Tản mạn 'Sài Gòn nối dài'
Đã gần trọn 50 năm Sài Gòn xưa - giờ đây xa binh lửa, xa bể dâu, trải qua nhiều ngọt bùi và cay đắng, để có được một Sài Gòn nay - vụt lớn muôn lần. Không những thế, lạ kỳ thay, Việt Nam còn có thêm 'Sài Gòn nối dài' xuyên không gian qua nhiều châu lục, đem đến nhiều điều thú vị cho người Việt xa gần.
Có dịp qua lại nhiều thành phố hải ngoại, ở đâu tôi cũng gặp người Sài Gòn xa xứ, cảm nhận hình ảnh và hương vị Sài Gòn gần gũi. Mới nhất, trong chuyến đi Mỹ đầu tháng Tư này, cái cảm xúc “tha hương ngộ cố tri” lại trào dâng trong tôi khi trở lại những “Sài Gòn nơi xa”, bắt đầu từ những cái tên thân thiết.
Những tên gọi không chỉ là hoài hương
Đến Mỹ ở bờ Đông, một ngày kia, trong tiết trời giá lạnh, gần Nhà hát giao hưởng Boston, tôi chợt thấy một cửa tiệm mang tên Bánh Mì Sài Gòn bằng tiếng Việt hẳn hoi. Tôi ồ lên và thầm chảy nước miếng như nhiều lần đi nước ngoài dài ngày thường cồn cào nỗi nhớ món ăn quê nhà.
Mấy ngày sau, trở sang bờ Tây, tại Seattle, một lần nữa tôi mừng còn hơn được quà khi thấy ở một trung tâm thương mại sang trọng gần chợ Pike nổi tiếng, lấp lánh ánh đèn của một nhà hàng Việt mang tên New Sài Gòn. Có lẽ ở xứ “Cờ hoa” đa chủng, cái không khí và mùi vị Sài Gòn đậm đặc hơn cả là tại San Jose (California) và Houston (Texas) - nơi người Việt quần cư đông đảo.
Chúng không những xuất hiện từ những cửa tiệm, quán xá, cửa hàng tươi sống và siêu thị mang hẳn bảng hiệu Sài Gòn. Chúng còn hiển hiện rạng rỡ ở các hàng quán mang tên những dấu ấn ẩm thực lừng danh của đô thành trước 1975 như Phở Pasteur, Phở Tàu Bay, Mì La Cay, Bánh mì Như Lan, Thịt quay Tôn Thọ Tường hay Chè Hiển Khánh, Bánh Givral, Cà phê Brodard, Nhà hàng Kim Sơn…
Không riêng Mỹ, ở nhiều xứ sở tôi qua, tên Sài Gòn đã và đang nảy nở bên các bảng hiệu mang tên quen thuộc của nhiều vùng miền như Nha Trang, Đà Lạt, Tây Đô, Hương Giang, Hà Nội… Chúng nào chỉ tập trung ở các khu người Việt mà còn xen lẫn ở nhiều phố chợ thượng lưu và bình dân của nước sở tại. Bảng tên nào đi nữa thì vào đó, ta cũng dễ nhận ra cả chủ lẫn khách đều là người Sài Gòn gốc hoặc người từng biết Sài Gòn.
Tại các hàng quán Việt, hầu như đều có đủ món ăn - tinh hoa của ba miền. Và ta sẽ không lạ lẫm khi thấy món ăn nào cũng có ít nhiều “nét Sài Gòn”, từ rau thơm, nước mắm đến ly nước trà thơm và phong cách phục vụ ân cần. À, tôi không quên, ngay tại “Sài Gòn chánh hiệu”, các món ăn tứ xứ vào đây đều được “Sài Gòn hóa” phần nào. Quả thật, bao đời nay, cái đô thành rộng mở ấy là nơi “đất lành chim đậu”, thu hút rồi hòa nhập và tái tạo từ ẩm thực, ăn mặc đến văn hóa, cách sống và cách làm. Cái chất phong phú độc đáo đó không ở ẩn một chỗ mà còn vươn ra biển xa.
