm, thu nhập cho người dân. Đây là hướng đi bền vững trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở Tân Lập.
Ông Triệu Quốc Kiệm - Chủ tịch UBND xã Tân Lập Khẳng định: Thời gian qua, trên địa bàn xã đã có một số hộ chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, trồng dưa hấu, dưa lê Hàn Quốc đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là mô hình mới có hiệu quả cần được đầu tư và nhân rộng, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương và đảm bảo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Xã Tân Lập nói riêng và huyện Lục Yên nói chung là địa phương có tiềm năng, thế mạnh trong phát triển nông nghiệp. Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện đã xây dựng kế hoạch về tiêu chuẩn hóa chất lượng sản phẩm; tiến hành đưa các vùng sản xuất có khả năng chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ, VietGAP...
Để phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, VietGAP trên địa bàn xã Tân Lập cũng như các xã có điều kiện phù hợp, các cơ quan chức năng, địa phương cần tiếp tục hỗ trợ nâng cao nhận thức và kiến thức cho người nông dân về lợi ích và tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp hữu cơ, VietGAP.
"Bên cạnh hỗ trợ về chính sách, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… nông dân Tân Lập cũng như các địa phương khác cần được hỗ trợ về kỹ thuật và cơ sở vật chất như: hỗ trợ kết nối với các chuyên gia, nhà khoa học để nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ đầu tư, trang thiết bị, cơ sở vật chất như: hệ thống tưới tiêu, nhà lưới, nhà màng, máy móc chế biến sản phẩm; hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm hữu cơ, VietGAP theo tiêu chuẩn…” - ông Trần Quốc Tuấn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên cho biết thêm.
Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/322830/tan-lap-phat-trien-mo-hinh-qua-sach.aspx