Dường như Sài Gòn và chợ Bến Thành là hai tên gọi Việt, đồng thời là hai thương hiệu “Made in Vietnam” có sức hấp dẫn hàng đầu, được lưu truyền nhiều nhất ở hải ngoại. Kể cả bằng kiến trúc và hình ảnh logo trên sản phẩm, hay trang trí trong các cửa hàng. Nhiều năm trước, lần đầu đến Trung tâm Thương mại Eden của vùng Washington DC - Mỹ, tôi bắt gặp hình ảnh tháp đồng hồ Chợ Bến Thành được “phục dựng” uy nghi tại đây. Tuy vẻ ngoài không quét vôi vàng mà là màu gạch xám nhưng cái dáng tháp đồng hồ vuông vắn, đồ sộ - một biểu tượng của Sài Gòn, nhìn từ xa đã thấy không lẫn vào đâu được.
Thêm nữa, cái tên Eden càng gợi nhớ khu thương xá - rạp hát và chung cư lừng lẫy một thời ở góc Lê Lợi - Tự Do (nay là Đồng Khởi). Tiếc thay Eden nguyên mẫu từ năm 2014 đã bị “lên trời”.
Trong khi ấy, ở thành phố Richmond thuộc thủ phủ Melbourne của Úc, đã có một kiến trúc “y chang” tháp đồng hồ chợ Bến Thành - màu vôi vàng, thu nhỏ tại một dãy phố thương mại. Vào đó, 20 năm trước, tôi được thưởng thức tô phở kèm giá sống - rau thơm và ly cà phê sữa pha phin, đúng kiểu Sài Gòn.
Càng bất ngờ, khi tôi ghé thành phố Bankstown thuộc Sydney, bạn bè chỉ cho xem quảng trường mang tên Saigon Place. Chung quanh quảng trường là nhiều cửa tiệm Việt, đủ chủng loại, nhộn nhịp nhất là quán Phở An. Hóa ra đây là quán của anh Phan Chí Hiệp - một đồng môn đàn anh Trường Petrus Ký, khởi nghiệp rất thành công.
Trong hơn 20 năm gần đây, có dịp qua lại nhiều thành phố trên đất Mỹ, Canada, Pháp và một số nước châu Âu, hay gần hơn là Úc, Singapore và Thái Lan, tôi đều gặp những hàng quán, tạp hóa, siêu thị, tiệm nail... mang tên “Sài Gòn” và những tên tuổi nổi tiếng - xuất phát từ chốn đô hội nhất Việt Nam. Phải chăng những cái tên Việt Nam như vậy không chỉ thể hiện tình cảm hoài hương đơn thuần? Năm thập kỷ qua và sắp tới, đó vẫn là những cái tên chất chứa kỷ niệm và giá trị về một thành phố từng có mỹ danh “Hòn ngọc Viễn Đông”.
Đồng thời, chúng còn là thương hiệu dễ gọi, dễ nhớ và thể hiện một nước Việt Nam muôn màu. Cho dù ai, chẳng hiểu vì sao không thích thì cái tên hồn hậu ấy vẫn không lìa xa ký ức, vẫn tiếp bước trong tâm hồn nhiều thế hệ Việt. Hai chữ “Sài Gòn” thiêng liêng vẫn đang đồng hành cùng tên gọi mới “Thành phố Hồ Chí Minh”, như đã xuất hiện trên logo chính thức của thành phố hiện tại.
“Đường Sài Gòn”, “chất Sài Gòn” và “hồn Việt”
Trở lại Nam Cali, tôi được bạn học đưa đi dạo một vòng Little Saigon trải dài qua ba thành phố Westminster - Garden Grove - Santa Ana. Ở đoạn đường băng qua Thương xá Phúc Lộc Thọ, bạn chỉ tôi thấy bảng tên đường mang tên “Saigon”.
Được chính thức đặt tên từ năm 2015, nhưng chắc rằng “đường Sài Gòn” đã có trong tim mọi người, từ lúc dân Việt định cư và lập nghiệp ở quận Cam. Qua bao năm tháng bươn chải, người Việt tại đây đã dựng nên một Sài Gòn thu nhỏ trên đất Mỹ, có đầy đủ phố xá, đền chùa, nhà thờ và sinh hoạt cộng đồng nhiều mặt cho trên 200.000 dân cùng du khách bốn phương.
Nhiều lần thăm Little Saigon, tôi lại nghĩ đến câu chuyện từ thế kỷ XVII di dân Việt đổ vào đất Đồng Nai, khổ công làm nên thủ phủ Sài Gòn trên đất phương Nam lạ lẫm. Con cháu họ - di dân Việt thời hiện đại đến đất Mỹ và hải ngoại dù do nguyên nhân lịch sử hay kinh tế, đều không quên mang những tên gọi quê hương, khí chất tổ tiên để tiếp tục vun trồng ở các thành thị và đồng quê xứ người. Trong đó, “cái chất Sài Gòn” - tinh thần khai phá, lối sống cởi mở và hòa nhập, không thể thiếu để giúp họ sinh tồn, lớn mạnh.
Không chỉ quận Cam mới có Little Saigon và cũng không phải chỉ mang tên như vậy mới có “chất Sài Gòn” hay “hồn Việt”. Tại San Jose - khu vực thung lũng hoa vàng ở Bắc Cali, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp điện tử và tin học cũng đã ra đời tên gọi chính danh Little Saigon. Còn ở Houston - Texas tuy không mang tên “Sài Gòn” nhưng đến các khu thương mại Hong Kong 1 hay 2 và 3 đều gặp người Sài Gòn cùng các cửa tiệm, hàng hóa Việt.
Còn ở quận 13 - Paris (Pháp) nổi tiếng là “Phố Tàu” song lại có hẳn các dãy phố đầy đủ hàng quán Việt, nhà sách Việt, phòng trà Việt mang các bảng hiệu liên quan Sài Gòn và những tỉnh thành khác, chính là một dạng Petit Saigon tấp nập.
Ở Úc, chỉ riêng Sydney và Melbourne đã có hơn 5 - 6 khu người Việt lớn nhỏ. Dù chưa có tên gọi Little Saigon hay Vietnam Town nhưng các khu thương mại và dân cư người Việt tại các nơi trên đã định hình, phát triển không kém các China Town, Korean Town hay Little Tokyo, Little India - thường gặp tại các thành phố lớn ở Âu Mỹ.
Tác giả với quyển tiểu thuyết Ca sĩ Saigon của Mỹ - 1948, tại một tiệm sách cũ ở Boston (4.2024). Ảnh: CTV
Thế nhưng, cái “chất Sài Gòn” và “hồn Việt” đâu chỉ tụ hội ở các hàng quán hay khu phố Việt. Thế hệ di dân Việt thứ nhất và thứ hai đã và đang đóng góp nhiều tài năng được các nước “bổn xứ” thừa nhận trong nhiều lĩnh vực. Trước nhất là trong giáo dục và khoa học, sang đến kinh doanh, văn chương, nghệ thuật và cả chính trị, quân sự.
“Sài Gòn nối dài”, “Việt Nam nối dài” - đã và đang giữ lấy cốt cách quê nhà, trong khi hòa nhập trở thành một phần không thể thiếu của các xã hội đa dân tộc - đa văn hóa của các nước sở tại. Đồng thời, đó vẫn là một phần máu thịt của giang san Việt, là một biểu hiện sức sống năng động của tập thể dân tộc Việt Nam - đông đảo hơn 100 triệu dân trên khắp các châu lục.
Bài và ảnh: Phúc Tiến
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tan-man-sai-gon-noi-dai-43512.html